Lửa chiến âm ỉ dưới giá băng Nam Cực
Cực sốc kế hoạch kích nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng / Tiết lộ sốc về gia tộc Sa hoàng Nga trước khi diệt vong
Tuy nhiên, ít ai biết, để phục vụ những tham vọng còn lớn lao hơn cũng như những nhu cầu tương đối bức thiết từ thời cuộc, Nam Cực - mảnh đất lạnh giá vắng dấu chân người - cũng đã từng được đặt vào tầm ngắm của nhà độc tài Đệ tam Đế chế.
Đoàn viễn chinh Nam Cực
Được mệnh danh như vậy, nhưng "Đoàn viễn chinh Nam Cực" đầu tiên được Adolf Hitler phái đi chỉ gồm 33 quân nhân cường tráng (và cực kỳ trung thành với chế độ Quốc xã), cùng chiếc hải hạm mang tên MS Schwabenland (được đóng năm 1925). Họ được dẫn đầu bởi Alfred Rischer, người được tấn phong làm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Nam Cực.
Theo tờ The Globe Times tìm hiểu sau này, thậm chí, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chuyến hải hành, trước khi Schwabenland lên đường, cơ quan cảnh sát mật Gestapo của Đức Quốc xã đã tiến hành thêm một lần sát hạch.
Kết quả: Chỉ có 24 người đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn, và lên đường. 9 người còn lại bị loại. Lúc Schwabenland nhổ neo rời cảng Hamburg (tháng 12/1938, nghĩa là cách đây đúng 80 năm), Gestapo còn cảnh cáo: Ai tiết lộ bí mật nhiệm vụ, nhân thân người đó sẽ lập tức bị đưa vào trại tập trung - nơi tất cả đều hiểu là "địa ngục trần gian".
Tháng 1/1939, thủy thủ đoàn của Schwabenland đặt chân lên miền "Đất Nữ hoàng Maud" (Queen Maud Land, vốn rộng tới 2,7 triệu km²) ở Nam Cực, nơi Na Uy tuyên bố chủ quyền.
Chỉ trong vòng vài tuần, những máy bay cất cánh từ đường băng trên Schwabenland đã thực hiện tổng cộng 15 chuyến bay khảo sát, trên một khu vực rộng tới 600.000km², chụp hơn 10.000 tấm ảnh.
Và sau đó, những lá cờ ba màu đen - trắng - đỏ mang biểu tượng thập ngoặc được cắm xuống. Nước Đức Quốc xã tuyên bố chủ quyền từ 20 độ kinh Đông đến 10 độ kinh Tây trên vùng này, đổi tên nó thành Neuschwabenland.
Cái tên ấy được quốc tế hóa thành New Swabia (Miền Swabia mới). Swabia, chính là tên con tàu MS Schwabenland, cũng là tên một vùng đất cổ xưa mang tính "phát tích" của dân tộc Đức. Đặt chúng cạnh nhau, không cần quá cố gắng, ai cũng có thể cảm nhận được quyết tâm chinh phục miền băng giá này của Adolf Hitler.
Tháng 2/1939, tàu MS Schwabenland lại lên đường, trở về Đức từ Neuschwabenland.
Khởi nguồn của tham vọng
Cho dù sau này, Neuschwabenland được gửi gắm khá nhiều toan tính vĩ mô mang tính chất chiến lược địa chính trị cũng như địa quân sự của nhà độc tài Đức Quốc xã, thì đầu tiên, việc hướng tầm mắt đến Nam Cực lại hoàn toàn chỉ nhằm phục vụ những nhu cầu "trần tục" của xã hội và người dân Đức.
Đầu thập niên 1930, dầu cá voi chính là nguyên liệu chủ yếu được ngành công nghiệp Đức (cũng như quốc tế) lựa chọn để sản xuất xà phòng và bơ Margarine.
Ở thời điểm đó, các đội tàu săn cá voi của Na Uy chiếm vị trí quán quân về sản lượng săn bắt cá voi trên thế giới. Mỗi năm, nước Đức phải nhập từ Na Uy khoảng 200.000 tấn dầu cá voi, để đáp ứng nhu cầu trong nước. Na Uy xây dựng được nhiều trạm căn cứ cho các đội săn bắt cá voi hoạt động ở Nam Cực, và không ít quan chức Đức Quốc xã cũng đã lên tiếng đề nghị xây dựng những trạm như vậy, cho các đội tàu Đức.
Nhưng, nước Đức, đến lúc ấy, chưa từng sở hữu đất đai ở Nam Cực. Cho đến năm 1938, khi một đội tàu săn bắt cá voi của Đức trở về thành công rực rỡ, và cũng là khi Adolf Hitler cảm thấy đã sẵn sàng cho những cuộc chinh chiến long trời lở đất, động lực mới trở nên thực sự mạnh mẽ.
Theo kế hoạch của mình, sau khi sáp nhập Áo, xé lẻ và thôn tính Tiệp Khắc, đánh chiếm Ba Lan, nước Đức Quốc xã sẽ phải đánh bại Pháp, rồi đọ đầu trực tiếp với Anh - đệ nhất cường quốc trên biển, cũng là giống dân mà Adolf Hitler đánh giá là "can trường và bền bỉ, có nhiều nét tương đồng với chủng tộc Aryan" (theo cuốn Hitler và các danh tướng Đức Quốc xã - Raymond Cartier). Chuẩn bị cho điều đó, hải quân Đức rất cần các căn cứ trên các hải trình.
Và Nam Cực là một nơi tương đối dễ giành giật. Hải quân Na Uy, cũng như tiềm lực quân sự của Na Uy, không đáng sợ như hải quân Anh, không đáng gờm như hải quân Pháp hay hải quân Hà Lan, cũng không quá gần gũi để phải "khó ăn khó nói" như hải quân các nước phát xít Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tàu MS Schwabenland. |
Giấc mơ chết yểu
Chuyến trở về trong thành công của tàu MS Schwabenland đã tạo nên rất nhiều phấn khích cho Adolf Hitler.
Thực ra, trong khoảng một tháng ở Neuschwabenland, thủy thủ đoàn dưới tay Alfred Rischer đã kịp xây dựng một căn cứ nhỏ, đủ để làm bàn đạp cho các cuộc thám hiểm sâu vào bên trong phần lục địa. Máy bay đã phát hiện thấy suối nước nóng và một số hệ sinh quyển với thực vật phong phú, đủ để vạch ra các kế hoạch lớn hơn nữa.
Việc xây dựng căn cứ quy mô hơn, trong các giai đoạn thời tiết thuận lợi của năm 1939-1940 và 1940-1941 đã được Hitler chuẩn y. Tuy vậy, lịch trình đã không thể diễn ra như dự kiến, với quá nhiều biến cố của đoạn đầu Đệ nhị Thế chiến.
Xâm chiếm Ba Lan, đánh tan quân đội Pháp để vào duyệt binh ở Paris trong thời gian kỷ lục, nhưng eo biển Manche trong vai trò con hào tự nhiên cùng sự quả cảm của binh sĩ Anh đã khiến những trận không kích điên cuồng của không quân Đức vào Luân Đôn không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Lục quân Đức quay sang phía Đông, và cỗ máy chiến tranh lại phải tận lực phục vụ hướng đi ấy. Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Hồng Quân Liên Xô làm phá sản mọi toan tính của quân đội Đức, chưa kể đến những lần Adolf Hitler phải ra lệnh chia quân xuống cứu quân phát xít Ý đồng minh ở Nam Âu hay Bắc Phi, cũng chưa kể đến những sự thiếu hụt không thể bù đắp về hậu cần.
Và dự án về căn cứ quân sự ở Nam Cực vẫn mãi chỉ là những phác thảo trên giấy. Cho dù, năm 1940, sau khi đánh bại Pháp, Tổng tư lệnh Hải quân Đức - đô đốc Erich Johann Albert Raeder đã được lệnh nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa tính khả thi của dự án này, nhằm giành quyền kiểm soát Nam Đại Tây Dương.
Cho dù, mùa Giáng sinh năm 1940 ấy, hải quân Đức đã chiếm đảo Kerguelen ở Nam Ấn Độ Dương, xây dựng căn cứ tập kích tàu thuyền của phe Đồng minh.
Cho dù, Na Uy không có cách nào ngăn quân Đức bành trướng quanh những vùng duyên hải còn lại của Queen Maud Land. Cho dù, Tư lệnh binh chủng tàu ngầm Đức - Đô đốc Karl Doenitz - cũng đã nhận lệnh trực tiếp từ Hitler, về việc phải xây dựng bằng được một căn cứ quân sự đúng nghĩa ở Neuschwabenland.
Doenitz hiểu rất rõ tầm quan trọng của một căn cứ như vậy, khi chính ông là cha đẻ của "chiến thuật bầy sói" (tập kích bất ngờ, chia cắt và rút lui nhanh) dành cho lực lượng tàu ngầm của mình. Song, điều khiến ông do dự là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Nam Cực tạo nên quá nhiều rủi ro cho những tham vọng, đặc biệt là khi không thể tiếp vận suôn sẻ.
Không chỉ vậy, hải quân Anh cũng đã cảm nhận và phán đoán được ý đồ của Hitler, kể cả từ thực địa lẫn từ các nguồn tin tình báo. Từ năm 1941, tàu chiến Anh các loại tăng cường tập trung về khu vực ấy. Họ phá hủy mọi căn cứ của Na Uy, nhằm ngăn Đức tận dụng.
Karl Doenitz buộc phải trì hoãn, buộc phải thuyết phục Hitler nhẫn nại. Và lần trì hoãn này trở thành mãi mãi, bởi cho đến khi lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tung bay trên nóc tòa nhà Quốc hội Berlin, không còn cơ hội nào để nước Đức Quốc xã mơ mộng đến Nam Cực - Neuschwabenland của họ nữa.
Đến cả những đòi hỏi, yêu cầu, năn nỉ kéo dài suốt cuộc chiến của Karl Doenitz, về việc đầu tư tăng cường sức mạnh cho lực lượng tàu ngầm, cũng hầu như chẳng được đáp ứng bao giờ...
* Schwabenland không chỉ là một chiến hạm hay một tàu vận tải bình thường. Với sự ưu ái của các lãnh đạo cao cấp Đức Quốc xã, nó được trang bị đạt chuẩn gần như một tàu sân bay cỡ nhỏ, để có thể dễ dàng nhận các chuyến tiếp vận bằng đường không. * Alfred Rischer (23/5/1879 - 30/3/1963), trước khi nhận nhiệm vụ chỉ huy Schwabendland, là một thuyền trưởng, một nhà thám hiểm, cũng đã từng là một quân nhân lừng danh của nước Đức trong Đệ nhất Thế chiến. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Điều gì sẽ xảy ra nếu phi hành gia đi tè trên mặt trăng? Hậu quả vô cùng kinh khủng
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ
Máy bay cất cánh từ đường băng tàu MS Schwabenland.