Khám phá

Lật lại câu hỏi về thủy tổ loài rồng

Thế giới cổ đại truyền cho nhau nỗi khiếp sợ về một loài sinh vật to lớn, sức mạnh phi thường, thở ra lửa và biết bay.

Vì sao người xưa sùng bái rồng như sinh vật huyền thoại? / Bắt được "thủy quái" như rồng biển ở Nga

Loài sinh vật ấy xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng chưa ai từng nhìn thấy chúng. Tất cả chỉ tồn tại qua những câu chuyện truyền miệng, những văn bản ghi chép từ ngàn xưa…

Từ Tây sang Đông, và ngược dòng lịch sử

Khi nhắc đến loài Rồng, người phương Tây nghĩ đến những sinh vật bốn chân, đuôi dài, da rắn, thân bò sát, cánh dơi, biết bay, có sức mạnh phi thường, có khả năng miễn nhiễm với những lời nguyền hoặc phép thuật, thường sống trên núi cao, dưới đầm sâu hoặc trong hang động và biết phun lửa. Đó là hình tượng thường thấy của loài Rồng thông qua các tác phẩm văn hoá đại chúng ngày nay.

Sâu xa hơn, hình ảnh ấy được kết tinh từ những câu chuyện về loài Rồng ở thời Trung cổ châu Âu, với những tính cách xấu xa, hung ác và thường gây hại cho con người.

Mushussu, con rồng được khắc họa trên Cổng Ishtar của nền văn minh Lưỡng Hà (4 nghìn năm TCN).

Mushussu, con rồng được khắc họa trên Cổng Ishtar của nền văn minh Lưỡng Hà (4 nghìn năm TCN).

Quan niệm của các nước Đông Á về loài Rồng lại vô cùng khác biệt. Rồng là sinh vật cao quý: Mình rắn, chân hổ, móng chim ưng, sừng hươu, vây cá chép, thân không cánh nhưng vẫn biết bay, thường gắn liền với thuỷ tính, có khả năng hô mưa gọi gió.

Các dân tộc Đông Á thường cho rằng mình là hậu nhân của Rồng, sùng bái Rồng. Ở các triều đại phong kiến Trung Hoa, Rồng là biểu tượng của quyền lực tối cao mà ngoài Hoàng đế, không ai được sử dụng biểu tượng này. Ngày nay, Rồng vẫn là biểu tượng cho sự thông minh, kiệt xuất và mang đến nhiều điều tốt lành.

Trên thực tế, hình ảnh loài Rồng không chỉ xuất hiện ở châu Âu hay Đông Á. Thậm chí, có thể xem Rồng là một trong những loài sinh vật phổ biến nhất thế giới cổ đại, dù rằng, chỉ trong trí tưởng tượng, và Rồng ở mỗi nơi lại mỗi khác.

Kinh Vệ Đà của Ấn Độ, một trong những văn bản cổ xưa nhất thế giới, ghi lại câu chuyện thần sấm sét Indra kết liễu con rồng có tên Vrtra để mang mưa trở lại hạ giới.

Những nhà khảo cổ học đã tìm thấy hình ảnh mang dáng dấp của Rồng trên cổng Ishtar của nền văn minh Lưỡng Hà, trên những bức bích họa Ai Cập cổ đại, những bức vẽ tại Ethiopia, trong thần thoại Hy Lạp, hay những câu chuyện của người Do Thái cổ.

 

Thậm chí, loài rồng cũng xuất hiện ở những vùng đất xa xôi khác. Có thể kể ra những đền thờ của nền văn minh Aztec, chiến thuyền của người Vikings, những bức hoạ trên vách núi bên bờ sông Mississipi ở Bắc Mỹ hay những hòn đảo thuộc châu Đại Dương.

Dễ dàng nhìn thấy những điểm chung trong trí tưởng tượng của cư dân các nền văn minh cổ đại về loài Rồng: sinh vật huyền bí, có sức mạnh phi thường và là sự kết hợp của những loài vật khác nhau, mà phổ biến nhất là những đặc trưng của những loài săn mồi như rắn, trăn, cá sấu, các loài mèo lớn hay chim ăn thịt. Một điểm chung nữa không thể không nhắc đến, chính là thái độ kính sợ của người đối với Rồng.

Con rồng Trung Hoa trên Quốc kì triều nhà Thanh (1636 – 1912).

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại có sự tương đồng đến kì lạ như thế giữa trí tưởng tượng của cư dân các nền văn minh khác nhau?

Giả thuyết của Tiến sĩ Jones

 

Có giả thiết cho rằng, các nền văn minh cổ đại đã vô tình tìm ra bộ xương hóa thạch của những loài vật khổng lồ thời tiền sử như khủng long, voi ma mút…, để rồi lấy đó làm cảm hứng cho những thần thoại và truyền thuyết về loài Rồng.

Đối với những nền văn minh lúa nước, hình tượng loài Rồng được lí giải dựa trên sự e sợ của con người với cá sấu hay trăn, những loài bò sát săn mồi to lớn sống dưới nước. Có nghi vấn, phải chăng, rồng Komodo của Indonesia chính là nguyên mẫu của Rồng ngoài đời thực?

Những giả thuyết trên nghe ra có vẻ hợp lý đối với hình tượng loài Rồng ở một vài địa phương (Đông Nam Á, Ai Cập…). Và nhờ vào những cuộc di cư và dòng chảy văn hoá, hình tượng loài rồng hoàn toàn có thể được truyền tải từ nền văn minh này sang các nền văn minh lân cận (từ Trung Quốc sang Nhật Bản, Triều Tiên hay Ba Tư và các triều đại Hồi giáo ở châu Á…).

Tuy nhiên, trong cuốn sách An Instinct for Dragons, Tiến sĩ David E.Jones đưa ra một quan điểm khác. Nhà nhân chủng học của Đại học Trung tâm Florida, Mỹ, cho rằng, loài Rồng chính là sản phẩm từ trí tưởng tượng của loài người sau khi kết hợp ba chủng loài ăn thịt: Các loài trăn và rắn, các loài mèo lớn và các loài chim ăn thịt.

Ý tưởng của Tiến sĩ Jones xuất hiện khi ông quan sát cách loài khỉ Vervet phản ứng trước nguy hiểm đến từ ba chủng loài ăn thịt nói trên.

 

Vốn được khẳng định là có nhiều hành vi xã hội giống với loài người, khi phát hiện ra nguy hiểm, khỉ Vervet thường kêu gọi đồng loại chạy trốn bằng những cách đặc trưng sau: né tránh (khi gặp trăn và rắn), trèo lên cây (khi gặp hổ báo) hay nấp vào bụi cỏ (khi gặp chim ăn thịt).

Đương nhiên, từ loài khỉ Vervet (hay nói chung là các loài linh trưởng) đến những con người của các nền văn minh cổ đại là cả một quá trình tiến hoá rất dài, và thật sự rất khó để có thể chứng minh giả thuyết này một cách vẹn toàn, như chính Tiến sĩ Jones thừa nhận.

Nhưng, dựa trên thuyết chọn lọc tự nhiên, vị học giả này vẫn có những lập luận đáng lắng nghe. Thuyết chọn lọc tự nhiên chỉ ra: Để sống sót trước kẻ thù, các giống loài tự rèn luyện cho mình những kỹ năng sinh tồn cơ bản, để rồi những kỹ năng ấy dần dần trở thành bản năng của giống loài.

Từ đó, ông Jones tin tưởng: Tổ tiên loài người vốn đã có bản năng phòng ngừa, e sợ và chạy trốn các loài rắn, mèo lớn và chim săn mồi. Sau hàng triệu năm tiến hoá về hình hài lẫn não bộ, loài người đã vô thức biến đổi và tổng hợp những đặc điểm của kẻ thù thành một chủng loài duy nhất: loài Rồng.

Đương nhiên, nỗi sợ vô thức ấy luôn tồn tại với bất kì chủng người nào, dù cho họ có trải qua những cuộc di cư dài như thế nào đi chăng nữa.

 

Giả thuyết của Tiến sĩ Jones phần nào lí giải: Tại sao người Inuit cổ đại sống ở vùng Bắc cực xa xôi, vốn không phải là môi trường sống của các loài bò sát, lại lưu truyền những câu chuyện về loài quái vật ăn thịt người với những đặc điểm giống với loài Rồng ở các nền văn minh khác.

Phải chăng loài Rồng đã tồn tại trong những cơn ác mộng của người tiền sử trong hàng trăm nghìn năm? Phải chăng cho đến khi chữ viết xuất hiện, loài người mới bắt đầu thể hiện được những đường nét, dù là hư hư thực thực, của loài Rồng, thông qua tranh vẽ, những câu chuyện cổ và truyền thuyết?

Đương nhiên quá trình này không tránh khỏi việc tạo ra những sự khác biệt trong trí tưởng tượng về loài Rồng của cư dân các nền văn minh. Nhưng tựu chung, loài Rồng vẫn mang những điểm được đúc rút từ đặc điểm bề ngoài và tính cách của ba chủng loài vốn là kẻ thù xa xưa của con người.

Với một số nền văn minh gắn liền với sông biển, Rồng được xem là loài vật cai quản biển cả, có sức mạnh điều khiển mưa gió, bão tố. Một số khác xem Rồng là ác vật, gây hoạ cho con người, thường cai quản những kho tàng đầy ắp của cải. Như vậy, cũng có thể suy niệm rằng trong mắt con người, Rồng là ẩn dụ cho sức mạnh của thiên nhiên vốn đầy ưu đãi nhưng không hề thiếu hiểm nguy.

Từ nỗi sợ hãi đến sự song hành

 

Đối diện với thế lực ấy, mỗi nền văn minh dường như cũng có những cách ứng xử khác nhau.

Trong khi phương Đông, đại diện là nền văn minh Trung Hoa, sùng bái thờ cúng Rồng để cầu mưa thuận gió hoà hoặc điềm lành, thì các nước phương Tây thường kể những câu chuyện truyền kỳ về hiệp sỹ giết rồng, cứu nguy cho các thành bang, truy tìm kho báu hay giải thoát mỹ nhân.

Rắn, mèo lớn và chim ăn thịt – 3 loài săn mồi khiến khỉ Vervet phải sợ hãi (minh hoạ từ sách “An Instinct For Dragons”).

Nói cách khác, cùng là kính sợ, nhưng người phương Đông dường như mong muốn hoà hợp với loài Rồng (đại diện cho thiên nhiên), còn người phương Tây thì muốn chinh phục và chế ngự. Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời có lẽ nằm ở phương thức lao động chủ đạo của từng nền văn minh. Có phải vì ở những nền văn minh gốc nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, con người chẳng mong muốn gì hơn là mưa thuận gió hoà? Có phải vì đối với những nền văn minh gốc du mục vốn chủ yếu dựa vào chăn nuôi, con người luôn phải phản kháng với những loài săn mồi?

 

Chỉ biết, theo thời gian, cách nhìn của con người với loài Rồng cũng dần đơn giản hơn. Ngày nay, nếu như Rồng phương Đông chỉ còn đóng vai trò lớn về mặt biểu tượng trong lĩnh vực tâm linh, thì Rồng phương Tây cũng lột bỏ hình ảnh xấu xa để đi vào lòng văn hoá đại chúng qua sách truyện và phim ảnh.

Từ những con quái vật được khắc hoạ trên những bức tường cổ khắp thế giới cổ đại, đến những biểu tượng kiến trúc và sản phẩm giải trí ăn khách, loài Rồng đã đi cùng nhân loại một hành trình rất dài.

Theo Hiển Mưu/antgct.cand
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm