Không phải Tiểu Yến Tử, đây mới là mỹ nhân khiến Ngũ a ca Vĩnh Kỳ cả đời say đắm
3 pháp bảo "thượng đả hôn quân, hạ đả gian thần" trong lịch sử Trung Quốc / Những cái nhất “cực chất” của các ông hoàng bà chúa Trung Quốc
Thông qua ảnh hưởng của bộ phim nổi tiếng "Hoàn Châu cách cách", giờ đây mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ, nhiều người sẽ nhớ ngay tới chuyện tình của vị Hoàng tử Thanh triều này cùng nàng cách cách Tiểu Yến Tử.
Thế nhưng ít ai biết rằng Ngũ a ca vốn là một nhân vật lịch sử có thực, còn Tiểu Yến Tử chỉ là một hình tượng nghệ thuật hư cấu.
Và sự thực là ngay cả khi Tiểu Yến Tử không thực sự tồn tại thì Ngũ a ca ngoài đời thật cũng từng có chuyện tình khắc cốt ghi tâm với một mỹ nhân tài mạo song toàn. Đó chính là vị Trắc phúc tấn xuất thân từ gia tộc Tác Xước La thị.
Hé lộ danh tính người thiếp yêu của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ
Chân dung Ngũ a ca Vĩnh Kỳ (bên phải) và hình tượng trên phim ảnh.
Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ (1741 – 1766), tự Quân Đình, hiệu Đằng Cầm Cư Sĩ, là Hoàng tử thứ năm của Càn Long Hoàng đế thuộc vương triều nhà Thanh.
Theo đánh giá của các sử gia, trong số các con trai của Càn Long lúc bấy giờ, Vĩnh Kỳ chính là vị Hoàng tử tài giỏi và được vua cha yêu mến hơn cả.
Tương truyền rằng Ngũ a ca lúc sinh thời nổi danh là người đa tài đa nghệ, thậm chí còn thông thạo tới ba ngôn ngữ là tiếng Mãn, tiếng Hán và cả tiếng Mông Cổ.
Không dừng lại ở đó, ông còn là một người rất có thiên phú trên phương diện nghiên cứu thiên văn, địa lý, lịch pháp, toán học, thi ca, thư pháp…
Chẳng những là một vị a ca văn võ song toàn, Vĩnh Kỳ còn từng có công cứu giá cho Càn Long trong một lần nhà vua gặp nạn. Cũng bởi vậy mà có nhiều ý kiến cho rằng, vị Hoàng tử này từ sớm đã được nhà vua chọn làm người kế vị tiếp theo.
Chỉ tiếc rằng "trời cao đố kỵ anh tài", sau một lần lâm bạo bệnh, Ngũ a ca Vĩnh Kỳ đã đột ngột qua đời khi chưa tròn 25 tuổi.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo ghi chép của chính sử Thanh triều, Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ khi còn tại thế từng có 4 thê thiếp có danh tính được lưu lại rõ ràng.
Trong đó Đích Phúc tấn là Tây Lâm Giác La thị, con gái của Tổng đốc Ngạc Bật, cháu gái của đại thần Ngạc Nhĩ Thái. Trắc Phúc tấn là Tác Xước La thị, con gái của Tả đô Ngự sử Quan Bảo.
Vĩnh Kỳ lúc sinh thời còn có 2 người thiếp khác là Hồ thị và Như cách cách. Tuy nhiên chính sử không ghi chép nhiều về xuất thân của hai nhân vật này.
Trong số 4 thê thiếp từng nên duyên phu thê với Ngũ a ca Vĩnh Kỳ, người được vị Hoàng tử này sủng ái và yêu thương hơn cả chính là Trắc phúc tấn Tác Xước La thị.
Cuộc đời viên mãn của mỹ nhân được Ngũ a ca sủng ái nhất: 5 năm sinh tới... 4 người con!
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Về gia thế của Trắc phúc tấn Tác Xước La thị, các nguồn sử liệu Thanh triều đều khẳng định rằng nhân vật này đến từ một gia tộc Bao y tương đối có địa vị vào thời bấy giờ.
Vào thời bấy giờ, "Bao y" chỉ những quần thể người phục vụ cho hoàng thất nhà Thanh, từng có giai đoạn bị đánh đồng với hàng ngũ nô bộc.
Gia tộc của Tác Xước La thị chủ yếu nhờ vào truyền thống khoa cử mà trở nên nổi danh, thậm chí còn được người đương thời ca tụng bằng mỹ tự "tứ thế ngũ hàn lâm".
Cha của Trắc phúc tấn Tác Xước La thị là Tả đô Ngự sử Quan Bảo, năm xưa từng đỗ Tiến sĩ dưới thời vua Càn Long và làm quan tới chức Lễ bộ Thượng thư.
Mặc dù phụ thân được xếp vào hàng các quan lại cấp cao trong triều đình, thế nhưng do xuất thân từ Bao y, Tác Xước La thị năm xưa vẫn phải tham gia kỳ tuyển tú của phủ Nội vụ như những cô gái bình thường khác.
Trong một lần tuyển tú vào khoảng năm Càn Long thứ 20, vị tiểu thư này đã có cơ hội bộc lộ tài năng của mình và được nhà vua chú ý. Thế nhưng điều khiến nhiều người ngạc nhiên lại nằm ở chỗ, Càn Long sau đó không nạp nàng vào hậu cung mà lại ban cho Ngũ a ca Vĩnh Kỳ.
Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn kề cận, Vĩnh Kỳ đã nhận ra sự tài hoa của Tác Xước La thị. Chẳng những là một tiểu thư có tu dưỡng, nàng còn đặc biệt am hiểu về văn học, cầm kỳ thi họa cũng đều rất mực tinh thông.
Vì cảm mến tài năng và học thức của nàng, Ngũ a ca đã quyết định nạp Tác Xước La thị làm thị thiếp trong phủ.
Chỉ vẻn vẹn 5 năm sau đó, Tác Xước La thị đã liên tục sinh hạ cho Vĩnh Kỳ 4 người con trai. Chỉ tiếc rằng trong số đó chỉ có một người sống đến tuổi trưởng thành.
Người con trai may mắn ấy của Ngũ a ca chính là Ái Tân Giác La Miên Ức – hậu duệ duy nhất còn sống để kế thừa hương hỏa của vị Hoàng tử này.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Thực tế là sau khi Miên Ức ra đời không lâu, Vĩnh Kỳ đã qua đời do bạo bệnh ở tuổi 24. Sau sự ra đi đột ngột của con trai, Càn Long đế đã quyết định đưa Miên Ức vào trong hoàng cung để nuôi dưỡng.
Do cùng lứa tuổi và có cơ hội đi học cùng nhau, Miên Ức cùng Thập ngũ a ca Vĩnh Diễm từ sớm đã có mối quan hệ hết sức thân thiết. Cho tới khi Vĩnh Diễm lên ngôi và trở thành Gia Khánh đế, Miên Ức cũng rất được người chú này tin tưởng, trọng dụng.
Mặc dù không có quá nhiều thành tựu trên phương diện chính trị, nhưng người con trai này của Ngũ a ca lại dốc lòng nghiên cứu văn hóa và trở thành một đại tài tử nức tiếng gần xa.
Từ đó không khó để nhận thấy, Ái Tân Giác La Miên Ức đã kế thừa một cách hoàn hảo thiên phú về thi văn cũng như tài năng nghệ thuật từ Ngũ a ca Vĩnh Kỳ và người mẹ Tác Xước La thị của mình.
Nhìn lại cuộc đời của Trắc phúc tấn Tác Xước La thị, không khó để nhận thấy mỹ nhân tài mạo song toàn ấy đã từng vì xuất thân Bao y mà cả đời không thể trở thành Đích phúc tấn.
Thế nhưng suy cho cùng, Tác Xước La thị vẫn may mắn có được tình yêu và sự sủng ái của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ, đồng thời lại có được một hậu duệ tài hoa xuất chúng như Miên Ức, âu cũng có thể xem là viên mãn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo