Khám phá

Kiều Phong, Quách Tĩnh và loạt nhân vật lịch sử có thật của Kim Dung

Nhà văn Kim Dung nổi tiếng với dòng tiểu thuyết võ hiệp hư cấu, tuy nhiên không phải tất cả các nhân vật trong truyện của ông đều là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Phận đời mỹ nhân thành danh từ phim kiếm hiệp Kim Dung: Người hạnh phúc viên mãn, kẻ tự tử vì tình / Những màn tỉ thí võ công kinh điển trong truyện Kim Dung

Đoàn Dự
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong tiểu thuyết của Kim Dung, Đoàn Dự là một trong 3 nhân vật nam chính của “Thiên long bát bộ”, bên cạnh hai huynh đệ kết nghĩa Tiêu Phong và Hư Trúc. Đây là nhân vật xuất thân hoàng tộc, tính cách vui vẻ, đào hoa. Đoàn Dự không thích học võ nhưng lại may mắn nắm được Lục Mạch Thần Kiếm, Bắc Minh Thần Công giúp hút công lực người khác, Lăng Ba Vi Bộ giúp khinh công nhẹ nhàng.
Trên thực tế, Đoàn Dự là một nhân vật có thật. Ông còn có tên là Đoàn Chính Nghiêm. Ông nối ngôi vua cha Đoàn Chính Thuần và trở thành vị vua thứ 16 của Đại Lý, trị vì trong khoảng thời gian 1108 - 1147.
Kiều Phong
1

Cũng như Đoàn Dự, Kiều Phong (hay Tiêu Phong) được ghi chép trong lịch sử. Tuy nhiên, thay vì một anh hùng mệnh khổ như trong truyện, cuộc đời của Kiều Phong lại viên mãn hơn nhiều.
Theo đó, ông là một đại thần người Khiết Đan. Khi Gia Luật Hồng Cơ lên ngôi, ông được phong làm Thái bảo. Năm 1048, Kiều Phong tiêu diệt được bộ tộc Trở Bốc, rồi năm sau đó tiếp tục đại phá tộc Địch Liệt.
Vị đại thần này còn có công phát hiện và mật tấu âm mưu tạo phản của cha con hoàng thân quốc thích Gia Luật Trùng Nguyên, rồi cầm quân dẹp loạn, và bức Trùng Nguyên phải tự sát ở vùng sa mạc phía Bắc. Với chiến tích lẫy lừng, ông được Gia Luật Hồng Cơ phong làm Nam Viện đại vương, sống trong ân sủng và trọng vọng. Năm 1065, Kiều Phong bị bệnh chết, nhà vua thương nhớ, phong ông làm Liêu Tây quận vương.
Khác với truyện, Kiều Phong chưa từng đến trung nguyên, cũng như xưng bá võ lâm ở đây.
Quách Tĩnh và Hoàng Dược Sư
Quách Tĩnh của “Anh hùng xạ điêu” tiếp tục là một nhân vật chính trong tiểu thuyết Kim Dung có thật. Không chỉ Quách đại hiệp, nhạc phụ của ông, Hoàng Dược Sư, cũng từng xuất hiện theo ghi chép lịch sử.
1
Đáng tiếc, nếu trong truyện họ là những bậc chính nhân quân tử, có tiếng nói trong võ lâm, tên tuổi của họ trong sử sách lại không mấy vẻ vang.
Theo ghi chép, Quách Tĩnh là một binh sĩ của Lữ Văn Đức, quan An phủ sứ vùng Kính Hồ cuối thời Nam Tống. Quách Tĩnh cấu kết với Hoàng Dược Sư – kẻ tự xưng luyện được 72 phép thần thông và có thể đánh lui quân Mông cổ nhờ thiên binh thiên tướng.
Lợi dụng sự mông muội của Lữ Văn Đức, Quách Tĩnh và Hoàng Dược Sư xin mở thành khai chiến với quân Mông Cổ với chỉ 300 quân. Tuy nhiên, lời khoác lác về thiên binh thiên tướng bị lật tẩy, quân Mông Cổ thuận lợi chiếm thành. Lúc này, Lữ Văn Đức giận dữ, chém đầu hai kẻ lừa đảo rồi tự vẫn.
Trương Tam Phong
1

Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo. Ông là người sáng lập ra môn phái lớn nhất ở Trung Quốc - Võ Đang. Theo ghi chép lịch sử, Trương Tam Phong tính tình cổ quái, tóc dài, râu rậm, ăn khỏe và đi nhanh.
Ông xuất hiện trong 2 tác phẩm của Kim Dung là “Thần điêu đại hiệp” và “Ỷ thiên đồ long ký”. Ở hầu hết các phiên bản phim được làm lại, hình tượng của Trương Tam Phong là một ông già râu tóc bạc phơ, giỏi võ công và có phần kỳ lạ, sát với truyền thuyết về Trương Tam Phong trong lịch sử.
Toàn Chân thất tử
Toàn Chân thất tử là 7 đạo sĩ của Toàn Chân đạo, đệ tử của Vương Trùng Dương, xuất hiện trong tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu”. Điều bất ngờ, cả 7 nhân vật này đều có thật trong lịch sử Trung Quốc, với thân phận như mô tả trong truyện.
Nổi bật trong số này là người đứng đầu Trường Xuân tử Khâu Xứ Cơ (1148-1227), quê ở Thê Hà, thuộc Đăng Châu. Khâu Xứ Cơ mồ côi từ bé. Năm 19 tuổi, ông vào núi Côn Lôn xuất gia học đạo.
Theo lịch sử, Khâu Xử Cơ là đạo sĩ giữa hai thời kỳ cai trị: nhà Kim và nhà Nguyên. Sau này, ông qua đời vì bệnh tật rồi được an táng tại Bạch Vân Quán (Bắc Kinh).
Thành Cát Tư Hãn
1

Thành Cát Tư Hãn là một quan quân sự, một vị lãnh đạo lỗi lạc trong lịch sử phát triển của nhân loại. Ông được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất, như là một vị lãnh đạo đã loại bỏ hàng thế kỷ của các cuộc giao tranh, mang lại sự thống nhất cho các bộ lạc ở vùng Đông Bắc Á.
Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp khu vực Á-Âu đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán. Đồng thời ông cũng thi hành chính sách tự do tôn giáo, cho phép tín đồ mọi tôn giáo được tự do hành đạo. Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn cũng nổi tiếng bởi sự tàn bạo với những người phản kháng.
Nhân vật lịch sử nổi tiếng này được nhà văn Kim Dung đưa vào tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu”. Trong truyện, ông vô cùng quý mến Quách Tĩnh và đã từng hứa gả con gái Hoa Tranh cho Quách Tĩnh. Sau đó, ông còn phong cho chàng chức vị Kim Đao phò mã. Thế nhưng, ông lại là người đã bức tử mẹ của Quách Tĩnh.
Hốt Tất Liệt
1

Trong lịch sử, Hốt Tất Liệt là đại hãn Mông Cổ, cháu nội Thành Cát Tư Hãn, đồng thời là người tiêu diệt Nam Tống, sáng lập ra triều Nguyên. Trong “Thần điêu đại hiệp”, Hốt Tất Liệt được xây dựng như một nhân vật phản diện đầy tham vọng, có âm mưu diệt trừ võ lâm Nam Tống.
Hốt Tất Liệt chiêu mộ các cao thủ như Kim Luân Pháp Vương, Tiêu Tương Tử, Doãn Khắc Tây để phá đại hội võ lâm do Quách Tĩnh chủ trì, sau đó còn bày kế hãm hại Quách Tĩnh nhưng không thành công.
Khang Hy
1

Trong lịch sử, Khang Hy là vị hoàng đế thứ tư của nhà Thanh, cai trị Trung Hoa từ năm 1662 đến 1722. Ông được nhận xét là vị hoàng đế tài giỏi, tạo nên sự thịnh vượng kéo dài 130 năm của nhà Thanh. Khang Hy được ca ngợi là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của lịch sử Trung Quốc, với danh xưng Khang Hy Đại Đế.
Khang Hy là một nhân vật quan trọng trong tác phẩm “Lộc đỉnh ký” của Kim Dung, ảnh hưởng trực tiếp đến những bước ngoặt, biến cố trong cuộc đời nhân vật chính Vi Tiểu Bảo. Hình tượng nhân vật Khang Hy trong truyện được xây dựng khá sát thực tế. Những sự kiện lịch sử có thật về cuộc đời của Khang Hy cũng được ghi lại trong tác phẩm này.
Lý Tự Thành
1

Lý Tự Thành (1606-1645) nguyên là một lãnh tụ vĩ đại của khởi nghĩa nông dân thời Minh mạt. Ông lật đổ được nhà Minh, nhưng lại bị người Mãn Châu đánh bại.
Lý Tự Thành xuất hiện trong tới 3 bộ tiểu thuyết của Kim Dung. Ở “Bích huyết kiếm”, ông được nhân vật chính Viên Thừa Chí phò trợ, nhưng rồi không đi được đến kết cục mong muốn là thống nhất thiên hạ.
Trong “Lộc đỉnh ký”, ông đi tu, vẫn còn sống tới đời Khang Hy và là cha của A Kha, vợ của Vi Tiểu Bảo. Đến “Tuyết sơn phi hồ”, truyện xoay quanh mối thâm thù truyền kiếp của bốn gia tộc vốn là vệ sĩ của ông.
Ngô Tam Quế
1

Ngô Tam Quế là nhân vật phản diện xuyên suốt trong bộ “Lộc đỉnh ký”. Hắn ỷ thế có công phò tá Khang Hy lên ngôi tháo túng ấu đế, bán nước cầu vinh.
Trong lịch sử, Ngô Tam Quế nguyên là đại tướng nhà Minh, là kẻ mở cửa Sơn Hải Quan dẫn quân Thanh vào biên ải, sau làm tướng nhà Thanh ở Vân Nam. Về sau, hắn lại làm phản nhà Thanh, nhưng bị thất bại dưới tay Khang Hy.
Chu Nguyên Chương
1

Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng của Trung Hoa. Vào giữa thế kỷ XIV, cùng với nạn đói, bệnh dịch và các cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra khắp nơi, Chu Nguyên Chương trở thành nhà lãnh đạo của một lực lượng đã chinh phục Trung Hoa và chấm dứt Nhà Nguyên, buộc người Mông Cổ phải rút vào thảo nguyên Trung Á. Với việc chiếm được Đại Đô của Nhà Nguyên, ông tuyên bố thiên mệnh thuộc về mình và lập ra Nhà Minh vào năm 1368.
Phần lớn tình tiết về vị vua này trong “Ỷ thiên đồ long ký” là hư cấu. Trong tiểu thuyết, ông là một giáo đồ Minh giáo, nhờ cầm quân thắng trận mà tạo dựng được thiên hạ riêng. Nhà Minh được lấy theo tên “Minh giáo”.
Trần Viên Viên
1

Theo lịch sử ghi lại, Trần Viên Viên vốn là kỹ nữ, sau đó trở thành thiếp của tướng quân Ngô Tam Quế. Bà được cho là một trong những nguyên nhân khiến Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh tiến đánh Trung nguyên.
Đến “Lộc đỉnh ký” của nhà văn Kim Dung, Trần Viên Viên trở thành đệ nhất mỹ nhân, nhưng đau khổ vì tình mà đi tu. Bà và Lý Tự Thành có với nhau một con gái là A Kha, một trong 7 cô vợ của Vi Tiểu Bảo.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm