Lặn xuống sông Chu tìm ngôi mộ cổ khổng lồ nghi của vợ vua Lê Lợi
Thời điểm hiến mình cho vị thần Giản Hộ ở Triều Khẩu, bà Trần Thị Ngọc Trần mới có con được 3 tuổi với Lê Lợi. Mẹ con khóc lóc chia biệt hồi lâu, rồi bà giao con cho người hầu. Bà mất ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ 1425.
Vua Lê Thái Tổ làm lễ tế thần và dùng người vợ ba của mình làm vật tế. Vua bảo: “Bà ấy đúng là chúa của cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái”.
Sau khi đuổi hết giặc Minh ra khỏi nước, Bình Định Vương lên ngôi hoàng đế. Năm Mậu Thân 1428 ban thưởng cho các công thần tướng sĩ, cử Quận Vương Tư Tề làm giám quốc.
Lê Từ Tề là con trưởng theo vua đánh giặc lớn nhỏ hàng trăm trận, đã từng vào thành Đông Đô làm con tin cho giặc Minh. Lúc bấy giờ Lê Tư Tề giết cung phi, tính khí điên khùng, không hợp ý vua. Thái Tổ ngày đêm suy nghĩ đến trách nhiệm lớn lao nặng nề của người thừa kế mình.
Một hôm, nhà vua ngủ trưa, mộng thấy bà phi Trần Thị Ngọc Trần. Bà than trách rằng: “Nhà vua phụ công của thiếp, từ hồi mới khởi nghĩa đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi mà ơn thành chẳng được hưởng”. Nhà vua tỉnh dậy, lòng bồi hồi xúc cảm, họp ngay quần thần, lập Lê Nguyên Long, con của Lê Lợi và bà Trần Thị Ngọc Trần, làm thái tử cho nối ngôi.
Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu 1433, Lê Thái Tổ mất. Tháng 6 năm Giáp Dần 1434, Lê Nguyên Long lên ngôi tức vua Lê Thái Tông, lấy niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất, truy phong mẹ Trần Thị Ngọc Trần là Cung từ Quốc Thái mẫu, sai viên Nguyên tri tả hữu ban Lê Vận cùng Trung Thư thị lang Trần Tuấn Dụ đem thần chủ vào thờ phụng ở Thái miếu và ghi danh vào cuốn sách vàng.
Ngày 8 tháng 7 vua sai quan hữu bộ xạ Nguyễn Nhữ Lãm về Lam Kinh dựng Thái miếu. Tháng 12 vua sai quan nhập nội thiếu bảo Lê Quốc Bảo, nhập nội hữu bật Lê Văn Linh rước thần chủ của Thái Mẫu vào thờ ở Thái Miếu.
Tháng 12 năm Thiệu bình thứ tư 1437, truy tôn làm Cung từ Quang mục quốc Thái Mẫu. Tháng 12 truy tôn làm Hoàng Thái Hậu.
Theo truyền thuyết thì bà Trần Thị Ngọc Trần là con gái Trần Hoành, chị gái Khai quốc công thần Trần Vận. Nhiều tài liệu cũng ghi rõ ràng mộ táng ở chợ Mía.
Chuyện về bà Trần Thị Ngọc Trần được ghi chép khá kỹ lưỡng ở Lam Sơn thực lục. Theo đó, vào năm 1433, khi vua Thái Tổ còn sống, ông đã sai Lê Cố, người ở động Nhân Trầm, cùng 500 quân sĩ rước mộ bà từ Triều Khẩu (Nghệ An) về Lam Kinh.
Linh cữu về đến chợ Mía, thuộc làng Thịnh Mỹ thì trời nổi giống gió, không qua sông được, quân tướng đành hạ trại nghỉ qua đêm, chờ hôm sau sang sông.
Sáng hôm sau, mối đã phủ lên quan tài như một nấm mồ lớn. Lê Cố thấy sự lạ, liền báo với Lê Lợi. Vua nghĩ ý bà muốn nằm lại chỗ đó, liền sai lập mộ tại chợ Mía.
Theo chân nhà nghiên cứu sử Hoàng Hùng, chúng tôi tìm về làng Quần Lai (xã Thọ Diên, Thọ Xuân). Con đường ngoằn ngoèo ra phía cánh đồng, bãi sông, dẫn đến ngôi đền nhỏ xíu, nằm dưới lùm cây đa xanh tốt.
Ngôi đền đơn sơ, bé tí xíu, ghi dòng chữ to tướng, “Quốc Mẫu: Phạm Thị Ngọc Trần”. Tôi có trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, về việc nơi thờ ghi bà họ Phạm, còn trong sử sách lại là họ Trần, thì nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cũng chưa lý giải được khúc mắc này. Có thể, bà đã đổi sang họ Phạm khi kết duyên với vua Lê Lợi. Chuyện đổi họ thời phong kiến không có gì lạ, nhưng trường hợp bà Ngọc Trần, thì ông chưa giải thích được.
Ngôi đền hiện tại thờ bà ở làng Quần Lai cũng chỉ mới được nhân dân dựng lại từ năm 2008, rất nhỏ bé, tạm bợ, từ nền móng cũ.
Cách ngôi đền nhỏ không xa, là dòng sông Chu mùa lũ nước đục ngầu cuộn đỏ. Đứng nơi bến thuyền, nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng chỉ tay về phía đầu nguồn bảo rằng, giữa lòng con sông này, có một khối hợp chất, mà ông nghi là ngôi mộ, chìm nổi lập lời dưới sông. Chiếu thẳng từ ngôi đền ra, thì ngôi mộ đó cách đền chỉ độ 300-400m. Ông Hoàng Hùng đặt nghi vấn rằng, nhiều khả năng khối hợp chất đó chính là mộ của bà Trần Thị Ngọc Trần.
Sử sách cũng như huyền thoại nhân gian đều kể chi tiết rằng, năm Cảnh Hưng thứ mười 1749, nước sông Lương Giang (chính là sông Chu) ngập lụt rất nặng, nước dâng cao chảy xiết, khiến ngôi đền thờ bà lở xuống sông, biến mất dưới dòng nước bạc. Thời điểm đó, nhà Lê suy, nhưng người dân vẫn trông nom, thờ cúng hương khói ở phần mộ, ngôi đền thờ bà Trần.
Sau khi ngôi đền biến mất, thì đến lượt ngôi mộ cũng bị dòng nước quật tung. Quan tài rất lớn, còn nguyên vẹn nổi lên mặt sông. Khi quan tài trôi dạt vào làng Hưng Phấn, xoay mấy vòng như người nghỉ chân, rồi trôi đến làng Thượng Vôi thì mắc lại.
Thấy sự lạ, người dân báo lên triều đình. Triều đình mới chỉ dụ làm lại ngôi mộ kiên cố cho bà, trong quan ngoài quách để bền vững muôn đời ngay bên bờ sông Chu, rồi dựng lại ngôi đền rất lớn cạnh mộ, cho nhân dân thờ cúng, gọi là đền thờ Quốc Mẫu. Thần chủ là “Hiển nhân Thiết cung từ Hoàng Thái hậu Trần Thị húy Trần, chư phong Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần”.
Người dân trong vùng đồn rằng, đền thờ bà rất thiêng, trở thành ngũ linh thần miếu, là ngôi đền thiêng nhất vùng.
Thế nhưng, năm 1944, nước sông Chu lại đổi dòng. Sợ ngôi đền lở xuống sông, nên người dân dỡ đền di dời vào sâu phía trong. Ngôi mộ thiêng quá không ai dám động vào, không dám đào bới, nên đã bị lở xuống sông và chìm nghỉm dưới dòng nước bạc. Theo lời các cụ già, thì nền móng cũ ngôi đền và mộ bà là giữa sông Chu bây giờ. Thời kháng chiến, ngôi đền tiếp tục bị phá, chỉ còn lại dấu tích nền móng.
Khi chúng tôi đang loay hoay ở bến sông, thì một ông lão chài lưới béo tốt đi đến. Nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng nhờ ông nổ máy chạy thuyền chở chúng tôi ra vị trí ngôi mộ.
Theo lão chài, thì dân chài lưới chạy thuyền trong vùng đều biết đến “ngôi mộ” đó, và khi đến đoạn sông này, đều phải chạy chậm thuyền rồi tránh xa. Nhiều thuyền bè qua lại lần đầu, không biết đến sự tồn tại của ngôi mộ, đã lao vào gẫy chân vịt.
Mặc dù sông nước mênh mông, nhưng lão thuyền chài dừng thuyền đúng vị trí ngôi mộ. Dòng sông sâu ngập con sào, nhưng chọc sào xuống vị trí đó, chỉ độ chưa đầy 1m, thì chạm luôn vật rắn. Ngôi mộ đó dài độ 4m, rộng chưa đến 2m.
Tôi lặn nhảy khỏi thuyền, dẫm chân nước ngập đến bụng, đã dẫm lên nóc “ngôi mộ”. Tiếc rằng, mùa mưa, nước sông Chu ngầu đỏ, nên máy quay dưới nước cũng không thấy được gì. Tuy nhiên, lặn xuống kiểm tra, có thể nhận thấy một khối hình chữ nhật vuông vức trồi lên khỏi đáy sông. Mặt khối “hợp chất” đó phẳng lỳ, lộn nhộn ram ráp như kiểu bê tông trộn sỏi.
Cũng theo ông lão chài lưới, thì dù nước sông Chu cạn, ngôi mộ cũng không trồi lên mặt sông, mà vẫn ở dưới nước. Tuy nhiên, đến cuối năm, nước sông Chu trong xanh, có thể nhìn rõ mồn một ngôi mộ, sâu dưới mặt nước độ 1-2 gang tay.
“Để khẳng định đây là ngôi mộ hợp chất, thì cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, nếu đây là ngôi mộ hợp chất, thì tôi tin chắc chắn đó là mộ của bà Trần Thị Ngọc Trần, bởi không chỉ sách vở ghi chép, mà truyền thuyết dân gian vẫn kể chi tiết về ngôi đền và mộ bà luôn ở cạnh nhau. Đứng ở chỗ mộ bà giữa lòng sông, thì rõ ràng ngôi đền di chuyển vào phía trong không xa lắm” – ông Hoàng Hùng cho biết.
Liệu khối hợp chất kỳ lạ ở dưới lòng sông chu có phải ngôi mộ cổ, và có phải mộ của bà chúa Trần Thị Ngọc Trần, vợ ba của vua Lê Lợi, có lẽ, còn cần phải có sự vào cuộc của những nhà khảo cổ, những người có chuyên môn sâu với lĩnh vực này.
Clip có thể bạn quan tâm:
- Video vén màn những câu chuyện độc đáo xoay quanh cương thi. Nguồn: Đảo kinh dị
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao thái giám lại để quả ké đầu ngựa trong đế giày khi phục vụ Hoàng đế và các phi tần?
CLIP: Hươu cao cổ tung cú đá "trời giáng", sư tử phải trả giá đắt
Đang đi lang thang, người đàn ông bất ngờ nhặt được cục vàng 1,4 kg
Nó là bậc thầy diệt muỗi, tiêu diệt 3.000 con muỗi mỗi năm, nhưng lại đang bị con người bắt số lượng lớn làm món ngon
Chân dung Hoàng đế Chu Nguyên Chương được vẽ bằng Al, hậu thế hoang mang: Đâu mới là thật?
CLIP: Trâu rừng phản công, bầy sư tử đành ngậm ngùi nhìn con mồi tuột mất