Tim Friede, nhà nghiên cứu khoa học nghiệp dư đã bị rắn độc cắn hơn 160 lần trong suốt 16 năm nghiên cứu.
Tim Friede, 37 tuổi, là một nhà nghiên cứu khoa học nghiệp dư có đam mê với những con rắn độc. Trong suốt 16 năm nghiên cứu, anh đã để cho những con rắn độc cắn hơn 160 lần, trong đó có những lần nguy hiểm đến tính mạng.
Tim Friede hy vọng những thí nghiệm rùng rợn, phải đối mặt với tử thần của anh sẽ phần nào đó đóng góp cho khoa học, phát triển một loại vắc xin, tiêm ngừa miễn nhiễm dành cho những người sợ rắn cắn.
Để chứng minh mình thực sự nghiêm túc với công việc nghiên cứu, mới đây Tim Friede đã cho hai con rắn độc nhất thế giới là rắn Taipan và rắn Mamba đen cắn mình.
Nọc của những con rắn này có thể khiến con người chết trong vòng vài phút nếu như không được cứu chữa kịp thời và tiêm huyết thanh. Tuy nhiên Tim không hề sợ hãi, anh quả quyết "Tôi sẽ chỉ dừng việc này lại khi một loại vắc xin phòng chống rắn độc được tìm ra hoặc tôi bị cắn chết".
Vào năm 2011, Tim đã phạm một sai lầm lớn khi để hai con rắn hổ mang cắn, vết cắn đầu tiên Tim vẫn cảm thấy ổn nhưng đến lần thứ hai, chỉ sau một giây Tim đã ngã quỵ. Theo chia sẻ, Tim đã hôn mê và gần như chết tại thời điểm đó.
Tuy đã vượt qua một cách thần kỳ và sống lại nhưng Tim cũng phải thừa nhận đó thực sự là sai lầm lớn. Nỗi ám ảnh về việc tìm ra một loại vắc xin mới có thể tiêm chủng cho mọi người đã khiến Tim gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Vợ của Tim, cô Beth Friede đã ly hôn với anh vì bị ám ảnh bởi sở thích, đam mê kỳ quặc của chồng. "Tôi và những đứa trẻ không bao giờ đứng đầu, thậm chí còn không đứng thứ hai, những con rắn độc mới là ưu tiên hàng đầu của Tim", cô Beth chia sẻ.
Tuy vậy, những thí nghiệm của Tim lại nhận được sự ủng hộ của một số nhà khoa học. Tiến sĩ Brian Hanley, tiến sĩ vi sinh của Đại học California, người sáng lập và là giám đốc khoa học tại Butterfly Sciences, một công ty chuyên về liệu pháp gen và siêu miễn dịch hy vọng sẽ giúp Tim phát triển vắc xin của mình và tìm thấy những nhà đầu tư.
Dị nhân thích cho rắn độc cắn này thực sự tin tưởng rằng, vắc xin được nghiên cứu từ kháng thể kháng độc trong máu của anh có thể cứu giúp được rất nhiều người bị rắn độc cắn nếu như được nghiên cứu, phát triển đầy đủ.
Trong ảnh là Tim Friede đang tiếp xúc ở khoảng cách cực gần với một con rắn độc.
Theo Đinh Ngân/Kiến thức
Theo Đinh Ngân/Kiến thức