Vẹt kakapo còn được gọi là vẹt cú, tên khoa học là Strigops habroptilus. Nó gây ấn tượng ban đầu là rất béo và cục mịch, có màu lông xanh lục sáng và khuôn mặt hơi giống cú mèo.
Thực tế, tính cách của vẹt kakapo cũng như ngoại hình của mình. Chúng vụng về, hậu đậu và chất phác, thậm chí còn không biết bay.
Không chỉ thế, vì là loài sống đơn độc, kakapo không ghép đôi. Lý do duy nhất để chúng gặp nhau là để giao phối.
Các nhà khoa học phải công nhận, loài vẹt này còn cực lười yêu đương và sinh sản. Trong khoảng từ 2 - 4 năm, khi những cây Rimu đặc trưng ở New Zealand ra quả, vẹt kakapo mới chịu đi tìm bạn tình để kết đôi.
Qua quan sát, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng, vẹt kakapo mập mạp rất thật thà và quá thân thiện.
Có thể nói, hầu như vẹt kakapo không có bất cứ một cơ chế phòng vệ chủ động nào. Thậm chí đôi lần vì tò mò, loài vẹt này còn tự dẫn xác vào chốn hiểm nguy mà vẫn vô tư, không hề hay biết.
Khi thấy thứ gì đó lạ mắt hoặc nghe thấy âm thanh lạ, vẹt kakapo sẽ không cưỡng lại được, chủ động chạy đến "hóng" xem đó là thứ gì. Vì vậy, không thiếu lần vẹt kakapo đâm đầu vào chỗ chết.
Thú vị ở chỗ, vẹt kakapo không biết bay nhưng lại leo trèo rất tài tình nhờ bộ vuốt sắc nhọn và chiếc mỏ cứng cáp, rất khỏe. Nhiều người còn cho rằng, sở dĩ vẹt kakapo không biết bay vì chúng quá béo, không thể nhấc nổi thân mình lên.
Vẹt kakapo cũng rất thích đi bộ vào ban đêm. Chúng có thể ngủ cả ngày và lang thang dưới nền đất rừng một mình vào ban đêm.
Nghe có vẻ kỳ quặc và vô dụng nhưng vẹt kakapo lại nổi tiếng vì mùi thơm của mình. Mùi của kakapo thường được vì như hoa thơm và mật ngọt, hay mùi của các loại nước hoa xịt khử mùi.
Đáng tiếc, mùi hương gây thương nhớ này lại khiến kẻ thù dễ dàng tìm ra kakapo hơn.