Khám phá

Lưu Bị được làm vua là nhờ nhà có long mạch?

Đời tổ tiên đã nghèo khó, lớn lên phải dệt chiếu kiếm ăn, vì sao Lưu Bị dựng được nghiệp đế? Các nhà phong thủy cho là do long mạch.

Hòn đảo hoang đầy “bóng ma bệnh tật” ở Ý / Đoạn Vạn Lý Trường Thành "mất tích" đã lộ diện

Mặc dù là hậu duệ của tôn thất nhà Hán, tuy nhiên, tới đời Lưu Bị, họ Lưu ở Trác Quận đã suy sút tới cùng cực. Thuở thiếu thời, hàng ngày Lưu Bị phải cùng mẹ ra chợ bán chiếu cỏ kiếm sống. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, ít ai có thể ngờ rằng, Lưu Bị sau này lại có thể chia ba thiên hạ, hùng cứ một phương rồi sáng lập ra hẳn một triều đại cho riêng mình…
Họ Lưu ở Trung Sơn Quốc

Những đánh giá của hậu thế về Lưu Bị về cơ bản bị ảnh hưởng bởi những ghi chép từ cuốn sử “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ và sau đó là những hư cấu trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Về đại thể, người ta nói Lưu Bị là anh hùng trượng nghĩa, khoan hậu và có lòng nhân từ, là điển hình cho người anh hùng vì dân, một đấng quân vương theo lý tưởng nhân trị.
Trên thực tế, việc Lưu Bị có thể chia ba thiên hạ, tự mình xưng bá một phương, hoàn toàn không phải là việc ngẫu nhiên hay may mắn. Lưu Bị hoàn toàn không có được gia thế đầy quyền lực của Tào Tháo, cũng không phải là người được kế thừa cơ nghiệp do cha và anh xây dựng như Tôn Quyền. Lưu Bị xuất thân chỉ là anh dệt chiếu, đan giày cỏ, kẻ không chốn nương thân, phải lang thang khắp nơi, lúc dưới trướng Tào Tháo, khi sống nhờ Viên Thiệu, Lưu Biểu… Tuy nhiên, cuối cùng, Lưu Bị vẫn có thể lên ngôi Hoàng đế, sáng lập ra nhà Thục Hán, cùng tồn tại với 2 nước Ngụy – Ngô.
Kết quả này đương nhiên là vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng, bên cạnh sự nhân nghĩa, trung hậu mà người ta vẫn thường ca ngợi, có lẽ trước hết phải nói đến huyết thống của hoàng tộc nhà Hán trong người Lưu Bị. Những người yêu thích Tam Quốc có lẽ ai cũng nhớ rằng, mỗi lần Lưu Bị giới thiệu về mình, lần nào cũng như lần nào, ông ta đều nhắc đi nhắc lại về nguồn gốc xuất thân danh giá của mình: “Tại hạ Lưu Bị, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng”. Thực tế, chẳng có ai muốn hỏi Lưu Bị là hậu duệ, con cháu của ai, vì vậy, cách nói đó của Lưu Bị trở nên rất thừa và vô duyên.
Tuy nhiên, ở thời cổ đại, người ta coi ngai vàng cùng với những quyền lực mà nó đem lại là đặc quyền của một dòng họ, được cha truyền con nối. Những người dòng họ khác, một khi có mưu đồ cưỡng đoạt ngôi báu ấy thì sẽ bị cả thiên hạ chống lại, coi là kẻ nghịch tặc, phản loạn.

Lưu Bị trên phim.
Vì vậy, việc mang trong mình huyết thống của nhà Hán, nghĩa là con cháu của dòng họ đang ngự trên ngai vàng lúc bấy giờ đã giúp Lưu Bị có được không ít “nhân tâm”. Nói cách khác, huyết thống của hoàng thất Hán triều đã góp một phần không nhỏ giúp một anh dệt chiếu như Lưu Bị trở thành “chân long thiên tử”.
Theo như những gì sử sách ghi chép thì Lưu Bị là hậu duệ của Lưu Trinh, con trai của Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng, một người con của Hán Cảnh Đế, vị vua thứ 6 của triều Tây Hán. Cuốn “Sử ký” nổi tiếng của sử gia Tư Mã Thiên cũng có ghi chép về Lưu Thắng. Sau đó, cuốn sử nổi tiếng khác là “Hán Thư” của sử gia Ban Cố còn viết hẳn một thiên truyện riêng về Lưu Thắng. Như vậy, có thể khẳng định, Lưu Thắng cũng là một nhân vật không hề vô danh tiểu tốt trong lịch sử triều Hán. Sử sách chép rằng, Lưu Thắng do một phu nhân họ Giả, vợ của Hán Cảnh Đế sinh ra. Xét về vai vế, Lưu Thắng là anh của Hán Vũ Đế, người kế thừa ngai vàng từ Cảnh Đế. Tuy nhiên, không may mắn như người em của mình, được lựa chọn làm Hoàng đế, Lưu Thắng được phong làm Trung Sơn Tĩnh Vương. Sở dĩ có tên gọi này là vì đất phong của vị Tĩnh Vương Lưu Thắng ở Trung Sơn Quốc, vì vậy, người ta mới lấy tên đất phong gắn với tước phong của ông, trở thành tên gọi Trung Sơn Tĩnh Vương.
Lưu Thắng là người giỏi thơ ca thi phú, cũng được coi là có tài năng. Tuy nhiên, tài thường đi liền với tật. Dù có chút tài năng thơ ca, Lưu Thắng lại mắc phải căn bệnh ham tửu sắc. Lưu Thắng cả ngày chẳng màng gì tới chuyện chính sự, chỉ thích chìm đắm trong những cơn hoan lạc với rượu và mỹ nữ. Kết quả đương nhiên không ngoài dự liệu, Lưu Thắng không có bất cứ thành tích nào để có thể cạnh tranh được với những người anh em khác trong cuộc đua tới ngai vàng.
Tuy nhiên, hơn hẳn những người anh em của mình, Lưu Thắng sinh được tới hơn 120 đứa con. Vì vậy, họ Lưu ở Trung Sơn Quốc trở thành chi phát triển nhanh và nhiều nhất trong tông thất triều Hán. Hậu duệ và phân chi của họ Lưu ở Trung Sơn cũng nhiều nhất. Tới giữa thời Tây Hán, con cháu của Lưu Thắng ở Trung Sơn đã rất đông đúc, phân bố khắp nơi. Vì vậy, việc Lưu Bị là con cháu của Lưu Thắng cũng chẳng có gì là lạ.
Điều quan trong chính là, Trung Sơn Quốc vốn là nơi ẩn chứa long mạch của dòng họ Lưu. Theo như ghi chép của sử sách thì Trung Sơn Quốc thời Hán chính là vùng nằm ở phía Nam sông Dịch Thủy và phía Bắc của sông Hô Đà, thuộc khu vực phía Tây của tỉnh Hà Bắc. Tổ tiên của Trung Sơn Quốc chính là những hậu duệ của Hoàng Đế, một trong những ông vua đầu tiên của Trung Quốc.
Theo truyền thuyết, Hoàng Đế có 25 người con, trong đó có 11 người được cho là không đủ tài đức, vì vậy bị đày tới những vùng đất hoang ở nơi biên viễn. Con cháu của họ sau đó bị gọi là Di Địch. Tới cuối thời Tây Chu, Di Địch phân thành 2 nhánh nhỏ hơn, tức Xích Di và Bạch Địch. Trong đó, Bạch Địch sau đó lại tiếp tục phân thành Tiên Ngu, Phì, Cổ… Tới năm 459 trước công nguyên, vua của Tiên Ngu qua đời, Tiên Ngu Văn Hầu kế thừa ngai vị, tự xưng là Trung Sơn Văn Công.
Do là con cháu của Hoàng Đế nên Văn Hầu quyết định đổi thành họ Cơ, đổi tên nước thành Trung Sơn, định đô ở thành Trung Nhân, nay nằm ở phía Tây huyện Đường, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Đất phong của Lưu Thắng chính là nước Trung Sơn mà Tiên Ngu Văn Hầu đã sáng lập ra.
Đến thời Chiến Quốc, ngoài “Chiến quốc thất hùng” (7 nước lớn mạnh nhất thời Chiến Quốc), còn có rất nhiều nước nhỏ khác. Trung Sơn Quốc là một trong số những nước nhỏ đó. Vì vậy mà rất ít khi Trung Sơn Quốc được nhắc tới. Tuy nhiên, cũng vì là nước nhỏ nên Trung Sơn Quốc có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước.
Tới năm 323 trước Công nguyên, thực lực của Trung Sơn Quốc đã không hề kém những cường quốc lúc bấy giờ như Triệu, Hàn, Ngụy, Yên… Trung Sơn Quốc lúc bấy giờ nằm ở khu vực Thái Hành Sơn, nằm ở giữa Thạch Gia Trang và Bảo Định của tỉnh Hà Bắc.
Để củng cố thành trì, Trung Sơn Quốc dành rất nhiều tài lực để tu sửa trường thành và những nơi cửa khẩu quan trọng khác. Những đoạn trường thành ở Trung Sơn đều được xây bằng đá, có nơi được xây bằng đá trộn với bùn, trên rộng dưới hẹp, vô cùng chắc chắn vì vậy được gọi là “thổ long” và “long tích” (xương sống rồng). Ngoài ra, ở khu vực Bảo Định ngày nay còn rất nhiều những cửa khẩu hiểm yếu, chẳng hạn như cửa khẩu Tử Kinh Quan ở phía Tây Bắc của thành huyện Dịch. Tử Kinh Quan nằm giữ Cư Dung Quan và Mã Quan, cùng với 2 cửa khẩu này được gọi là 3 cửa khẩu hiểm yếu nhất của tỉnh Hà Bắc.
Nhờ vị trí đắc địa của mình, Trung Sơn Quốc trở thành vùng đất hiểm yếu mà tất cả các vị tướng cầm quân đều mong chiếm bằng được. Vì thế, sau đó, Trung Sơn Quốc bị nước Triệu tiêu diệt. Tuy nhiên, mặc dù Triệu diệt Trung Sơn song không xóa tên nước mà vẫn tiếp tục gọi vùng này là Trung Sơn. Từ đó cho tới khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc rồi triều Hán lên thay triều Tần suốt mấy trăm năm, vùng đất này vẫn gọi là Trung Sơn Quốc.
Tới năm thứ 3 đời Hán Cảnh Đế, Lưu Thắng được phong làm Trung Sơn Vương, đất phong chính là Trung Sơn Quốc, đặt thủ phủ tại Lư Nô (nay là Định Châu, Hà Bắc). Lưu Thắng trở thành người thống trị Trung Sơn Quốc trong suốt 42 năm sau đó.
Từ khi Hán Cao Tổ Lưu Bang sáng lập nên nhà Hán, dòng họ Lưu đã trải qua nhiều thăng trầm, thịnh suy. Tới cuối thời Đông Hán, tưởng chừng như phúc khí nhà Hán đã hết, ngai vàng thống trị bị lung lay tới tận gốc rễ, thế nhưng, khó ai có thể ngờ rằng, Lưu Bị - con cháu của Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng lại có thể một lần nữa chấn hưng sự nghiệp của họ Lưu, dù khoảng thời gian ấy không dài. Vì sao long mạch của triều Hán lại truyền tới tay Lưu Bị.
Điều này đương nhiên có liên quan tới hoàn cảnh xã hội, sự tu dưỡng cá nhân của Lưu Bị. Tuy nhiên, các nhà phong thủy cổ đại thì cho rằng, sự phát triển của một dòng họ ngoài sự phù trợ của long mạch còn phải xem phong thủy của âm trạch tổ tiên. Nếu như một gia tộc được sự phù trợ của một địa thế phong thủy tốt thì gia tộc đó tất sẽ hưng thịnh, còn nếu không sẽ nhanh chóng lụn bại.
Việc Lưu Bị trở thành người được lựa chọn để chấn hưng sự nghiệp nhà Hán, dẫu xét cho cùng, Lưu Bị vẫn thất bại, có nguyên nhân sâu xa từ phong thủy âm trạch của tổ tiên mà cụ thể ở đây chính là Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng.
Nơi đặt mộ của Lưu Thắng chính là nơi tuyệt đẹp về mặt phong thủy. Lúc bấy giờ, toàn bộ vùng Hà Bắc đều là lãnh địa của Trung Sơn Quốc, vì vậy, sau khi Trung Sơn Vương Lưu Thắng qua đời, ông ta được chôn cất cùng vợ tại đây. Lăng Sơn, dãy núi nơi đặt mộ của Lưu Thắng thời bấy giờ gọi là núi Phượng Hoàng, được tạo thành bởi 3 ngọn núi nằm cạnh nhau. Đỉnh núi chính nằm ở giữa, 2 ngọn núi phụ nằm ở hai bên thuộc hướng Đông Nam và Đông Bắc, tạo thành hình chữ “phẩm” (chữ phẩm trong tiếng Hán bao gồm 3 ô vuông, 1 ô ở trên và 2 ô ở dưới).
Những người dân trong vùng thường ví von rằng, nhìn từ phía Tây, ngọn núi trông giống như con rùa tiên đang bơi dưới biển, nhìn từ phía Nam trông giống như con chim phượng hoàng đang xòe cánh, nhìn từ phía Đông trông giống như con cua khổng lồ nằm ngang. Và chính nhờ địa thế độc đáo này, con cháu của Lưu Thắng là Lưu Bị mới có thể trở thành một chân trong thế chân vạc chia ba thiên hạ thời Tam Quốc và sáng lập nhà Thục Hán, lên ngôi Hoàng đế.
Việc Lưu Thắng chọn núi Phượng Hoàng làm nơi yên nghỉ ngàn năm của mình cũng là câu chuyện thú vị. Người ta nói rằng, vào một hôm, Lưu Thắng từ Trung Sơn Quốc đi tới Bắc Bình (nay là Mãn thành). Tại đây, Lưu Thắng nghe được truyền thuyết kể rằng từ thời viễn cổ, Lăng Sơn vốn không có núi, chỉ có một con Phượng Hoàng, loài chim thần và rất tinh khiết. Không phải cây ngô đồng thì nó nhất quyết không đậu, không phải quả trúc thì nhất định không ăn, không phải nước suối ngọt thì nhất định không uống. Vì vậy, bất kể là ban ngày phượng hoàng bay tới đâu, đêm đến đều quay lại con suối chỗ Lăng Sơn uống nước. Tới một ngày, có ông lão đánh xe đi ngang qua con suối gặp đúng lúc con chim phượng hoàng vừa kết thúc một ngày bay mệt mỏi, đang tập trung uống nước dưới suối.
Vì quá tập trung uống nước, chim phượng hoàng không hề hay biết là có chiếc xe đang tới, không kịp tránh đi nên bị chiếc bánh xe đè ngang qua người làm đứt cả cổ. Trước khi tắt thở, phượng hoàng vẫn cố vỗ mạnh hai cánh rồi đẻ ra một quả trứng. Sau đó, con chim phượng hoàng biến mất nhưng thay vào đó, trên khu đất bằng bỗng nhiên xuất hiện một dãy núi cao sừng sững. Vì vậy, người ta mới gọi dãy núi này là núi Phượng Hoàng.
Lưu Thắng nghe câu chuyện này xong thì rất làm thích thú, tự mình leo lên ngọn Phượng Hoàng xem ngọn núi này có chỗ nào thần kỳ giống như trong truyền thuyết người dân nơi đây kể hay không. Khi lên tới đỉnh núi, hướng mắt nhìn về phía xa, Lưu Thắng nhìn thấy trước mắt ruộng nương xanh ngát tới tận chân trời. Ngoảnh mặt nhìn về phía Tây là các đỉnh núi của dãy Thái Hành Sơn cao vút, chạm đến tận mây xanh. Nhìn cảnh đó, Lưu Thắng cho rằng, núi Phượng Hoàng chính là nơi có địa thế phong thủy đắc địa. Do vậy, Lưu Thắng quyết định sau khi mình chết sẽ mai táng tại ngọn núi này.
Khởi nghiệp ở Trác Châu

Năm 112 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế ra chiếu chỉ bỏ bớt các phiên vương, một bộ phận lớn của họ Lưu ở Trung Sơn Quốc vì vậy mà mất hết tước vị. Lưu Trinh là một trong số hơn 120 người con của Lưu Thắng, từng được phong là Lục Thành Đình Hầu ở Trác Quận, là tổ tiên của chi họ Lưu ở Trác Quận. Vào lúc bấy giờ, triều Hán có quy định, các vương hầu ngoài việc cống hiến tượng trưng những đặc sản của địa phương nơi mình cai trị cho triều đình còn phải cống nộp khoản tiền phí nhất định nhằm phục vụ cho việc cúng tế thái miếu tổ tiên của hoàng đế.
Tuy nhiên, trong một lần cống nộp vàng cho triều đình, vàng của Lưu Trinh bị Hán Vũ Đế cho là không đủ độ tinh khiết nên Trinh bị tước bỏ tước phong, phế làm thường dân. Hậu duệ vương thất như Lưu Trinh chủ yếu sống nhờ vào tiền thu từ tô thuế của dân, ngay cả khoản tiền đóng phí cho triều đình cũng được lấy từ khoản tiền này. Nay bị triều đình tước mất tước phong và phế làm dân thường chẳng khác nào bản án tử hình đối với Lưu Trinh. Con cháu họ Lưu ở Trác Quận vì vậy suốt nhiều đời sau đó không thể vực dậy được.
Lưu Bị chính là con cháu của Lưu Trinh, sinh ra ở Trác Quận, nay là Trác Châu, tỉnh Hà Bắc. Theo sử sách ghi chép, Trác Châu đã có hơn 2.000 năm lịch sử. Ban đầu, Trác Châu được gọi là Trác Lộc, là nơi đã diễn ra trận chiến giữa Hoàng Đế và Si Vưu. Đến thời nhà Hán, Trác Lộc bị đổi thành Trác Quận. Do vị trí địa lý cực kỳ đặc biệt của nơi đây, Trác Quận trở nơi có vị trí cực kỳ trọng yếu trên bản đồ quân sự Trung Quốc từ thời cổ đại đến nay. Ở Trác Quận nổi tiếng nhất chính là sông Trác Thủy. Người ta nói rằng, danh tiếng của Trác Quận tất tật đều do dòng sông Trác Thủy này đem lại. Bởi lẽ, chính con sông thần kỳ này đã bồi đắp nên mảnh đất Trác Quận. Trong mắt các nhà phong thủy, Trác Quận chính là nơi đất quý.
Trong mắt các nhà lịch sử và địa lý, Trác Quận là mảnh đất cực kỳ màu mỡ, ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tìm thấy những dấu ấn cổ xưa nhất của nền văn minh Hoa Hạ. Lưu Bị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất như vậy. Vào lúc bấy giờ, dòng họ Lưu ở Trác Quận truyền tới đời cha của Lưu Bị là Lưu Hoằng đã sa sút cực độ. Gia cảnh Lưu Bị lúc đó có thể nói là cực kỳ khó khăn, chỉ riêng chuyện duy trì cuộc sống cũng đã rất khó khăn chứ đừng nói gì tới chuyện mưu đồ bá nghiệp.
Khi Lưu Bị còn rất nhỏ thì Lưu Hoằng đã qua đời. Một mình Lưu Bị và mẹ nương tựa vào nhau tìm kế sinh nhai. Mẹ con Lưu Bị kiếm sống chủ yếu bằng nghề buôn bán dép và chiếu cỏ. Lưu Bị thì thường xuyên cùng mẹ ra chợ bán chiếu cỏ và dép cỏ. Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình như vậy khó ai lại có thể nghĩ rằng Lưu Bị sau này lại có thể trở thành kẻ hùng cứ một phương, lên ngôi Hoàng đế nhà Thục Hán.
Mặc dù gia cảnh khó khăn tuy nhiên, người ta nói rằng, từ khi sinh ra, Lưu Bị đã có quý tướng. Theo sách “Tam Quốc Chí” thì Lưu Bị thân cao 7 thước rưỡi, 2 tay dài quá gối, 2 tài dài tới tận vai, quay đầu là có thể nhìn thấy tai của chính mình. Theo quan niệm nhân tướng học truyền thống của Trung Quốc, tướng mạo như của Lưu Bị được sách “Tam Quốc Chí” là quý tướng, thậm chí là tướng mạo của bậc đế vương. Thêm vào đó, theo mô tả của không ít sử sách, Lưu Bị là người thâm trầm, ít nói và ít khi thể hiện sự hỷ nộ của bản thân. Điều này phù hợp với tính cách trầm tĩnh của bậc đế vương.
Chuyện kể rằng, bên cạnh căn lều cỏ của mẹ con Lưu Bị ở có một cây dâu, nhìn từ xa trông giống như chiếc xe có lọng che. Những người khách đi qua đây nhìn thấy hình dáng của cái cây này đều lấy làm kỳ lạ, nói rằng ở đây hẳn có quý nhân. Khi Lưu Bị chơi với chúng bạn ở dưới gốc cây nói: “Sau này ta sẽ đi chiếc xe sang trọng như vậy”. Thời bấy giờ, xe có lọng là loại xe dành cho Hoàng đế, vì vậy, chú của Lưu Bị là Lưu Tử Kính mới quát Lưu Bị rằng: “Mày ăn nói lung tung như vậy định hại chết cả gia đình chúng ta hay sao?”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thực tế thì đó chính là khí thiên tử của Lưu Bị đã bắt đầu lộ ra từ khi Bị còn rất nhỏ.
Cũng vì thế, câu chuyện nhà họ Lưu ở Trác Quận nhất định sẽ xuất hiện quý nhân được người ta đồn thổi khắp nơi, không ai là không biết. Kết quả là Lưu Bị sau này đã kế thừa long mạch của tông thất nhà Hán, trở thành ông vua khai quốc của triều Thục Hán.
Lưu Bị sinh ra ở Trác Châu và lớn lên cũng ở Trác Châu. Cũng chính tại nơi đây, tại vườn đào cách nhà Lưu Bị không xa, Lưu Bị đã quen biết với Quan Vũ và Trương Phi, những thuộc tướng xuất sắc nhất của mình đồng thời cũng là những người anh em kết nghĩa vô cùng thân thiết của mình. Đó là câu chuyện “kết nghĩa vườn đào” nổi tiếng trong cả lịch sử lẫn văn học Trung Quốc mà nhiều người đã biết.
Năm Trung Bình thứ 1, tức năm 184 sau Công Nguyên, triều đình nhà Hán thối nát tới cực độ, đời sống nhân dân lầm than đã dẫn tới cuộc khởi nghĩa nông dân do Trương Giác cầm đầu mà người ta vẫn gọi là khởi nghĩa Khăn Vàng. Đây chính là cơ hội mở ra cho Lưu Bị để ông ta có thể phấn đấu thay đổi hoàn cảnh và số phận mình.
Cùng với sự giúp sức của Quan Vũ và Trương Phi, Lưu Bị tập hợp binh lính thảo phạt quân khởi nghĩa Khăn Vàng mà lúc đó họ cho là giặc. Nhờ công trạng trong cuộc thảo phạt quân nổi dậy, Lưu Bị được phong làm Huyện Úy huyện An Hỷ. Bắt đầu từ đây, Lưu Bị bước lên con đường xây dựng đế nghiệp của mình.
1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm