Khám phá

Màn khổ nhục kế trong nước cờ cuối đời của Lưu Bị: Vì đã nhìn thấu dã tâm Khổng Minh?

Câu chuyện Lưu Bị ủy thác con côi cho Khổng Minh ở thành Bạch Đế là một trong những giai thoại gây tranh cãi nhất thời Tam Quốc.

Liệu rằng đây có thực sự là tâm ý của Lưu Huyền Đức hay chỉ là nước cờ để ông “nắm thóp” Gia Cát Lượng?

Sau thất bại thê thảm trước Đông Ngô trong trận Di Lăng, Lưu Bị buộc phải lui về thành Bạch Đế và qua đời trong u sầu vào năm 223 sau công nguyên.

Trước lúc lâm chung, vị quân chủ này đã giao phó con trai Lưu Thiện cũng như tương lai Thục Hán vào tay Thừa tướng Gia Cát Lượng.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, lựa chọn trên của vị quân chủ họ Lưu đã bộc lộ triệt để sự cao minh của ông trong việc dùng người cũng như trọng dụng hiền tài.

Thế nhưng theo phân tích của tờ báo QQNews, việc Lưu Bị ủy thác cho Khổng Minh ở Bạch Đế thành thực chất lại là nước cờ cuối đời đầy tâm cơ và ẩn giấu một âm mưu lớn phía sau đó.

“Bạch Đế thành ủy thác con côi” – Di ngôn đầy ẩn ý của Lưu Bị

Câu chuyện Lưu Bị ủy thác con côi cho Gia Cát Lượng ở Bạch Đế thành là một trong những giai thoại gây tranh cãi nhất thời Tam Quốc. (Ảnh minh họa).

Về di ngôn của Lưu Huyền Đức ở thành Bạch Đế trước lúc qua đời, “Tam Quốc chí” có ghi lại việc ông viết chiếu thư giao việc phụ chính cho hai đại thần là Gia Cát Lượng cùng Lý Nghiêm.

Bên cạnh đó, sử liệu này cũng đề cập tới lời trăn trối mà Lưu Bị nhắn nhủ tới Lưu Thiện cùng Gia Cát Khổng Minh. Cụ thể, ông từng dặn dò Gia Cát Lượng:

“Tài Thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nước nhà, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể phò tá thì phò tá, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!”.

Trước câu nói này của quân chủ, Gia Cát Lượng một mực từ chối và thề sẽ trung thành tận tâm với Thái tử Lưu Thiện tới cùng.

Chưa dừng lại ở đó, khi dặn dò các con, đặc biệt là người kế vị Lưu Thiện, Tiên chủ Lưu Bị cũng nhấn mạnh:

 

“Phải cố gắng cộng sự với Thừa tướng, coi Thừa tướng như cha”.

Thế nhưng điều đáng nói còn nằm ở chỗ, người được giao quyền phụ chính và phò tá tân đế tương lai lại không chỉ có một mình Gia Cát Lượng mà còn có đại thần Lý Nghiêm với vai trò là “phó phụ chính”.

Cho tới ngày nay, di ngôn ủy thác của Lưu Bị tại Bạch Đế thành vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi đối với hậu thế.

Liệu rằng đây có phải là những lời được Lưu Bị nói ra từ tâm can hay chỉ đơn thuần là một nước cờ nhằm “dọn đường” lên ngôi cho con trai Lưu Thiện và áp chế quyền lực của Khổng Minh?

Sự thật về người con được Lưu Bị ủy thác: Không hề bất tài vô dụng mà là cao thủ ẩn nhẫn chờ thời?

 

Có ý kiến cho rằng, Lưu Bị biết Lưu Thiện năng lực có hạn nên mới ủy thác con trai và tương lai Thục Hán vào tay nhân tài xuất chúng Gia Cát Lượng. (Ảnh minh họa).

Do ảnh hưởng từ tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, Hậu chủ Lưu Thiện thường bị nhiều người coi là một hoàng đế nhu nhược, vô năng. Thậm chí đã từng có một thời, tiểu tự A Đẩu của ông thường để chỉ những đứa trẻ kém cỏi và còn thay thế cho tính từ “thiểu năng”.

Thế nhưng không ít ý kiến cho rằng, Lưu Thiện không hề bất tài vô dụng như nhiều người vẫn tưởng. Ngược lại, ông còn là một người rất thông minh, biết che giấu tài năng của mình để ẩn nhẫn chờ thời.

Thực tế, Lưu Thiện được kế vị khi đã 17 tuổi. Vào thời cổ đại lúc bấy giờ, độ tuổi của ông đã có thể xem là trưởng thành và đủ khả năng để đảm đương trách nhiệm.

Thế nhưng vì nghe theo di ngôn ủy thác của cha, Lưu Thiện vẫn luôn một mực cung kính và đa phần luôn thuận theo Gia Cát Lượng.

Thái độ này thực chất có thể giúp ông tránh được nhiều tai họa và phiền phức không cần thiết, bởi giang sơn Thục Hán dẫu sao cũng có một phần công lao không nhỏ của Khổng Minh, hơn nữa di ngôn ủy thác của vua cha cũng đã căn dặn rõ ràng về điều đó.

 

Tuy nhiên sự nghe lời của Lưu Thiện không chứng minh ông là một người bất tài, vô năng. Bằng chứng là ngay sau khi Khổng Minh qua đời, vị Hoàng đế trẻ này đã lập tức bãi bỏ chế độ Thừa tướng.

Điều đáng nói hơn cả là sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện vẫn tiếp tục tại vị và lãnh đạo nhà Thục Hán trong suốt 3 thập kỷ.

Chính việc trụ vững trên ngai vàng trong suốt mấy thập niên đã cho thấy, Lưu Thiện không phải là người “thiểu năng” như hậu thế vẫn tưởng tượng.

Và rất có thể cha ông là Lưu Bị hiểu rõ điều này hơn ai hết, vì vậy nên mới an tâm giao phó Lưu Thiện cho Khổng Minh, đồng thời còn khảng khái nói ra một câu:

“Đối với con trẫm, nếu có thể phò tá thì phò tá, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!”.

 

Màn khổ nhục kế trong nước cờ cuối đời giúp Lưu Bị “nắm thóp” Khổng Minh

Nếu màn ủy thác ở thành Bạch Đế quả thực là một nước cờ của Lưu Bị, thì Khổng Minh chính là quân cờ bị vị quân chủ này thao túng. (Ảnh minh họa).

Theo lý giải của QQNews, di ngôn của Lưu Bị ở Bạch Đế Thành thực chất còn mang mục đích áp chế quyền lực và đề phòng dã tâm của một nhân vật khác. Đó chính là Gia Cát Khổng Minh.

Tờ báo này cho rằng, sở dĩ Khổng Minh được Lưu Bị ủy thác con trai là bởi vị quân chủ này từ sớm đã lo ngại về thực lực cũng như danh tiếng của Ngọa Long tiên sinh.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Lưu Huyền Đức không tín nhiệm Gia Cát Lượng.

Thế nhưng ở vào tình thế lúc bấy giờ, quyền lực và uy tín của Khổng Minh càng lúc càng lớn, dù ông không có dã tâm soán mưu đoạt vị thì cũng khó tránh khỏi việc bị kẻ khác giựt dây, khích tướng.

 

Vì để có thể giữ lại giang sơn cho hoàng tộc họ Lưu, Lưu Bị buộc phải tiến hành nước cờ này, hơn nữa còn dùng chiêu “khổ nhục kế” để tránh Gia Cát Lượng đi theo con đường của Tào Tháo năm xưa.

Do đó, việc ông tùy ý cho Khổng Minh quyền tự lập làm vua thực chất chỉ là một đòn tâm lý nhằm thử lòng vị công thần này. Và không ngoài dự liệu của Lưu Huyền Đức, Gia Cát Lượng sau đó đã thề sẽ trung thành phò tá Lưu Thiện cả đời.

Sau màn diễn “khổ nhục kế” để thử lòng Khổng Minh, Lưu Bị cuối cùng cũng có được lời thề trung thành từ vị Thừa tướng này. (Ảnh minh họa).

Cao tay hơn cả chính là việc Lưu Bị dặn dò con mình phải coi Khổng Minh như cha. Với chiêu bài đó, nếu Ngọa Long tiên sinh sau này quả thực có soán ngôi đoạt vị hay trở thành quyền thần thì sẽ không tránh khỏi kết cục bị người đời chế giễu, sử sách cười chê.

Không chỉ vậy, Lưu Bị còn đặc biệt dặn dò để đại thần Lý Nghiêm làm phó phụ chính trên danh nghĩa trợ lực cho Gia Cát Lượng phò tá Lưu Thiện. Đây thực chất là sắp đặt của vị tiên chủ họ Lưu nhằm giám sát và áp chế quyền lực của Ngọa Long tiên sinh.

Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, nhờ có sự phò tá từ Khổng Minh, Lưu Thiện sau đó đã thuận lợi kế vị, nội bộ Thục Hán cũng không phải đối mặt với những biến động quá lớn sau cái chết của Tiên chủ Lưu Bị.

 

Nếu nhưng suy luận trên đây là sự thật, thì di ngôn ủy thác ở thành Bạch Đế có thể xem là nước cờ cuối đời đầy cao minh và thâm sâu của Lưu Bị, mà người trở thành quân cờ chịu sự sắp đặt ấy lại chính là Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng.

Thế nhưng hết thảy những giả thiết đó vẫn chỉ được xem là các suy đoán từ phía hậu thế, còn sự thật phía sau di ngôn năm nào từ lâu đã trở thành một bí mật theo cổ nhân lùi sâu vào dĩ vãng…

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo