Từ những năm 500 TCN, người La Mã cổ đại đã biết nuôi cá và hàu tại các đầm phá thuộc Địa Trung Hải. Trong khi đó, nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt dựa theo kinh nghiệm thậm chí còn được thực hiện ở Trung Hoa từ thế kỷ 10 TCN.
Nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động nuôi cá đã xuất hiện từ trước năm 1000 TCN ở Trung Quốc, cụ thể là vào thời Nhà Chu (1112 – 221 TCN). Sau đó, vào những năm 500 TCN, nhà chính trị quân sự kiệt xuất Phạm Lãi là người đầu tiên đã mô tả việc cá chép – biểu tượng của may mắn và tài lộc- được nuôi để làm thực phẩm trong tác phẩm Dưỡng Ngư Kinh. Tới thời Đường (618 – 907), do các vua đều mang họ Lý (nghĩa là cá chép) nên việc nuôi loài này bị cấm tiệt; người nuôi phải chuyển sang một số loài tương tự trong họ Cyprinidae (cá giếc, cá trôi, cá anh vũ, cá mè vinh,…) và phát triển phương thức nuôi ghép (polyculture). Phân lỏng từ hoạt động chăn nuôi gia súc được sử dụng để kích thích sự phát triển của tảo trong ao, giúp nước giàu dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, người ta còn tháo nước ao để bón cho cây trồng. Các hệ thống canh tác nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản đầu tiên theo kiểu như vậy đã xuất hiện ở Trung Quốc và tồn tại đến tận bây giờ.
Tại châu Âu, loài cá chép được thuần dưỡng hoàn toàn và nuôi trong ao từ thời Trung cổ (thế kỷ 5 – 14). Nghề nuôi vẹm cũng gần như ra đời cùng thời điểm, với kỹ thuật về bản chất không thay đổi nhiều cho đến tận thế kỷ 20. Nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản thật ra đã xuất hiện từ trước đó, vào thời La Mã cổ đại. Người La Mã đặc biệt thích cá biển và hàu, cho nên họ đã xây các trại nuôi hàu và sáng tạo ra thủy cung Assyria – làm nơi thả cá và những loài giáp xác đánh bắt từ các khu đầm phá để giữ cho chúng tươi ngon trước khi ăn. Assyria là kết cấu thường thấy trong nhà của những người giàu có để khách tới thăm có thể thoải mái lựa chọn thứ họ muốn ăn. Trong thời Trung cổ, các tu viện và tầng lớp quý tộc, với đặc quyền sở hữu đất đai, rừng và cả nguồn nước, thường cho xây thêm cả bể cá nước ngọt (vivarium) trong dinh thự. Mọi hành vi đánh bắt mà chưa được phép đều bị trừng phạt nghiêm khắc, vì thế dân nghèo phải đợi hàng thế kỷ nữa mới được ăn cá tươi.
Sang thời Phục hưng (cuối thế kỷ 14 – 17), nghề nuôi cá nước ngọt bắt đầu đạt được những bước tiến lớn. Một số chuyên luận được xuất bản, cung cấp nhiều thông tin chi tiết về kỹ thuật xây dựng và quản lý ao nuôi, kinh nghiệm chọn loài, phương pháp kiểm soát bệnh tật và chế độ ăn của cá. Cá chép trở thành loài thống trị trong các ao nhân tạo được đào ở Đông Âu. Hoàng đế Charles IV (1316 – 1378) đã cho đào nhiều ao như vậy ở Bohemia – nơi ngày nay là cực Tây của Cộng hòa Séc.
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo được phát hiện ở Đức trong thời Khai sáng (thế kỷ 18), nhưng phải đến thế kỷ 19 – giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng, mọi người mới bắt đầu chú ý đến nó. Trong khoảng 100 năm, các ngành công nghiệp đã làm biến đổi hoàn toàn châu Âu. Số lượng của nhiều quần thể cá sụt giảm do ô nhiễm; và các con đập, kênh tưới tiêu cũng làm cản trở con đường di cư của một số loài như cá hồi. Để đối phó với tình trạng trên, nhiều nhà khoa học đã thực hiện những nghiên cứu về phương pháp sinh sản nhân tạo và nuôi cá hồi, cố gắng làm chủ toàn bộ quy trình từ thụ tinh, lưu trữ, vận chuyển trứng cho tới nuôi trong ao và thả cá vào tự nhiên. Trong thập niên 1860, các trại giống cá hồi mọc lên khắp nơi ở phương Tây, sau đó được du nhập sang Hoa Kỳ, Ấn Độ, New Zealand và cả Nhật Bản.
Sang đầu thế kỷ 20, những nhà cai trị Anh, Pháp, Bỉ, … đã mang một số loài cá sang các thuộc địa ở châu Phi để tiến hành nuôi thử nghiệm và nhân rộng cho mục đích tiêu khiển, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sốt rét hay làm thực phẩm (chẳng hạn: cá rô phi,…). Tại mô hình công xã hiện đại (kibbutzim) ở Israel, nông dân đã áp dụng những phương pháp canh tác truyền thống du nhập từ Đông Âu vào môi trường khí hậu khô cằn và phát triển các kỹ thuật mới – cho phép họ tự cung cấp những sản phẩm từ cá.
Đến cuối thập niên 1950, việc phát minh ra loại thức ăn nhân tạo dạng hạt đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành nuôi trồng thủy sản – vốn đang phải dựa vào các sản phẩm nông nghiệp (ví dụ thịt sống) để nuôi cá.
Trong những năm 1970, hoạt động nuôi trồng các loài thủy sản biển bắt đầu bùng nổ nhờ sự ra đời của những loại vật liệu xây dựng mới, nhẹ, bền và ít tốn kém hơn (chẳng hạn sợi thủy tinh, ống nhựa,…) cùng việc sử dụng lồng nổi thay cho các bể thép và kính đắt tiền. Sang đầu thế kỷ 21, hoạt động nuôi biển lại ngày càng được xem trọng bởi nó nắm giữ chìa khóa đảm bảo nguồn cung protein nuôi sống toàn bộ nhân loại. Theo một báo cáo năm 2016 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) thì kể từ năm 2013, “sản lượng cá nuôi đã vượt qua sản lượng đánh bắt tự nhiên”.
Theo Hải Đăng/Khoa học & Phát triển