Khám phá

Ký họa một thời chiến tranh: Những giá trị vẫn còn nguyên vẹn

Bức ký hoạ màu nước về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và thương binh của hoạ sĩ Phạm Mùi.

Bí ẩn về cái chết của những người “đụng” vào lăng mộ các Pharaong / Những sự thật thú vị về lịch sử thế giới

Ký họa là cách ghi chép tài liệu nhanh nhất và đạt hiệu quả nhanh nhất của họa sĩ. Một mảnh hiện thực, một chân dung với cái nhìn ấn tượng đầy cá tính… được họa sĩ nắm bắt, ghi lại từ phút xuất thần tràn trề cảm hứng.

Nghiên cứu sự nghiệp nhiều danh họa, nhất là những danh họa cổ điển, ta thấy những tác phẩm lớn, hầu hết được dựng lên từ rất nhiều tư liệu là ký họa: những dáng người đang hoạt động, những bàn tay gày guộc xương xẩu, những đường nhăn điển hình và riêng biệt của nhân vật phục vụ chủ đề của tác phẩm; sự chuyển hóa sắc màu trên một thân cây và ánh sáng...

Từ khi máy ảnh ra đời, họa sĩ có thêm phương tiện để ghi chép tài liệu, nhưng phần lớn họa sĩ vẫn cần và thích ký họa bởi nhu cầu luyện mắt, luyện tay, bởi dẫu sao, dấu ấn riêng, cảm xúc riêng, không phải lúc nào máy móc cũng giúp ta có được.

Bức ký hoạ màu nước về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và thương binh của hoạ sĩ Phạm Mùi.
Bức ký hoạ màu nước về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và thương binh của hoạ sĩ Phạm Mùi.

Nền mỹ thuật non trẻ Việt Nam, gắn liền với mấy cuộc kháng chiến của dân tộc, gắn liền với nhiệm vụ tuyên truyền chính trị. Ký họa trở thành một thể loại tranh, một công cụ sắc bén bởi tính trực họa, tính nhanh nhạy kịp thời của nó.

Chúng ta còn chưa quên những ký họa có tính nghiên cứu dọc đường chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ bậc thầy Tô Ngọc Vân như “Đi học Bổ túc", “Bộ đội dừng chân bên suối” hay “Qua đèo Lũng Lô”…

Trong kháng chiến chống Mỹ, thể loại ký họa đặc biệt phát triển, nhiều họa sĩ được công chúng nhớ đến từ những ký họa tài hoa và sâu đằm ý nghĩa. Nhiều ký họa từ miền Nam gửi ra để triển lãm với đầy đủ tư cách một tác phẩm. Những tác phẩm được in trên các báo, thành ấn phẩm phát hành rộng rãi cả trong và ngoài nước của Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Hồng Chinh Hiền, Huỳnh Biếc… mang đậm dấu ấn và hơi thở chiến trường, thực sự làm ta xúc động và nhớ mãi.

Xuất phát từ những nghĩ suy và tình cảm ấy mà trong nhiều năm nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam, có khi còn kết hợp với cả Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều lần tổ chức triển lãm riêng về ký họa của các họa sĩ trong và ngoài Quân đội, vẽ về các cuộc kháng chiến và cả những ký họa của thời bình, thời đổi mới hôm nay. Triển lãm còn mục đích giúp thêm tư liệu cho các họa sĩ trẻ hoặc những ai không có điều kiện trải qua hoặc chứng kiến những cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, nhưng lại vô cùng tâm đắc với đề tài lớn và đầy khó khăn này.

 

Còn một điều dễ dàng nhận thấy: dường như những ký họa kia đang hâm lại, đang đốt nóng lên trong chúng ta bao kỷ niệm hào hùng về một thời đáng nhớ, một thời lịch sử không thể nào quên.

Từ không khí căng thẳng, quyết tâm sẵn sàng vào trận của các chiến sĩ trong “Chuẩn bị chống càn” của Mai Văn Kế, đến “Giờ giải lao” của Văn Chinh, với hình ảnh các chiến sĩ ngồi câu cá, đọc thư trong phút bình yên giữa hai trận đánh, trông ngồ ngộ và hóm hỉnh, ta nhận ra nhiều tầng ý nghĩa của cuộc chiến tranh mà cả dân tộc đang từng phút trải qua.

Người xem không thể không dừng lại trước những ký họa “Phi cơ địch bị bắn rơi tại Chấp Lễ” của tác giả Tâm hay “Sẵn sàng nhả đạn” của Dương Sen, “Phá bom nổ chậm” của Nguyễn Ngọc Lợi, một loại tác phẩm khác mang ngùn ngụt hơi thở chiến đấu như” Lên trọng điểm” của Xuân Giao, “Đài quan sát” của Nguyễn Triệu…

Ở những tác phẩm mà điều kiện, hoàn cảnh, và thời gian không cho phép các tác giả dừng lâu để vẽ kỹ, ta vẫn nhận ra những không gian và con người chủ thể, những nét tài hoa và sự đồng cảm tha thiết.

Có lẽ chủ đề được phản ảnh nhiều nhất là ở mảng tranh được vẽ sau những trận đánh, phút nghỉ ngơi giữa chặng hành quân, làm nhà, củng cố trận địa… với những ký họa đẹp, hình chắc mà gợi cảm của Nguyễn Ngọc Lợi, của Mai Huy, của Dương Sen, của Bằng Lâm, của Lê Phú Cường và một số tác giả chưa rõ tên. “Tuổi 20” của Văn Đa , hay “Chân dung bộ đội phòng không” của Hoàng Công Luận…

 

Cũng trong thời gian này, tại Bảo tàng Thông tin liên lạc chào mừng kỷ niệm 61 năm truyền thống Binh chủng thông tin liên lạc, anh hùng, đang bày một triển lãm mỹ thuật "Những ghi chép một thời đáng nhớ" trong bộ sưu tập mà các họa sĩ của binh chủng đã dày công sưu tầm, cất giữ từ nhiều năm nay hiến tặng.

Một hiện thực còn tươi rói, tưởng vừa mới hôm qua, vẫn còn nguyên giá trị từ những ký họa, ghi chép của các họa sĩ chuyên và không chuyên, của anh em chiến sĩ trong các lớp bồi dưỡng ngắn hạn từ phong trào "Bộ đội vẽ, vẽ về bộ đội" những năm tháng trước đây, đang làm chúng ta phải ngẫm ngợi trước cuộc sống đời thường đầy cám dỗ của vật chất hôm nay.

Thiết nghĩ, việc tổ chức triển lãm các ký họa, ghi chép của Bảo tàng LSQS Việt Nam hay của Bảo tàng Thông tin liên lạc, có thể là những gợi ý tốt cho một cách nghĩ, cách làm của các bảo tàng, các nhà văn hóa, các đơn vị trong toàn quân, đưa văn hóa mỹ thuật cập nhật đời sống bộ đội, giúp bộ đội hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập của các thế hệ đi trước. Đây là việc làm mà ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở việc cân-đo-đong-đếm thông dụng.

Chiến tranh đã đi qua rất xa nhưng hơi thở ngoan cường của cả một dân tộc anh hùng, của một thời đại hoành tráng và vẻ vang vẫn còn nóng hổi trong từng tấc đất, từng nghĩ suy và tấm lòng của mỗi một con người trách nhiệm.

Gìn giữ những giá trị mà chúng ta đang có, khắc họa tiếp, sáng tạo tiếp những gì mà chúng ta chưa kịp làm, là nghĩa vụ cao cả không chỉ riêng các nghệ sĩ mà còn là của tất cả mọi người.

 

Phòng tranh “Ký họa một thời chiến tranh" đã mở đầu cho cuộc vận động sáng tác về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng của Tổng cục Chính trị kết hợp với Hội mỹ thuật Việt Nam.

Hy vọng từ những tư liệu mà chúng ta đã có, những vốn sống mà chúng ta từng trải, nhiệt huyết mà chúng ta đang nuôi dưỡng, những tác phẩm về đề tài lớn này sẽ dần dần vượt qua tính chất minh họa, kể lể một cách giản đơn để vươn tới giá trị có tính điển hình và khái quát hơn, xứng đáng với tầm vóc lịch sử của dân tộc, với những hy sinh như trời biển của nhân dân và nhiều chiến sĩ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm