Khám phá

Kỳ bí chuyện "gọi hồn" bằng "ma khô" ở Cao Bằng

Nếu gia đình nào không làm "ma khô" thì "phần hồn" sẽ quay về báo hại vật nuôi, con cháu trong nhà ốm đau, bệnh tật.

Vẻ đẹp hoàn hảo của cô gái 18 tuổi sống ở 9.000 năm trước / Cứ tưởng thiên thạch rơi xuống, ai ngờ sự thật phũ phàng

Dân tộc Lô Lô (ở Cao Bằng) quan niệm rằng, sau khi chết, phần hồn còn lang thang chưa có nơi ở, vì thế họ phải làm “ma khô” để “gọi hồn”. Nếu gia đình nào không làm “ma khô” thì "phần hồn" sẽ quay về báo hại vật nuôi, con cháu trong nhà ốm đau, bệnh tật.

Chúng tôi đã tìm đến bản Nà Van, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc để tìm hiểu tục "ma khô" của người dân nơi đây

"Gọi hồn" bằng "ma khô"

Khi ánh bình minh vẫn chưa xua tan dải sương mù phủ trên ngọn đồi, chúng tôi chạy xe vào bản Nà Van dưới cái lạnh buốt của miền núi. Trên đỉnh Nà Van, hướng mắt nhìn lên lưng chừng núi là các bản làng đang còn ẩn mình trong màn sương mờ ảo.

Anh Vĩnh - người bản địa chỉ tay về phía đó rồi khẽ nói với tôi: "Kia là nhà sàn của người Lô Lô rồi. Hồi bé tôi còn nghe ông nội kể người Lô Lô thường hay bắt người lạ vào bản ăn thịt. Có người còn bị treo ngược lên cây đến chết khô ở trong rừng rồi đấy”.

Ở bản Nà Van, các ngôi nhà sàn nằm trên ngọn đồi.

Chẳng biết chuyện anh Vĩnh nói có hay không, song vẻ hoang sơ của các ngôi nhà sàn càng khiến tôi mỗi lúc một thêm tò mò.. Ở bản Nà Van, các ngôi nhà sàn nằm trên ngọn đồi Được biết, đồng bào vùng cao nơi đây họ vẫn còn tin vào thần linh, quỷ. Đa phần vật nuôi bị chết là họ lại cho rằng "hồn ma" bắt đi. Nếu không làm "ma khô" để "gọi hồn" thì gia chủ sẽ gặp tai ương, hoạn nạn.

Chừng một giờ đồng hồ trôi qua, chúng tôi cũng tìm đến bản Nà Van, dừng lại ở một ngã rẽ, bỗng có tiếng nhạc ngựa thồ hàng đi chầm chậm xuống. Tôi lại gần hỏi chuyện "ma khô", anh Hoàng Pa Chẹ dừng ngựa rồi nói: "Năm nào trong bản cũng làm "ma khô". Anh cứ chạy qua đường này hỏi công an viên thì rõ hơn, nhà ông trưởng bản thì xa lắm”.

Theo lời chỉ dẫn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến gia đình anh công an viên Lang Văn Thọ. Bước lên nhà sàn là không gian thoáng đãng, bên bếp than hồng, người già cùng trẻ nhỏ đang cười nói vui vẻ với nhau. Hai bà cụ có hàm răng đen đang dõi ánh mắt nhìn về phía chúng tôi.

Chẳng biết "hồn ma" có hay không, song chúng tôi vẫn quyết đinh lại gần để bắt chuyện. Khi nhắc đến “ma khô”, cụ Hoàng Thị Nê (76 tuổi) liền thốt lên: “Hồn là có thật đấy, mới đây ở xóm Khuẩy Con họ cũng làm “ma khô” rồi. Ở bản này, nếu gia đình nào không làm "ma khô" để "gọi hồn" là "con ma" ấy sẽ báo hại người, nuôi gà, nuôi lợn không sống đâu".

Theo cụ Nê, sau khi chôn cất người chết từ 3 đến 10 ngày trở lên là gia đình sẽ phải làm "ma khô". Một số nhà nghèo chưa có điều kiện thì họ có thể đợi một, hai năm sau làm cũng được. Với những gia đình không bị ốm đau, có khi cả chục năm mới làm “ma khô” một lần.

 

Bà Hoàng Thị Nê nói về tục “ma khô” .

Bà Hoàng Thị Nê nói về tục "ma khô" Thông thường làm "ma khô" rất tốn kém. Đầu tiên gia chủ phải giết một con bò và một con lợn.Khoảng 2 đến 3 giờ chiều cùng ngày, người nhà sẽ bắn 3 phát súng kíp lên trời để báo hiệu. Sau đó con cháu sẽ mang lợn gà đến để giết mổ. Trong ba ngày, gia chủ sẽ phải chuẩn bị lương thực cho cả làng ăn.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong tục "gọi hồn" bằng "ma khô", anh Thọ góp chuyện: "Mới tháng trước, trong bản này vừa có hai nhà "gọi hồn" bằng "ma khô" rồi đấy. Sau khi bắn 3 phát súng lên trời, con cháu trong nhà tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nữ 8 ngày, còn nam 9 ngày. Trong 10 ngày kiêng kỵ, gia đình không được làm bất cứ việc gì.

Riêng 3 ngày lễ, người nhà chỉ ăn, hát và nhảy múa. Tất cả các đồ cúng của người chết đều phải làm ở ngoài cửa. Người Lô Lô chúng tôi quan niệm rằng, khi cúng “ma khô” ở trong nhà thì "hồn người" chết sẽ không siêu thoát”.

Anh Lang Văn Thọ, công an viên bản Nà Van .

Anh Lang Văn Thọ, công an viên bản Nà Van

Các bước làm "ma khô"

 

Theo anh Thọ, tục "gọi hồn" bằng "ma khô" phải trải qua 5 bước. Đầu tiên, gia đình mời thầy cúng về nhà để giết chó. Bước thứ hai giết lợn, bước còn lại là giết bò... Ngoài ra, gia chủ còn phải giết thêm 20 đến 30 con lợn cắp nách để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Trong tất cả các bước này đều ứng với một ông thầy cúng.

Để hiểu sâu hơn về phần lễ, anh Thọ còn dẫn chúng tôi lên nhà thầy cúng Lang Văn Minh. Qua chén nước xã giao, ông Minh nói: "Khâu lễ cần từ 5 - 6 đôi trống đồng. Tất cả trống đồng sẽ được tập trung lại, nếu ít trống thì phải mượn thêm dòng họ khác.

Từng cặp trống đồng sẽ treo lên, mặt trống cái và mặt trống đực được úp vào nhau, khoảng cách từ 20 - 30cm. Trống được gõ bằng 2 thanh tre. Dùi được vót nhọn rồi xiên qua củ ráy gọt vỏ, họ bọc bằng vải chàm đỏ để gõ vào hai mặt trống. Thông thường có từ 6 - 7 bài đánh trống để tạo nhịp cho 12 điệu múa".

Theo ông Minh, các gia đình có anh em họ hàng với người chết, họ còn phải mang một cây nêu rồi treo lên đó bằng một miếng vải xanh hoặc đỏ. Ngoài ra họ còn mang kèm theo rượu, gạo và 1 con lợn hoặc gà. Con rể, con gái, cậu lớn, cậu bé thì mang bê, nghé. của đàn ông là mặc áo tang bằng vải đỏ hoặc xanh do mình tự khâu, dài đến đầu gối.

Anh Thọ bên chiếc trống đồng của dòng họ.

Riêng phụ nữ thì họ phải đội trên đầu từ 3 - 5 chiếc áo mới của dân tộc để cúng cho người chết. Khi tiếng trống cất lên cũng là lúc thầy cúng tiến hành vào lễ, lúc này con cháu bắt đầu múa hát. Lời hát là nỗi thương tiếc, cầu mong cho người đã khuất quay về đoàn tụ với tổ tiên, phù hộ cho họ sự bình yên.

 

Trong lúc tiến hành lễ, họ lấy các thanh tre buộc lại giống như hình người rồi mặc áo thật đẹp cho chúng. Các hình này được đặt trên bàn thờ nhằm tượng trưng cho người đã chết. Sau khi thầy cúng gọi hồn, lúc này tiết mục nhảy múa tiếp tục diễn ra, đầu tiên là người nhà rồi đến hàng xóm.

Họ phải múa 36 điệu, những điệu múa mô phỏng lại những động tác sinh hoạt cũng như làm việc của người Lô Lô như làm nương, làm rẫy, tra ngô… Khi mổ bò, họ cũng phải nhảy 9 vòng trước cửa nhà.

Sau khi điệu múa kết thúc, gia chủ cùng các thầy cúng mới cho giết lợn, gà, bê, nghé… Tất cả các con vật này đều được giết ở phía dưới giàn trống đồng. Mỗi một con vật bị chọc tiết sẽ được đặt lên khay gỗ vuông có buộc một tấm vải đỏ.

Trong khay còn có thêm một bát gạo, một chén rượu. Sau khi các khay lễ này được dâng lên bàn thờ, ngay lập tức các ông thầy cúng sẽ cầm một cành lá rồi cầu khấn. Cũng theo ông Minh, tất cả thầy cúng đều là con cháu trong nhà. Anh em mang đồ đến tế lễ phải tự giết mổ và cúng cho con vật của mình. Bao nhiêu con vật thì bấy nhiêu thầy cúng.

Nét độc đáo là tất cả các con vật này đều được thui trên các đống lửa khác nhau. Nếu có 20 con lợn thì sẽ ứng với 20 đống lửa. Kết thúc buổi lễ, hàng xóm ra về sẽ được một phần lộc, bao gồm: thịt, rượu, cơm. Riêng thầy cúng thì được một xâu thịt, anh em họ hàng thân thiết sẽ phải ở lại với gia đình một đêm.

 

Múa vòng trong lễ “ma khô” của người Lô Lô.

Múa vòng trong lễ “ma khô” của người Lô Lô Bà Chu Thị Vinh (70 tuổi) giảng giải: "Các nghi lễ này nó vui lắm. Đám mà vui thì nghe cũng lạ, nhưng mà đúng là như thế. Ai múa thì múa, ai hát thì hát, ai khóc thì khóc, nó là niềm vui trong nỗi buồn". Theo bà Vinh, sau lễ cúng "ma khô", gia đình phải "nuôi ma" trong vòng 3 ngày và cho ăn 3 bữa: sáng, chiều và tối. Người nhà chỉ được ăn khi người chết ăn xong, trước khi ăn cũng phải nhảy múa.

Ngày cuối cùng của lễ “ma khô”, người nhà đem hình người bằng tre lên mộ người chết, múa 3 vòng tiễn đưa "linh hồn" và thể xác cha hoặc mẹ về với tổ tiên. Công việc này phải do chính con rể làm vì nó thể hiện sự báo hiếu của chàng rể với bố mẹ vợ. Bà Vinh nói:"Làm như vậy hồn người chết mới về nhanh với thế giới bên kia, không dừng lại ở đâu cả”.

Chính vì những lý do trên nên những ai tham dự đám tang của người Lô Lô sẽ thấy người nhà đưa tiễn rất nhanh, đi mà như chạy.

Theo Tiến sĩ Lò Giàng Páo (Phó Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc), thực chất đây là một nghi thức tiễn hồn về thế giới tổ tiên, một hình thức mãn tang của đồng bào dân tộc Lô Lô. Điều độc đáo là chỉ trong đám tang của người Lô Lô mới đánh trống đồng.

Trống đồng không những là một tài sản quý mà nó còn là một khí cụ mang tính tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được về nơi đầu tiên sinh ra. Ngày thường, đồng bào để trống ở nơi sạch sẽ, kín đáo.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm