Kỳ lạ ngôi làng ở Quỳnh Lưu, 60 tuổi vẫn bị xếp vào hàng con cháu
‘Quái vật’ sói bảo vệ dân làng ở Nhật Bản khỏi gấu hung dữ / Độc đáo ngôi làng được mệnh danh tổ của đại bàng
Cụ Phan Thị Diễn (102 tuổi) cùng con dâu trưởng nhẩm tính về các con, cháu trong gia đình. Ảnh: Sơn Nguyễn
Làng trường thọ
Ông Hồ Ngọc Hoàng - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc hào hứng khi giới thiệu với chúng tôi về ngôi làng đặc biệt này. Ông lật xem danh sách các cụ được chúc thọ của xã trong năm vừa qua và liệt kê: "Toàn xã có 655 cụ trên 60 tuổi. Riêng làng Ngọc Đoài có 254 cụ (chiếm 1/3 toàn xã). Trong đó, có 55 cụ trên 80 tuổi, 100 cụ trên 90 tuổi, 5 cụ trên 100 tuổi".
Ở làng này, mỗi năm xã tổ chức chúc thọ một lần vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Buổi lễ được con cháu và chính quyền xã tổ chức đơn giản mà vẫn vui. Mở đầu là màn văn nghệ, đọc thơ, vui hát của các cụ. Sau đó, các cụ được Ban tổ chức mời ăn một tô phở kèm ít rượu vang. Tiếng cười nói râm ran cả một khoảng sân trong làng.
Giới thiệu qua về ngôi làng rồi ông Hoàng chạy ra sân UBND xã lấy xe đạp điện dẫn chúng tôi đến nhà cụ Phan Thị Diễn (102 tuổi) ở ngay đầu làng. Ông Hoàng nói vui: "Xe đạp điện cũng góp phần bảo vệ môi trường đấy. Các cụ ở đây có tuổi thọ cao cũng do môi trường sạch sẽ, trong lành". Theo chân ông Phó chủ tịch UBND xã trên con đường bê tông sạch sẽ, thoáng đãng với nhiều cây xanh phủ mát, phần nào chúng tôi hiểu được vì sao nhiều cụ ở đây lại có tuổi thọ đặc biệt như vậy.
Một người dân trong làng chia sẻ, ngoài môi trường trong lành thì thực phẩm của làng cũng rất sạch. Nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng rau, cây ăn quả. Vì vậy, người làng ít khi phải ra ngoài mua thực phẩm. Không những sống thọ, người dân ở đây cho biết thêm, tỉ lệ người chết vì ung thư, bệnh hiểm nghèo ở làng Ngọc Đoài rất hiếm.
Sống vui, ham lao động là bí quyết của làng
Trò chuyện với cụ Phan Thị Diễn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi cụ đã 102 tuổi nhưng tai nghe còn rõ và rất minh mẫn. Khi đươc hỏi về các con cháu, cụ Diễn xòe bàn tay nhẩm tính: "Tôi có 6 người con thì có 5 người đang công tác trong ngành công an, 14 cháu có 8 cháu đang học đại học, 18 chắt có 4 chắt học đại học".
Bà Hồ Thị Hương (64 tuổi, con dâu của cụ Diễn) cười vui nói thêm, cụ không chỉ nhớ cháu, chắt mà còn nhớ cả dâu, rể nữa đấy. Cụ thời trẻ rất vất vả nhưng ít khi ốm đau. Đặc biệt, dù 102 tuổi nhưng cụ vẫn thích lao động, cứ luôn chân luôn tay, khi thì quét nhà, khi thì phơi phóng quần áo…
Hỏi về bí quyết sống thọ, cụ Diễn gạt tay: "Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Thời trẻ tôi quần quật với đồng ruộng, đồng muối. Khi về già thì vui vầy với con cháu. Con cháu ăn gì tôi ăn nấy. Cứ cơm, cà, nước mắm thôi".
Bà Hương nói thêm, cụ chỉ thích những món ăn dân dã. Con cháu nhường cho cụ những món ngon thì cụ không vui. Cụ bảo: "Những món này để phần cháu, chắt ăn cho mau lớn. Tôi chỉ cần cơm, canh". Ngoài ăn uống đạm bạc, cụ Diễn cũng giữ thói quen xem bản tin thời sự, thời tiết vào mỗi tối. Xem xong là cụ lên giường đi ngủ. Sáng cụ dậy rất sớm để quét dọn nhà cửa.
Dù 89 tuổi, cụ Nguyễn Văn Trường vẫn tinh tường đọc sách.
Cách nhà cụ Diễn không xa là nhà cụ Nguyễn Văn Trường (89 tuổi). Khi chúng tôi đến, cụ đang ngồi đọc sách ở mảnh sân trước nhà. Thấy khách lạ, cụ bảo: "Tai tôi hơi lãng, các anh phải viết vào giấy tôi mới hiểu được". Rồi cụ cầm chắc chiếc bút viết nắn nót: "Tôi mắt còn rất tinh nhưng tai thì chán lắm" và chỉ ra góc vườn giới thiệu cụ bà cũng đã gần 90 tuổi. "Bà đang cầm kéo cắt những quả cà chua để cho con cháu ra chợ bán đấy. Bà cũng giống như các cụ trong làng cứ luôn tay, chăm sóc mảnh vườn trước nhà", cụ Trường nói.
Cụ bà từ ngoài vườn nói vọng vào: "Đồ ăn thức uống cho gia đình tôi từ trong vườn này cả. Chúng tôi chỉ dùng thực phẩm trong làng thôi. Rất sạch và đảm bảo. Nhà tôi có nhiều cà nên mang ra chợ bán cho bà con trong làng. Có nhà thì bán rau, hành mùi. Ra chợ chúng tôi đổi cho nhau rau củ cũng được. Vừa vui, vừa tình cảm".
Vợ cụ Trường đang hái những quả cà mang để con mang ra chợ bán.
Ngoài cụ Diễn, cụ Trường thì cụ Đặng Thị Trâm - năm này tròn 100 tuổi vẫn tự ra vườn hái rau, nấu cơm và phụ giúp việc nhà. Đến cái tuổi đáng ra cần phải nghỉ ngơi, nhưng với cụ Trâm, khi đang còn sức khỏe thì chỉ muốn được làm việc, đỡ đần con cháu.
Theo ông Hồ Ngọc Hoàng, làng Ngọc Đoài được ghi nhận là có nhiều cụ sống thọ, đặc biệt số cụ từ 100 tuổi trở lên nhiều nhất xã. Để duy trì lễ mừng thọ cho các cụ, địa phương có chủ trương thực hiện cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chủ trì bằng việc các hộ gia đình ủng hộ, quyên góp một số tiền nhất định để gây quỹ.
Ông Hoàng nói: "Đến dịp mừng thọ, số tiền quyên góp được sẽ trao cho các thôn để thăm hỏi, tặng quà các cụ. Đây là hoạt động rất bổ ích để các cụ "trổ tài" văn nghệ, thơ ca… Qua đó động viên các cụ sống vui, sống khỏe, làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà
Trong 'Tây Du Ký', con quái vật duy nhất đã hơn một lần ăn thịt Đường Tăng, bạn có biết đó là ai không?