Liên Xô đã tìm cách sáp nhập Iran như thế nào?
Iran hiện đại là một quốc gia đa sắc tộc. Hai cộng đồng thiểu số lớn nhất của nước này là người Kurd và người Azerbaijan chủ yếu sống ở miền Bắc. Kết quả của các cuộc chiến tranh Nga-Ba Tư thế kỷ 19 là các vùng đất lịch sử của người Azerbaijan bị phân chia giữa Ba Tư (Iran ngày nay) và Đế chế Nga. Người Azerbaijan bị chia cắt đã mơ về sự thống nhất kể từ đó, và trong Thế chiến 2, Kremlin đã cố khai thác quan điểm này.
Nỗ lực sáp nhập miền Bắc Iran của lãnh đạo Liên Xô Stalin được cho là đã kích động Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty
Kế hoạch của Liên Xô là sáp nhập các khu vực miền Bắc nước này vào Cộng Hòa Azerbaijan thuộc Liên Xô và cùng lúc đó ủng hộ mong muốn ly khai của người Kurd ở Iran.
Chiến dịch Countenance
Tháng 8/1941, Liên Xô và Anh chiếm đóng Iran. Bất chấp tuyên bố trung lập trong các cuộc xung đột toàn cầu, mối quan hệ của Iran với Đức Quốc xã dường như quá gần gũi. Tình báo Đức hoạt động ở nước này và trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Iran có tiềm năng nuôi sống trục liên minh này trong một thời gian dài sau đó. Phe đồng minh không thể cho phép điều đó.
Sau chiến dịch quân sự đột kích, còn được biết đến với cái tên Chiến dịch Countenance, Iran đầu hàng, các công dân Đức bị trục xuất khỏi nước này và tài sản của các công ty Đức bị tịch thu. Iran nhanh chóng nằm trong sự kiểm soát của Đồng minh.
Nhưng Iran vẫn chưa bị chiếm đóng hoàn toàn. Anh nắm giữ miền Nam trong khi Liên Xô kiểm soát miền Bắc. Đó là những vùng đất được gọi là Nam Azerbaijan – các vùng lãnh thổ Iran với 5 triệu người Azerbaijan, cũng như các vùng đất nhỏ hơn mà người Kurd sinh sống.
Hồi sinh dân tộc Nam Azerbaijan
Mặc dù năm 1941, Hồng quân Liên Xô liên tiếp thua trận trước Wehrmacht (Quân đội Đức), dẫn với việc Phát xít Đức tiến tới tận Moscow, nhưng lãnh đạo Liên Xô vẫn không bao giờ quên về những lợi ích ở Iran của mình.
Về mặt chính thức, các vùng lãnh thổ do Liên Xô và Anh kiểm soát vẫn được cai trị bơỉshah(vua Ba Tư). Tuy nhiên, trên thực tế, ảnh hưởng của Iran bị kiềm chế bởi các chính quyền chiếm đóng.
Từ những ngày đầu triển khai binh sỹ ở miền Bắc Iran, Liên Xô đã bắt tay tiến hành chiến dịch chính trị, kinh tế, văn hóa, ý thức hệ quy mô lớn nhằm chinh phục trái tim và lý trí của người địa phương. Một vai trò chủ chốt trong nỗ lực này do người Azerbaijan Liên Xô có nguồn gốc tương tự tiến hành. Họ đã cử hàng trăm chuyên gia tới Iran.
Đầu tiên, các kỹ sư Liên Xô đã cải thiện hệ thống vệ sinh và y tế ở các thành phố, các ngôi làng miền Bắc Iran. Tiếp đó là việc của các nhà tư tưởng.
Ở Tabriz, thành phố chính của khu vực, tờ báo tiếng Azerbaijan đầu tiên Za Rodinu (Dành cho Đất mẹ) ra đời. Một nhà xuất bản được xây dựng nhằm phát hành sách của các tác giả địa phương.
Các sân khấu kịch, opera cũng biểu diễn bằng ngôn ngữ địa phương, cộng thêm vô số các lễ hội và các sự kiện văn hóa quy mô lớn. Các trường học giảng dạy bằng ngôn ngữ Azerbaijan cũng bắt đầu mở cửa.
Khu vực này chưa bao giờ chứng kiến điều gì như vậy.
Thận trọng với Xô viết hóa
Lo ngại sự chỉ trích của các nước phương Tây, Liên Xô theo đuổi một chính sách thận trọng ở Nam Azerbaijan. Các quan chức trong Đảng Cộng sản không được phép “xô viết hóa” khu vực, mà đơn thuần chỉ là hỗ trợ người địa phương.
Để chinh phục người địa phương, Cục Hồi giáo Caucasus được thiết lập ở Liên Xô vào tháng 4/1944. Cơ quan này đã tham gia tích cực vào việc quản lý đời sống tôn giáo của người Azerbaijan ở Iran.
Liên Xô ám chỉ, một cách xảo quyệt hay thông minh, rằng đời sống ở Liên Xô sẽ tốt hơn ở Iran.
Nhà nước cho người Azerbaijan ở Iran
Theo thỏa thuận với chính phủ Iran, các lực lượng Đồng minh sẽ phải rút khỏi Iran trong vòng vài tháng sau Thế chiến 2. Phía Anh tuân thủ nhưng Liên Xô thì vẫn tìm cách kéo dài sự hiện diện tại đây.
Hơn thế, dù Phát xít đã bị đánh bại, nhưng Liên Xô vẫn thăm dò cơ hội để can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến cho miền Bắc Iran. Chương trình tuyên truyền Liên Xô được đẩy mạnh, cũng như các hoạt động tình báo nhằm chống phá sự ủng hộ đối vơíshah.
Vị thế của Liên Xô trong khu vực ngày càng trở nên vững chắc, tới mức lãnh đạo của Azerbaijan ở Liên Xô, Mir Jafar Bagirov, người đã ủng hộ giấc mơ “Thống nhất cho Azerbaijan” đã dám tuyên bố “Nếu bạn muốn biết sự thật, thì Tehran cũng là một thành phố Azerbaijan cổ”.
Năm 1945, Kremlin quyết định liên kết nền kinh tế của khu vực này với Liên Xô. Thêm nhiều chuyên gia được cử tới đây để làm ăn kinh doanh và tìm kiếm các giếng dầu.
Tháng 11/1945, tất cả quyền kiểm soát đối với miền Bắc Iran cuối cùng cũng tuột khỏi tay của Tehran. Đảng Dân chủ của người Azerbaijan Iran, được quân đội Liên Xô hậu thuẫn, đã chiếm các cơ quan hành chính chủ chốt ở nước này và giải giáp các đơn vị cảnh sát và quân đội của người Iran.
Ngày 12/12/1945, Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan được tuyên bố thành lập và do Sayyed Ja’far Pishevari dẫn dắt. Dù danh nghĩa là một “nước cộng hòa tự trị” nằm trong Iran, nhưng trên thực tế đây là một vệ tinh của Liên Xô.
Một nhà nước cho người Kurd
Tháng 1/1946, ngay sau khi thành lập Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan, một thực thể nhà nước nữa cũng được thiết lập ở miền Bắc Iran, đó là Cộng hòa Mahabad của người Kurd.
Các vùng lãnh thổ người Kurd nhỏ rơi vào kiểm soát của Liên Xô cùng với Nam Azerbaijan, mặc dù thực tế là từ năm 1941, lãnh đạo Liên Xô đã quyết định không sử dụng “lá bài” người Kurd, mà thay vào đó là tập trung toàn lực vào vấn đề Azerbaijan.
Chỉ ở giai đoạn cuối cùng, vào mùa thu 1945, Mir Jafar Bagirov mới giành sự ủng hộ đối với việc thành lập Đảng Nhân dân người Kurd. Đảng này sau đó, ngày 22/2/1946, cầm quyền ở nước Cộng hòa Mahabad của Người Kurd.
Không giống như Nam Azerbaijan, các chính quyền ở Mahabad phải dựa vào sức mạnh quân sự của Liên Xô.
Cuối con đường
Iran tất nhiên không muốn để mất các vùng lãnh thổ phía Bắc. Khi bị quân đội Liên Xô ngăn chặn tới các khu vực này, Tehran quyết định theo đuổi các kênh ngoại giao.
Với cáo buộc chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô, Iran lần đầu tiên chính thức khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Động thái của Iran nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả Mỹ và Anh.
Sức ép lớn từ Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây, Kremlin nhận ra rằng, hành trình Iran của mình đã đi đến hồi hết. Stalin quyết định thỏa thuận.
Sau nhiều tháng đàm phán, lãnh đạo Liên Xô nhận được sự đảm bảo của Thủ tướng Iran Ahmad Qavam rằng Liên Xô sẽ được phép phát triển các tô giới dầu mỏ ở miền Bắc Iran sau khi rút quân. Tuy nhiên, cam kết này chưa bao giờ được thực hiện.
Sau sự rút quân của Liên Xô vào tháng 5/1946, các nước cộng hòa nhân dân rơi vào tình thế nguy hiểm. Không có sự hỗ trợ, họ vẫn cố kháng cự trước sự tiến quân của quân đội Iran.
Nhưng thông điệp chia tay của Stalin đối với người Azerbaijan và người Kurd không khác gì dội gáo nước lạnh vào những khát vọng của họ: “Là Thủ tướng, Qavam có quyền đưa quân đội tới bất cứ nơi nào của Iran, trong đó có cả Azerbaijan, vì thế tiếp tục kháng cự vũ trang là không thực tế và thiếu khôn ngoan”.
Tháng 11-12/1946, quân đội Iran đã kiểm soát các lãnh thổ miền Bắc mà không cần đánh, giải tán cả 2 cộng hòa tự xưng này. Các lãnh đạo của Cộng hòa Mahabad bị hành quyết, còn các lãnh đạo của Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan đã tìm cách trốn thoát sang Liên Xô.
Tuy nhiên, họ cũng không nhận được sự đón tiếp như mong đợi. Một số người cuối cùng phải vào các trại lao động vì bị cáo buộc “hoạt động do thám”, trong khi người đứng đầu nhà nước chết yểu, Sayyed Ja’far Pishevari, đã chết trong vụ tai nạn ô tô mà mật vụ Liên Xô dàn xếp, và sau đó được chôn cất trang trọng ở Baku của Azerbaijan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?