Lý giải thú vị: Người “cầm vía” lễ Mật là ai?
Mổ xẻ sai lầm chí mạng của Hitler khi xâm lược nước Anh / Sự ghê rợn từ nhà tù khủng khiếp nhất chiến tranh Việt Nam
Thường, người ta chỉ nhìn đôi trai gái cầm sinh thực khí đâm vào nhau, ít ai để ý đến người "cầm vía" cho lễ Mật (diễn ra tại đình Trò xóm Trám thuộc xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ) thành công. Vậy, người "cầm vía" lễ Mật là ai? Phải như thế nào và quan trọng hơn, họ nắm giữ bí quyết, thần chú gì ở vùng đất có thế "ngưu miên"?
Linh tinh thời cổ
Ông Nguyễn Thành Ngữ, 66 tuổi hiện là thủ từ của đình Trò nổi tiếng gần xa. Ông Ngữ bảo, bây giờ thì gọi đó là đình, chứ ngày xưa gọi là miễu hay điếm, điếm Trò là nơi cất giữ biểu tượng sinh dục nam và nữ. Cũng là nơi diễn ra lễ hội "linh tinh tình phộc" vào đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng hằng năm.
Ông Ngữ nói, lễ hội này nổi tiếng gần xa cũng vì chẳng đâu có. Nó vừa lạ vừa táo bạo lại rất linh thiêng nữa. Nhưng thời xưa, thì duy chỉ có người địa phương biết đến lễ hội này. Vì người nơi khác cứ nghĩ, đó là trò chơi vừa quái thai lại nhăng nhít.
Lễ hội "linh tinh tình phộc" cổ xưa cũng khác bây giờ nhiều lắm. Ông Ngữ kể, trước điếm Trò nằm trên một gò đất cao nhất của làng. Xung quanh có nhiều cây Trò nên đặt là điếm Trò. Bao quanh điếm Trò là rừng Trám nên đặt tên cho làng theo loài cây ấy. Các cụ xưa, cứ lấy tên đình và làng ghép lại thành Trò Trám.
Điếm Trò, nơi diễn ra lễ hội phồn thực độc đáo. |
Gia phả làng có lúc lại ghi là miễu Đụ Đị. Làng có lễ hội ấy nên nhà nào nhà nấy đông con đông cháu lắm. Không phải ngày xưa mới thế, bây giờ cũng vậy, may Nhà nước có chính sách kế hoạch hóa gia đình, nếu không thì...
Ông Ngữ nhắc lời tổ tiên kể rằng, lễ hội này có từ thời Hồng Bàng. Dã sử gọi thời này là thượng cổ Kinh Dương Vương với quốc hiệu Xích Quỷ. Nhiều chuyên gia khảo cổ cho rằng, lễ hội phồn thực của điếm Trò là cổ xưa nhất mang tính phi vật thể còn sót lại.
Đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng khi chủ lễ Mật hô bốn chữ "linh tinh tình phộc", tức thì nam thanh nữ tú được chọn cầm bộ phận sinh dục nam và nữ bằng gỗ đâm vào nhau. Nếu trúng thì năm ấy thuận hòa mưa nắng, nếu chệch đi thì y như rằng, vất vả cũng không đủ ăn.
Người "cầm vía" lễ Mật xưa ví như phù thủy, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Họ có khả năng bắt ma, xích quỷ lại chuyện trò được với thần thánh cõi âm. Nên mỗi thời, chỉ có một người "cầm vía" lễ Mật mà thôi.
Chủ lễ Mật làm nghi thức "linh tinh tình phộc" - ảnh nhân vật cung cấp. |
Người 30 năm "cầm vía"
Những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ, lễ hội phồn thực điếm Trò đi vào quên lãng. Ngôi đình cổ theo năm tháng mục nát, hai linh khí biểu trưng cho sinh thực khí nam nữ bằng gỗ quý cũng thất lạc mất. Mãi sau năm 1980, lễ hội mới được khôi phục.
Người làng bắt đầu đi tìm cho mình một người "cầm vía" lễ Mật. Nhưng xem ra khó, các cao niên thì người nhớ ít, kẻ nhớ nhiều những lời niệm chú nhưng đều không đạt. Bỗng dưng, trong lúc cả làng đang bế tắc thì ông Chử Bá Thơ năm ấy mới ở ngưỡng 50 tuổi tròn lại tự dưng hiểu biết sách cổ cùng những lời chú thần thánh. Nói theo cách của người theo đạo Thiên Chúa thì tự nhiên được ơn "thiên triệu", tức được gọi vào bậc tu trì phụng vụ.
Vậy là ông Thơ thành người "cầm vía" lễ Mật điếm Trò. Bây giờ, thì người "cầm vía" ấy đã lên chức cụ, tròn 85 tuổi. Nhoáng cái, đã 30 năm cụ Thơ ở ngôi phù thủy của làng. Những lễ nghi, câu chú đến diễn văn Hán Nho cụ đều thuộc làu.
Chiếc hòm đựng sinh thực khí nam nữ. |
Cụ Thơ kể, ngày trước chọn người cầm nõ - nường đêm lễ Mật thì phải là trai tân - gái trinh. Nhưng bây giờ, bọn trẻ hay ngượng không dám làm nên phải chọn người đã có gia đình.
Đêm lễ Mật, cụ Thơ phải bí mật làm những nghi thức mà chỉ người "cầm vía" mới được biết. Sau khi đọc diễn văn, những câu hát lạ lùng được xướng lên, người ta gọi là hát Nhấy Nhả: Ai làm cho vú em sưng, cho bụng em ỏng, cho lưng em gù/Tại vì cái bố thằng cu, đêm đêm nó chọc cái mu con rùa.
Sau màn đối đáp, chủ lễ Mật hô lớn: Linh tinh tình phộc, tức thì điện tắt và đôi trai gái cầm nõ - nường đâm vào nhau. Chủ lễ lại hô lớn ba lần: Tháo khoán, trai gái yêu nhau sẽ chọn cho mình bụi cây hay gốc trám để hòa mình cùng lễ hội phồn thực.
Cụ Thơ bảo, linh vật sinh vật khí nam nữ là bảo vật của điếm Trò. Mỗi năm, đến giờ thiêng thì chủ lễ mới được phép đưa ra cho mọi người chiêm ngưỡng. Sau lễ, chủ lễ lại cất vào một chiếc hòm được niêm phong cẩn thận.
Chiếc đàn giằngdùng trong điệu hát Nhấy Nhả. |
Đất trâu ngủ
Vùng đất xóm Trám vốn được mệnh danh là thế "ngưu miên". Cụ Thơ giải thích là thế đất trâu ngủ. Khi nào con trâu thức giấc thì cả làng sẽ giàu có, hưởng lộc không hết. Nhưng bao giờ trâu thức giấc lại là câu hỏi đến nay chưa có lời đáp.
Vùng đất Trám do cụ Ngô Quang Điện về khai phá. Địa phương từng ghi danh một thần đồng không học hành mà lại thành tài, đỗ tiến sĩ thời Lê. Đó là Nghè Giáp Nguyễn Quang Thành.
Ba mươi năm "cầm vía" lễ Mật, cụ Thơ khẳng định sự thật chắc như đinh đóng cột rằng: "Nếu năm nào nõ - nường đâm trúng nhau thì dân làng đều làm ăn phát đạt, mọi việc thuận hòa. Năm nào đâm chệch thì rất khó làm ăn, thất bát là chuyện khó tránh khỏi".
Việc này đã được chứng minh trong suốt những năm qua ở vùng đất "ngưu miên". Và ngay ở điếm Trò, người làng thi thoảng còn thấy đêm trăng suông có ba con vịt vàng, trong đó có một con vịt què đi trước sân đình. Ai cũng hò nhau đuổi con vịt què, nhưng vịt chui vào đình rồi biến mất.
Những chuyện liêu trai chí dị ở mảnh đất này thì nhiều vô kể. Cụ Thơ không dám kể vì phần nào mang tính dị đoan. Cụ bảo, những chuyện ấy không quan trọng nữa, vì vừa rồi một số chuyên gia đã về làng thu thập tư liệu, đệ trình Unesco công nhận lễ hội "linh tinh tình phộc" độc nhất vô nhị là văn hóa phi vật thể của nhân loại.
"Lễ Mật ở Tứ Xã là một điển hình của tín ngưỡng phồn thực. Tôi đã tìm hiểu về lễ hội "linh tinh tình phộc" cũng như tất cả các lễ hội thuộc tín ngưỡng phồn thực khác của thế giới và đưa ra so sánh. Từ lịch sử, sự độc đáo, ý nghĩa văn hóa tâm linh đến nghi thức thì ở điếm Trò xứng đáng ở ngôi vị độc tôn, không đâu có được".
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương
End of content
Không có tin nào tiếp theo