Khám phá

Loài nhuyễn thể chỉ dài bằng ngón tay cái nhưng có khả năng thay đổi cả dòng chảy của sông

Hà đục gỗ, hay còn gọi là giun tàu, vốn nổi tiếng với khả năng khoan thủng các bề mặt bằng gỗ để làm thức ăn, gây chìm tàu và các thiệt hại lớn nhỏ đối với những cảng biển hay cấu trúc bằng gỗ khác.

Khác với các loài hà đục khác, loài hà được tìm thấy ở Bohol, Philippines lại thích ăn đá (Ảnh: Đại học Northeastern)

Nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra một loại hà đục khác có khả năng thay đổi dòng chảy của một con sông bằng cách gặm nhấm qua lớp đá vôi dưới lòng con sông đó.

Litoredo abatanica, loài hà nước ngọt duy nhất được biết đến, dường như chỉ tồn tại ở riêng khu vực sông Abatan, phía đông tỉnh Bohol, Philippines. Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên biết đến sự tồn tại của chúng vào năm 2006. Tuy nhiên, phải đến gần đây, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Reuben Shipway, tiến sĩ Đại học Northeastern tại bang Massachussetts, Mỹ, mới có thể tiến hành phân tích chi tiết về loài vật nhỏ bé nhưng có khả năng đục các hang đá có kích thước lớn bằng ngón tay cái này.

Công cuộc tìm hiểu về loài hà đục đá vốn đã bắt đầu từ năm, 2018 khi nhóm nghiên cứu tới Philippines để thu thập các mẫu sinh vật. Sau vài phút sục sạo các bờ sông, họ phát hiện một khối đá sa thạch lớn bị đục thủng lỗ chỗ. Các nhà khoa học đã tách tảng đá ra bằng đục và búa, và nhận thấy có một con hà đang nằm ngoe nguẩy phía trong.

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng loài nhuyễn thể này không giống với các thành viên khác cùng loài với chúng. "Hầu hết các con hà đục gỗ đều dài, dẹt và nhìn giống giun, thường dày bằng ngón tay út của bạn,” tiến sĩ Shipway cho biết, "Nhưng hình dáng của những con hà đục đá này lại rất khác. Chúng mập mạp và trông chắc khỏe hơn."

Bên cạnh nguồn thức ăn, loài hà đục đá còn có rất nhiều đặc điểm bên ngoài khác với đồng loại của mình (Ảnh:Marvin A. Altamia & Reuben Shipway)

Một nghiên cứu sâu hơn về các mẫu hà đục đá này còn cho thấy chúng có nhiều khác biệt hơn nữa. Không giống như loài hà đục gỗ, vốn có hàng trăm chiếc răng sắc nhọn, vô hình bao phủ lấy phần vỏ của chúng, loài Litoredo abatanica chỉ có vài chục chiếc răng, nhưng dày hơn, lớn hơn, để phù hợp hơn cho việc đục đá.

Loài hà nước mặn thường lưu lượng gỗ mà chúng ăn được bên trong dạ dày, nơi lượng gỗ tiêu hóa được một loại vi khuẩn đặc biệt ăn mòn. Tuy nhiên, các loài nước ngọt không có dạ dày cũng như vi khuẩn trong cơ thể, khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng chúng không phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ đá để duy trì sự sống. Điều này khiến nhóm nghiên cứu suy đoán loài nhuyễn thể nhỏ bé này còn có thể thu được dinh dưỡng từ vi khuẩn bên trong mang của chúng. Ngoài ra, tương tự như anh em họ ăn gỗ của mình, chúng cũng có thể hấp thụ các loại sinh vật phù du thông qua ống hút nằm ở phía sau cơ thể.

Tiến sĩ Shipway cho biết: "Rất nhiều loài hà đục khác phải dùng mang của chúng để cung cấp dinh dưỡng. Ưu tiên nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi là kiểm tra xem những loài hà đục đá này có phải phụ thuộc vào các mang của chúng để hấp thụ thức ănhay không, và cố gắng tìm hiểu xem chúng có khả năng tự cung cấp dinh dưỡng hay không. "

Dù thói quen ăn đá của loài động vật thân mềm này có khả năng thay đổi dòng chảy của một con sông, nhưng điều này lại cực kỳ có lợi cho các động vật trong hệ sinh thái của chúng. Các kẽ hở mà những con hà tạo ra trong các đá vôi sẽ tạo nên những ngôi nhà hoàn hảo cho cua, ốc và cá nhỏ.

Ngoài ra, không giống như loài hà đục gỗ, Litoredo abatanica rất phổ biến đối với người dân địa phương, và thường được ăn sống với nước sốt làm từ giấm, hành, gừng và muối. Warlita Manug Armildez, một người dân ở Bohol, Philippines, cho biết: "Thịt con hà thường trơn và khá giòn, nhưng nếu để trong giấm đủ lâu thì nó sẽ mềm đi. Nó có vị hải sản tanh, hơi giống dưa chuột biển, trước khi được ngâm trong nước sốt.”

Theo Việt Anh/Dân việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo