Khám phá

Lý do cảnh sát nhiều nước vẫn sử dụng ngựa thay phương tiện cơ giới

Mỗi quốc gia đều cố gắng trang bị những thiết bị và công nghệ hiện đại nhất cho lực lượng cảnh sát, nhưng những chú ngựa vẫn luôn song hành cùng các sĩ quan mẫn cán. Tại sao lại như vậy.

Cá voi cho con bú sữa như thế nào? / Báo hoa mai tung mình hết cỡ, nhưng vẫn vồ hụt cò con

Một sĩ quan cảnh sát tuần tra trên lưng ngựa tại London (Anh).

So với các bậc tiền bối chỉ có chú ngựa trung thành và khẩu súng lục, các lực lượng cảnh sát giờ đây không chỉ sở hữu ô tô, bộ đàm, máy quay, mà còn vô số các thiết bị công nghệ hiện đại khác. Thậm chí, việc nâng cấp trang bị của lực lượng cảnh sát cũng là một trong những tiêu chí đua tranh giữa các quốc gia thời hiện đại.

Tuy nhiên, một thực tế thú vị là ở nhiều thành phố lớn rất phát triển, trong đó có cả New York, Berlin, London… vẫn xuất hiện những viên cảnh sát tuần tra đường phố trên lưng ngựa. Dĩ nhiên, họ có lý do đặc biệt để làm điều đó.

Kiểm soát đám đông

Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến các lực lượng tuần tra hiện đại vẫn duy trì đơn vị kỵ binh. Ngựa đem lại lợi thế lớn về chiều caovà dễ dàng di chuyển qua các đám đông hơn nhiều so với xe cơ giới. Vì vậy, khi ngồi trên lưng chúng, cảnh sát sẽ có tầm nhìn tốt hơn đáng kể, trong khi lại luôn cảm nhận rõ ràng tình huống xung quanh mình.

Với chiều cao vượt trội, ngựa giúp cảnh sát tuần tra có tầm nhìn tốt hơn nhiều so với khi ngồi trong ô tô.

Thực tế tác nghiệp cũng chứng minh, với sự hỗ trợ của những chú ngựa, các lực lượng tuần tra dễ dàng phân tán các đám đông, đặc biệt là những đám đông tụ tập gây ồn ào trong các dịp lễ hội, đá bóng…

 

Nhiều quốc gia có lượng“hooligan” đông đảo đãthường xuyên viện tới kỵ mã để phân tách các nhóm cổ động viên quá khích. Vóc dáng cao to của ngựa luôn khiến chúng có vai trò áp đảo. Tại Anh, chỉ cần 3-4 cảnh sát cưỡi ngựa là dễ dàng giải tán những đám đông mà hàng chục cảnh sát chống bạo động vũ trang đầy đủ cũng không làm được.

Sĩ quan kỵ binh trong trang bị chống bạo động.

Bất cứ ai đứng ở phía trước và bị ngựa xô tới đều có xu hướng “chấp hành”. Bản thân con người, cũng như nhiều loài sinh vật khác, đều mang bản năng e ngại những loài lớn hơn mình.

Bên cạnh đó, trong khi những kẻ quá khích thường không ngần ngại đập phá ô tô hay xe máy của lực lượng chức năng trong những cuộc bạo động, nhưng làm điều tương tự với một sinh vật cỡ lớn lại khiến họ e dè. Một chú ngựa bị kích động bản năng tự vệ có thể dễ dàng hạ gục ngay cả những người khỏe mạnh nhất.

Dễ dàng di chuyển

So với xe cơ giới, ngựa có thể di chuyển linh hoạt và dễ dàng trong các khu vực chật hẹp như chợ búa, ngõ ngách, vỉa hè đi bộ… Người dân cũng thường có xu hướng nhường đường cho loài vật thân thiện này. Mặt khác, “phương tiện” này cũng không gây ô nhiễm môi trường hay ồn ào, tắc đường, nên có thể sử dụng ở cả những khu vực đặc biệt.

 

Ngoài ra, ngựa còn có thể di chuyển rất hiệu quả ở những nơi mà ô tô không thể tiếp cận, như công viên, tòa nhà hay các địa hình xấu ngoài đường nhựa.

Tìm kiếm và cứu nạn

Thông thường, lực lượng cảnh sát cưỡi ngựa được huấn luyện đặc biệt cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn. Ngựa có thể mang được rất nhiều nhu yếu phẩm và có thể hỗ trợ tìm kiếm trong một thời gian dài, ngay cả trên những địa hình mà xe cảnh sát không thể tới được.

Ngựa có thể phù hợp cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở nhiều khu vực nhạy cảm mà những phương tiện cơ giới không nên xuất hiện.

Cải thiện khả năng quan sát

Với bất cứ viên sĩ quan cảnh sát nào, việc có được tầm nhìn rộng khắp để phát hiện những bất thường, nguy hiểm và ngăn chặn trước khi chuyện xấu xảy ra là hết sức quan trọng. Như đã đề cập ở trên, với chiều cao vượt trội, cảnh sát cưỡi ngựa có tầm nhìn tốt hơn nhiều so với khi anh ta ngồi trong ô tô, đặc biệt là trên những tuyến phố đông đúc.

 

Đám đông thường có xu hướng nhường đường cho những chú ngựa.

Ngược lại, khi những viên cảnh sát trở nên nổi bật giữa đám đông, bất cứ ai cần tới sự trợ giúp cũng dễ dàng xác định họ và chạy tới một cách nhanh chóng.

Cải thiện hình ảnh văn hóa và du lịch

Ở hầu hếtmọi quốc gia, ngựa luôn là một phần lịch sử. Việc trang bị cho lực lượng tuần tra loại phương tiện sinh học này sẽ giúp những đô thị cổ kính càng phát huy vẻ đẹp, đem lại nhiều lợi ích về du lịch và văn hóa.

Cảnh sát kỵ binh Canada diễu hành trên đường phố.

Tạo không khí thân thiện, gần gũi

Đây là một lợi thế khá nhạy cảm. Với nhiều người, những viên cảnh sát vũ trang tận răng di chuyển trên những chiếc “hộp sắt” gắn động cơ luôn tạo ra sự lạnh lùng.

 

Một bé gái vẫy chào lực lượng cảnh sát trên lưng ngựa tại Mỹ.

Trong khi đó, một chú ngựa sẽ tạo ra cảm giác thân thiện và gần gũi, thậm chí sinh ra mối kết nối cá nhân đầy thú vị. Ở nhiều thành phố, việc người dân hay khách du lịch vẫy chào những sĩ quan cảnh sát trên lưng ngựa là hình ảnh rất phổ biến.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm