Tận dụng lợi thế về số lượng, bầy chó hoang châu Phi đã tìm cách chia rẽ linh cẩu mẹ khỏi 2 đứa con của mình, vì những con linh cẩu non là mục tiêu dễ dàng hơn để nhắm đến khi không được mẹ bảo vệ.
Tuy nhiên, linh cẩu mẹ vẫn rất quyết tâm chống trả bầy chó hoang để bảo vệ những đứa con. Một trong 3 linh cẩu con cũng kiên cường chiến đấu cùng mẹ của mình.
Sau một hồi vờn quanh 4 mẹ con linh cẩu nhưng không thể tiếp cận những con non, bầy chó hoang châu Phi đã chấp nhận rút lui, thay vì tiếp tục cuộc đi săn.
Quyết định rút lui của bầy chó hoang châu Phi được đánh giá bất ngờ, bởi lẽ chó hoang châu Phi là những kẻ săn mồi đáng sợ nhất trên thảo nguyên. Tỷ lệ săn mồi thành công của loài này thậm chí còn cao hơn sư tử, báo hoa mai hay linh cẩu…
Sở dĩ chó hoang châu Phi có tỷ lệ săn mồi thành công cao vì đây được xem là bậc thầy của "nghệ thuật săn mồi theo đàn", khi những cá thể trong đàn có thể phối hợp cùng nhau một cách rất ăn ý nhờ vào ý thức kỷ luật và khả năng đoàn kết.
Nhờ vào sự phối hợp ăn ý giữa các cá thể trong đàn, chó hoang châu Phi có thể lấn át và hạ gục những con mồi to lớn như trâu rừng, thậm chí có thể bao vây và giết chết những kẻ săn mồi hung dữ như sư tử hay báo hoa mai…
Các thống kê khoa học cho thấy chó hoang châu Phi đạt tỷ lệ thành công lên đến 75% cho mỗi chuyến đi săn.
Chó hoang châu Phi còn là một trong những loài thú có lực cắn mạnh nhất trong các loài động vật ăn thịt, khi có thể dễ dàng xé toạc phần thịt của các loài động vật ăn cỏ như linh dương, thậm chí là trâu rừng. Sau khi săn mồi, những con non trong đàn sẽ được ưu tiên thưởng thức bữa ăn trước.
Trên thực tế, linh cẩu và chó hoang châu Phi thường tìm cách tránh mặt và hạn chế đụng độ nhau. Chó hoang châu Phi và linh cẩu thường cạnh tranh khu vực đi săn và con mồi của nhau, chứ ít khi xem nhau là con mồi.
Do vậy, ở tình huống kể trên, nhiều khả năng đàn chó hoang châu Phi không thực sự mặn mà trước việc giết chết mẹ con linh cẩu để ăn thịt, nên đã không phối hợp để chiến đấu đến cùng.