Mặc dù là vua một nước bận trăm công nghìn việc nhưng do biết cách tổ chức, sắp xếp, giao cho các quan viên đại thần phụ trách nên Càn Long Đế cũng an nhàn hơn rất nhiều.
Tục ngữ có câu “Rượu là thuốc độc của gan, phong lưu, háo sắc là con dao sắc cắt gân, cưa xương con người”. Điều này muốn nói rằng, nếu một người quá phong lưu, háo sắc sẽ gây tổn hại tới thể chất, làm giảm tuổi thọ. Tuy nhiên, điều này có vẻ không đúng với Càn Long Đế - ông vua được mệnh danh là vị Hoàng đế phong lưu, háo sắc nhất nhì triều đại nhà Thanh. Bởi lẽ, Càn Long Đế là ông vua sống thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa khi qua đời ở tuổi 88.
Càn Long Đế: Vị Hoàng Đế phong lưu háo sắc
Càn Long là vị Hoàng đế phong lưu, háo sắc, đa tình trong lịch sử nên được hậu thế gọi là “Hoàng đế phong lưu”. Ông không chỉ có tam cung lục viện với hơn 40 bà vợ và hàng ngàn cung tần mỹ nữ mà trong dân gian còn có khá nhiều truyền thuyết về sự đa tình của ông.
Mặc dù tình cảm của Càn Long Đế với vị Hoàng hậu đầu tiên là Phú Sát thị rất mặn nồng, ân ái nhưng ông vẫn đò đưa, lét lút tư thông với em dâu vợ là Phú Sát phu nhân - vợ của Phó Hằng - khiến Phú Sát Hoàng hậu ôm hận mà chết. Hay trong những chuyến Nam tuần, Càn Long đều mang theo Hoàng hậu và các thê thiếp nhưng ông vẫn giở thói phong lưu với các ả kỹ nữ bên sông Tần Hoài. Việc này khiến Hoàng hậu thứ hai là Ô Lạt Na Lạp thị cũng khóc khô nước mắt và qua đời.
Đương thời, trong cung có một vị là Lệnh Phi Ngụy Giai thị, kém hoàng đế Càn Long tới 16 tuổi. Bà là một người thông minh, lanh lợi, rất hiểu đạo nghĩa vợ chồng nên đối với việc phong lưu của Càn Long, bà đều mắt nhắm mắt mở cho qua, khiến Càn Long rất thoải mái. Ấy vậy mà sau khi Kế Hoàng hậu thất sủng, bà lập tức được sắc phong lên làm Hoàng quý phi, cai quản lục cung.
Mặc dù tình cảm với Lệnh Phi mặn nồng là vậy nhưng sau khi có sự xuất hiện của Hương Phi, mỹ nữ xứ Tân Cương vào cung, Càn Long Đế lại nhanh chóng quên đi Lệnh Phi, chỉ chuyên tâm sủng ái Hương Phi. Thậm chí, Càn Long còn cho xây các công trình của người Hồi giáo ở trong cung, đón họ hàng thân thích của Hương Phi vào thành và thuê riêng đầu bếp người Hồi giáo đến phục vụ các món ăn.
Ngoài những mối tình sâu nặng với các phi tần trong cung, Càn Long Đế còn có nhiều mối tình nổi tiếng chốn dân gian và mối tình nào cũng sâu đậm, tha thiết. Nổi tiếng phong lưu là thế, Càn Long Đế vẫn “thọ ngang trời đất”, hưởng thọ 88 tuổi, cái độ tuổi mà ngay cả đến thời nay nhiều người phải ngưỡng mộ, mơ ước.
Bí quyết sống thọ của Càn Long Đế
Theo nhiều sử liệu ghi lại, sở dĩ Càn Long sống trường thọ là do cuộc sống tinh thần của ông rất thoải mái, lạc quan, rất biết cách hưởng thụ. Mặc dù là vua một nước với trăm công nghìn việc đổ lên đầu nhưng do biết cách tổ chức, sắp xếp, giao cho các quan viên đại thần phụ trách nên Càn Long Đế cũng an nhàn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, khi tại vị, Càn Long cùng tổ chức 6 lần Nam tuần phần là để thị sát dân tình, phần là để thưởng ngoạn cảnh sắc, thư giãn. Chính vì biết cách sống hưởng thụ như vậy nên tinh thần của Càn Long thường rất tốt.
Hơn nữa, Càn Long là một ông vua có lối sống rất khoa học, chịu rèn luyện thể lực lẫn trí lực. Mỗi ngày, Càn Long đều thức dậy và đi ngủ đúng giờ. Và dù có ăn chơi hưởng lạc cùng các phi tần, Càn Long cũng biết cách tiết chế để cơ thể không bị lao lực quá sức.
Bên cạnh đó, 3 thói quen đơn giản của Càn Long là hít thở sâu, luyện mắt 4 phương và đại tiện vào mỗi sáng cũng giúp ông có sức khỏe tốt. Càn Long không vội ngồi dậy mà nằm yên khoảng 5 phút rồi nghiêng mình sang bên trái và bên phải, cuối cùng nằm ngửa. Trong quá trình đó, mỗi kiểu nằm đều vươn vai kéo dãn sống lưng 3 lần, làm căng hoàn toàn các khớp xương.
Sau đó, ông mới đứng dậy, kiễng chân và tiến hành hít thở sâu 10 lần liên tiếp rồi mới thả lỏng cơ bắp và điều hòa cơ thể. Cuối cùng, ông đi ra khỏi phòng ngủ và há miệng thật to để thở ra hết những không khí “bẩn” ở trong cơ thể và hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai.
Về phương pháp luyện mắt bốn phương, khi Càn Long đang đứng ngoài trời, ông sẽ đứng thẳng, hai mắt nhìn về hướng Đông trước tiên. Sau đó khép hờ nửa mắt và quay về hướng Nam nhìn ra và tiếp tục làm như vậy với hướng Tây và cuối cùng là hướng Bắc. Về phương pháp cuối cùng, vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, Càn Long đều đi đại tiện để loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
Bên cạnh đó, thực đơn hàng ngày của Càn Long chủ yếu là rau củ quả tươi, ít ăn thịt cá và không ăn quá no. Càn Long còn có sở thích uống trà, nước uống hàng ngày đều sử dụng nước suối khoáng Tây Sơn và ông cũng noi gương tổ phụ Khang Hi không hút thuốc.
Ngoài những phương pháp trên, Càn Long còn thường xuyên luyện viết thư pháp. Trong khi đó, luyện thư pháp nhiều chính là rèn luyện sức khỏe, bởi khi luyện thư pháp, con người cần phải tập trung tư tưởng, tâm trí không xao động. Khi múa bút, tâm phải tĩnh, khí phải hòa, toàn tâm toàn ý vào nét bút, thư pháp có rất nhiều điểm tương đồng với luyện và điều hòa khí công nên việc này cũng góp phần kéo dài tuổi thọ của Càn Long.
Theo Phương An/Saostar