Khám phá

Kỳ quan rào chắn sóng ở Hà Lan

Người Hà Lan được cả thế giới ngả mũ kính phục bởi tinh thần cùng bản lĩnh “phi thường” trong việc trị thủy, chế ngự các thảm họa do bão lũ và nước biển dâng. Có thể thấy rõ điều đó qua những công trình rào chắn sóng, một kỳ quan của “xứ sở hoa tulip”.

10 kỳ quan kiến trúc cổ đại nổi tiếng nhất thế giới / 12 kỳ quan thiên nhiên kỳ lạ, thách thức trí tưởng tượng của du khách

Rào chắn sóng Maeslantkering. Ảnh: Wikimedia.
Rào chắn sóng Maeslantkering. Ảnh: Wikimedia.

Nằm tại Tây Bắc châu Âu, Hà Lan là một vùng châu thổ với hơn 2/3 diện tích đất luôn nằm trong nguy cơ ngập lụt (khoảng 20% đất nền của Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển, điểm trũng nhất lên đến -6,76 m, và gần 50% diện tích chỉ cao hơn mặt biển chưa tới 1m). Bản thân tên nước: Nederland (tiếng Hà Lan) hay The Netherlands (tiếng Anh) cũng đã mang nghĩa là “những vùng đất thấp”. Từ ngàn xưa, để đương đầu với giặc nước, người Hà Lan đã biết đắp đê ngăn biển và xây cối xay gió để bơm thoát nước. Đó là một cuộc chiến kéo dài nhiều thế kỷ, để đến hôm nay, đất nước này đang sở hữu một hệ thống đê biển hiện đại nhất thế giới.

Sau trận lụt lịch sử năm 1953 khiến 1.835 người thiệt mạng và khoảng 70.000 người khác phải bỏ nhà cửa, thiệt hại lên đến 1 tỷ Dutch guilder (tiền Hà Lan trước khi đổi sang Euro, tương đương nhiều tỷ USD ngày nay), chính quyền Hà Lan nhận thấy sự cần thiết của một hệ thống đập, cống, khóa, đê và rào chắn bão xung quanh khu vực đồng bằng sông Rhine-Meuse-Scheldt ở phía Tây Nam, nhằm rút ngắn đường bờ biển, giảm số lượng đê điều cần xây dựng, hạn chế tối đa tình trạng nước biển xâm lấn và bảo vệ khu vực này khỏi lũ lụt.

Dự án Delta Works (delta mang nghĩa đồng bằng) hay còn gọi là North Sea Protection Works (Công trình bảo vệ Biển Bắc), bao gồm nhiều hạng mục với kinh phí lên tới 9 tỷ USD, đã được Chính phủ Hà Lan chính thức phê duyệt vào năm 1956. Theo kế hoạch, người ta sẽ xây dựng 65 đê chắn sóng lớn bằng bê-tông, cùng 62 cửa van di động bằng thép treo giữa các đê chắn với tổng chiều dài 6,8 km; mỗi cửa van dày 5m, rộng 40m và có khả năng thay đổi độ cao từ 6 – 12 m tùy theo vị trí trong đê.

Nhật Bản cũng là đất nước luôn phải tìm cách đối phó với các mối nguy từ tự nhiên. Sau thảm họa Fukushima (2011), Chính phủ Nhật quyết định chi hơn 10 tỷ USD để xây dựng công trình tường chắn sóng (Great Wall of Japan) tại khu vực Đông Bắc đảo Honshu. (Ảnh cắt từ clip).
Nhật Bản cũng là đất nước luôn phải tìm cách đối phó với các mối nguy từ tự nhiên. Sau thảm họa Fukushima (2011), Chính phủ Nhật quyết định chi hơn 10 tỷ USD để xây dựng công trình tường chắn sóng (Great Wall of Japan) tại khu vực Đông Bắc đảo Honshu. (Ảnh cắt từ clip).

Họ đã mất gần một nửa thế kỷ (1958 – 2002) để hoàn thành tất cả các hạng mục, tạo nên một hệ thống đê chắn sóng và ngăn lũ được đánh giá là hoàn hảo nhất thế giới. Hiệp hội kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ còn bình chọn Delta Works là một trong “7 kỳ quan của thế giới hiện đại” bởi quy mô của nó thực sự khổng lồ, bao gồm 3.000 km đê bao biển cùng 10.000 km đê sông và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Để đảm bảo hiệu quả, Chính phủ Hà Lan đã thiết lập tiêu chuẩn an toàn cho các công trình luôn ở mức cao nhất, thậm chí để đối phó với những trận “siêu bão” chỉ xảy ra với xác suất 1 vạn năm/lần.

 

Trong số các hạng mục ấn tượng nhất, phải kể tới hai hệ thống rào chắn bão Maeslantkering và Oosterscheldekering.

Maeslantkering.

Được biết đến như là rào chắn sóng di động duy nhất (và tất nhiên là lớn nhất) trên thế giới, Maeslantkering – nằm tại hai bên bờ kênh đào New Waterway – gây ấn tượng đặc biệt nhờ hai cánh cửa quay bằng thép nặng 6.800 tấn, mỗi cánh dài 210 m, cao 22 m.

Kế hoạch ban đầu của Delta Works đã không bao gồm rào chắn đặc biệt này, bởi chính quyền muốn giữ cảng Rotterdam – thương cảng lớn nhất thế giới khi ấy – để mở. Tuy nhiên, sau khi tham khảo kết quả phân tích cho thấy hệ thống các tuyến đê là không đủ để bảo vệ 1,5 triệu người sống xung quanh khu vực Rotterdam, họ quyết định phải xây một hàng rào chống bão di động.

Công trình được hoàn thành vào năm 1997, là một trong những hạng mục cuối cùng của dự án Delta Works. Não bộ của Maeslantkering là một hệ thống siêu máy tính làm nhiệm vụ theo dõi mực nước biển và thời tiết, từ đó điều chỉnh rào tự đóng mở trong trường hợp khẩn cấp. Khi thời tiết bình thường, hai cánh của nó hoàn toàn được để mở cho tàu bè đi qua. Nếu xuất hiện bão làm nước biển dâng lên khoảng 3 m so với mức bình thường, hai cánh sẽ tự động nổi lên rồi đóng sập lại để ngăn nước tràn vào khu vực phía trong.

 

Kể từ khi được đưa vào vận hành, Maeslantkering luôn nắm giữ sứ mệnh là tuyến phòng thủ cuối cùng của Rotterdam trước mối đe dọa từ mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, nó cũng mới chỉ phải đóng lại một lần trong trận bão lớn năm 2007. Đại diện của Bộ Giao thông và Thủy lợi Hà Lan cho biết: Nhờ Maeslandkering, họ cảm thấy tự tin hơn nhiều, như thể đã thực sự chế ngự và làm chủ được thiên nhiên.

Oosterscheldekering.

Rào chắn sóng Oosterscheldekering. Ảnh: Wikimedia.
Rào chắn sóng Oosterscheldekering. Ảnh: Wikimedia.

Nằm giữa các đảo Schouwen-Duiveland và Noord-Beveland, Oosterscheldekering (mang nghĩa: Rào cản bão Đông Scheldt) là một hàng rào chống bão khác có chiều dài lên đến 9 km, thuộc loại cực kỳ khó thi công và tốn kém nhất trong số những hạng mục của Delta Works.

 

Ban đầu, người ta dự kiến chỉ xây Oosterscheldekering dài khoảng 5 km để làm đập chắn sóng, nhưng trước một số ý kiến phản biện, nhà chức trách đã cho lắp đặt thêm các cửa cống khổng lồ trong 4 km còn lại. Những cửa này thường được để mở, nhưng sẵn sàng đóng lại mỗi khi thời tiết diễn biến bất lợi ở mức báo động. Kể từ khi đi vào vận hành (năm 1986), nó lại đóng lại tổng cộng 25 lần do mực nước vượt quá/hoặc được dự báo vượt quá 3m. Nhờ giải pháp này, các sinh vật biển phía sau đập vẫn được bảo tồn để phục vụ hoạt động đánh bắt, đồng thời bảo vệ vùng đất an toàn khỏi nước biển dâng. Theo thiết kế, nó rất bền chắc và có thể hoạt động tốt lên tới 200 năm.

Nhân định thắng thiên.

“Chúa tạo ra Trái Đất, nhưng người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan”, đó là câu nói cửa miệng, thể hiện niềm tự hào về khả năng chế ngự thiên nhiên của dân tộc này. Không than trách, đổ lỗi, bằng những giải pháp sáng tạo độc đáo trên cơ sở khoa học vững chắc, từ một vùng đất luôn có nguy cơ chìm dưới mực nước biển, Hà Lan đã tự khẳng định vị thế của mình như là một quốc gia thịnh vượng, dẫn đầu thế giới về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm