Khám phá

Lộ diện "quái vật ăn thịt đỉnh cao" tại Caribe: Dấu vết của cây cầu cổ nối liền các hòn đảo

DNVN - Một hóa thạch bí ẩn vừa được phát hiện tại Dominica vùng Caribe đang khiến giới khoa học chấn động: Sinh vật khổng lồ này là một loài săn mồi đáng sợ, tồn tại hàng chục triệu năm sau khi khủng long tuyệt chủng.

CLIP: Sai lầm của ngựa vằn mẹ khiến con non trở thành mồi ngon cho sư tử / CLIP: Linh dương đầu bò vừa vượt sông đã rơi vào nanh vuốt tử thần

Theo công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, nhóm nghiên cứu quốc tế do Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida (Mỹ) dẫn đầu đã xác định hóa thạch mới phát hiện thuộc về một loài Sebecidnhánh săn mồi cổ đại từng thống trị Nam Mỹ sau thời kỳ khủng long.

Quái vật tiền sử Sebecids - Ảnh đồ họa: Jorge Machuky

Quái vật tiền sử Sebecids - Ảnh đồ họa: Jorge Machuky

Dòng họ Sebecids là hậu duệ cuối cùng của Notosuchia, nhóm "cá sấu đất liền" có kích thước và hình thái đa dạng. Khác hoàn toàn với cá sấu hiện đại sống dưới nước, các Sebecids là sinh vật hoàn toàn sống trên cạn, di chuyển bằng bốn chi dài, săn mồi theo cách của những loài khủng long ăn thịt.

Với chiều dài cơ thể lên tới 6 mét và khả năng chạy nhanh, chúng nhanh chóng vươn lên vị trí "đỉnh chuỗi thức ăn" tại Nam Mỹ cổ đại, ngay sau sự tuyệt chủng của loài khủng long.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học sửng sốt không chỉ nằm ở kích thước hay đặc điểm săn mồi, mà là địa điểm tìm thấy mẫu vật: đảo Dominica. Trước đây, Sebecids chỉ được biết đến ở lục địa Nam Mỹ không ai ngờ sẽ tìm thấy dấu vết của chúng trên một hòn đảo biệt lập giữa đại dương.

Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm các chiếc răng cổ từ Cuba (18 triệu năm tuổi) và Puerto Rico (29 triệu năm tuổi), cũng thuộc về dòng họ Sebecids. Điều này đặt ra giả thuyết táo bạo: rất có thể, hàng chục triệu năm trước, vùng Caribe từng có những "cây cầu đất" tự nhiên nối liền các hòn đảo với lục địa Nam Mỹ.

 

Phát hiện mới từ Dominica còn hé lộ một khả năng đặc biệt: các hòn đảo Caribe có thể từng là nơi trú ẩn cuối cùng của dòng họ Sebecids. Trong khi loài này đã biến mất khỏi lục địa Nam Mỹ từ khoảng 11 triệu năm trước, mẫu vật Dominica cho thấy chúng vẫn tồn tại tại đây đến tận 6 triệu năm trước.

"Đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tồn tại của các hành lang sinh học cổ xưa, đồng thời thay đổi hiểu biết của chúng ta về lịch sử tiến hóa và phân bố của các loài ăn thịt đỉnh cao thời cổ đại," đại diện nhóm nghiên cứu nhận định.

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm