Khám phá

Lã Bố giết Đổng Trác: 3 điểm cực đáng ngờ nhiều người chưa biết

Cho tới ngày nay, 3 điểm đáng ngờ trong vụ án Lã Bố ám sát Đổng Trác vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Giải mã Tam quốc: Chiến dịch Quan Độ và những bí ẩn / Vật táng trong ngôi mộ thời Tam Quốc hé lộ sự thật đen tối trong lịch sử giai đoạn này

Điểm đáng ngờ thứ nhất: Điêu Thuyền có thực sự tồn tại?

Được thiên hạ ca tụng là người đẹp "bế nguyệt" trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa, nhưng sự tồn tại của Điêu Thuyền cho tới nay vẫn là bí ẩn gây nhiều tranh cãi.

"Tam Quốc diễn nghĩa" từng miêu tả nàng là người có sắc đẹp khiến cho trăng cũng phải thẹn, cũng là nhân vật mấu chốt trong "liên hoàn kế" để giết Đổng Trác của đại Tư đồ Vương Doãn.

Nhưng "Tam Quốc diễn nghĩa" vốn là cuốn tiểu thuyết "bảy phần thực, ba phần hư". Bởi vậy, nhiều người cho rằng mỹ nhân họ Điêu chỉ là một nhân vật hư cấu của cuốn tiểu thuyết này chứ không tồn tại trong lịch sử.

Thứ nhất, Điêu Thuyền không phải là tên người.

Giống như Tào Tháo xưng là Minh Công, Lưu Bị được gọi là Sứ Quân, Quan Vũ là Quân Hầu, Điêu Thuyền thực chất cũng chỉ là tên gọi của một chức vị.

Cách gọi này vốn dùng để chỉ "điêu thuyền quán" (mũ Điêu Thuyền). Phàm là những người đội loại mũ này, dù là quan lại hay cung nữ đều được gọi là "Điêu Thuyền".

Lã Bố giết Đổng Trác: 3 điểm cực đáng ngờ nhiều người chưa biết - Ảnh 1.

Điêu Thuyền thực chất không phải là tên người, mà chỉ là cách gọi quan lại, cung nữ có đội loại mũ điêu thuyền trong cung thời nhà Hán. (Tranh minh họa).

Thứ hai, thân phận của Điêu Thuyền có nhiều điểm mâu thuẫn.

"Tam Quốc chí" phần "Lã Bố truyện" chép: "Bố cùng thị tì của Trác tư thông, sợ việc bị phát giác, tâm không được an".

"Hậu Hán thư" phần "Lã Bố truyện" cũng có viết: "Bố vụng trộm tư thông cùng thị tì của Doãn."

Trong khi đó, các tài liệu chính sử về nhân vật Vương Doãn lại chưa từng nhắc tới Điêu Thuyền hoặc một "thị tì", "ca kỹ", "con nuôi" nào.

Lã Bố giết Đổng Trác: 3 điểm cực đáng ngờ nhiều người chưa biết - Ảnh 2.

Thân phận của "đệ nhất mỹ nữ Tam Quốc" cũng không được ghi chép thống nhất trong các tài liệu lịch sử. (Ảnh minh họa).

 

Do đó, nhiều người khẳng định rằng, Điêu Thuyền vốn lấy nguyên mẫu từ một thị tì của Đổng Trác. La Quán Trung dùng hình tượng thị tì này viết thành "con gái nuôi" của Vương Doãn – chính là nhân vật Điêu Thuyền trong "Tam Quốc diễn nghĩa".

Cho tới ngày nay, tính xác thực của nhân vật Điêu Thuyền vẫn là một điểm đáng ngờ trong vụ việc Lã Bố ám sát Đổng Trác.

Điểm đáng ngờ thứ hai: Động cơ thực sự của Lã Bố khi xuống tay với Đổng Trác là gì?

Cuốn "Đàm đàm tảo kỳ đích Lã Bố" có nói đến, Đổng Trác từ khi làm quan cho tới lúc vừa nhập kinh, thanh danh cũng không đến nỗi tồi. Nhưng sau đó, họ Đổng này bắt đầu tàn sát đại thần, tự xưng là "thượng phụ", khiến triều đình nhiễu loạn.

Hơn nữa, mối quan hệ của Đổng Trác và Lã Bố đặc biệt không tốt. Có lần chỉ vì một việc nhỏ không ưng ý, Trác liền dùng kích ném Lã Bố. Vì một chuyện nhỏ mà sẵn sàng xuống tay với con nuôi, điều này khiến Lã Bố không thể không ghi hận.

 

Hơn nữa, Bố lại tư thông cùng thị tỳ của cha nuôi. Mối quan hệ vốn đã không tốt, nay lại có thêm điều giấu diếm, ắt sẽ trở thành động cơ hạ thủ. Tuy nhiên, dù là một kẻ háo sắc, nhưng Lã Bố liệu có vì tranh giành mỹ nhân mà ra tay giết cha nuôi?

Lã Bố giết Đổng Trác: 3 điểm cực đáng ngờ nhiều người chưa biết - Ảnh 3.

Lã Bố từ lâu đã có hiềm khích với người cha nuôi nóng nảy như Đổng Trác. (Tranh minh họa).

Giả sử Điêu Thuyền không phải là nhân vật có thật, thì việc Lã Bố ám sát Đổng Trác chỉ có thể giải thích bằng một nguyên nhân – bị Vương Doãn xúi giục.

Năm xưa, Đổng Trác làm hại không ít triều thần, thân là Tư đồ của nhà Hán, Vương Doãn không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ.

Nhưng Đổng Trác là kẻ thiện chiến lão làng, phòng hộ nghiêm ngặt, ắt phải tìm một người vừa có võ nghệ cao cường lại vừa kề cận Trác mới có thể xuống tay.

 

Sau cùng, Lã Bố chính là người được Vương Doãn nhìn trúng để vào vai "kẻ phản trắc" giết chết cha nuôi.

Lã Bố giết Đổng Trác: 3 điểm cực đáng ngờ nhiều người chưa biết - Ảnh 4.

Không phải mỹ nhân, việc Vương Doãn xúi giục phải chăng mới thực sự là động cơ khiến Lã Bố giết cha nuôi? (Tranh minh họa).

"Tam Quốc chí – Lã Bố truyện" có viết: "Khi Doãn cùng Tôn Thụy bí mật bàn kế giết Trác, có bảo Bố làm nội ứng. Bố viết: ‘Con làm sao có thể hại cha’? Doãn viết ‘Ngươi vốn họ Lã, cũng không phải cốt nhục'. Bố nhận lời, chính tay đâm chết Trác."

Ngay lúc đó, Đổng Trác đã là cái gai trong mắt nhiều người, Vương Doãn lại có địa vị rất cao. Lã Bố dưới sự sai khiến của đại Tư đồ này, cũng lo lắng trước mối quan hệ cha con đầy mâu thuẫn với Trác, cho nên mới ám sát cha nuôi.

Vậy phải chăng, Lã Bố vì chuyện Đổng Trác phải lúc tức khí phi kích vào mình mà "ngầm oán Trác", lại vì tư thông với thị tì của cha mà "tâm bất an", nên mới bị Vương Doãn bắt trúng mạch mà quyết cùng diệt Trác chứ chẳng hề tồn tại vai trò của vở "mỹ nhân kế" Điêu Thuyền?

 

Điểm đáng ngờ thứ ba: Lã Bố đóng vai gì trong màn kịch hạ sát Đổng Trác?

Đầu tiên, cần khẳng định rằng Lã Bố trừ khử Đổng Trác, loại bỏ họa lớn của triều đình, lập được đại công cho nhà Hán. Nhưng trên thực tế, Lã Bố vẫn chỉ là một công cụ trong tay Vương Doãn.

"Hậu Hán thư" ghi lại: "Doãn vốn khinh Bố, đối đãi như kiếm khách". Thời bấy giờ, "kiếm khách" cũng giống như "khinh hiệp", "du hiệp" đều bị coi là những tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội.

Trước khi Đổng Trác bị ám sát, các thế lực bộ hạ của Trác ở vốn đã tranh đấu như nước với lửa.

"Tư trì thông giám" có viết: "Lúc đầu, Bố khuyên Vương Doãn giết bộ khúc (quân dưới quyền) Đổng Trác, Doãn viết ‘những người này vô tội, không thể nào"! Bố khuyên nên lấy gia sản khổng lồ của Đổng Trác để mua chuộc công khanh, tướng tá, Doãn lại không theo".

 

Lã Bố giết Đổng Trác: 3 điểm cực đáng ngờ nhiều người chưa biết - Ảnh 5.

Rất có thể trong vở kịch Vương Doãn bày ra để diệt Đổng Trác, Lữ Bố chỉ là một quân tốt thí mạng. (Tranh minh họa).

Từ đó, có thể thấy rằng Vương Doãn có thái độ coi thường những ý kiến của Lã Bố. Quả nhiên, sau Lã Bố diệt Trác thì quân dưới quyền của họ Đổng này đã đánh thẳng đến kinh thành, giết chết Vương Doãn.

Hơn nữa, khi Lã Bố ra tay giết Đổng Trác, Vương Doãn lại đang ngồi uống trà cùng Thái Ung. Nhân vật Thái Ung này lại chính là bộ hạ thân tín dưới tay Trác.

Trong thời điểm nhạy cảm như vậy, Vương Doãn lại tỏ ra thân thiết cùng bộ hạ của kẻ thù, thực chất chỉ để tạo cho mình "chứng cớ ngoại phạm". Quả nhiên sau đó, khi hay tin Trác đã bị diệt, Doãn liền xử tử Thái Ung.

Có lẽ, Lã Bố trong mắt Vương Doãn, chẳng qua cũng chỉ là quân cờ, thân phận chẳng khác nào một Thái Ung nhỏ nhoi kia.

 

Theo Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm