Mèo nhà không hề “dễ dãi”: Chúng có thể được thuần hóa muộn hơn nhiều so với chúng ta từng nghĩ
CLIP: Lỡ dại đi săn nhím, trăn boa quằn quại trong đau đớn vì bị lông kẻ thù đâm / CLIP: Rắn đuôi chuông kịch độc bị hạ gục bởi "sát thủ" rắn lục trong cuộc chạm trán định mệnh
Trong khi chúng ta vẫn âu yếm coi mèo là những người bạn đồng hành dễ thương, hai nghiên cứu cách đây chưa lâu đang "lật đổ" toàn bộ suy nghĩ quen thuộc về quá trình thuần hóa loài vật huyền bí này.
Theo hai công trình khoa học được công bố trên trang bioRxiv, mèo nhà hiện đại (Felis catus) nhiều khả năng không phải được thuần hóa từ thời Đồ Đá Mới ở Trung Đông như giả thuyết lâu nay. Thay vào đó, chúng xuất hiện muộn hơn, bắt nguồn từ Ai Cập hoặc một khu vực khác thuộc Bắc Phi và phải mất hàng nghìn năm sau mới đặt chân đến châu Âu.
Hai nghiên cứu mới cho thấy quá trình thuần hóa mèo diễn ra muộn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Giả thuyết truyền thống cho rằng mèo được thuần hóa khi con người bắt đầu canh tác tại vùng Levant, nơi chuột bọ hoành hành và mèo tự nhiên trở thành “trợ thủ diệt chuột”. Bằng chứng là một ngôi mộ cách đây 10.000 năm ở đảo Síp chôn cất mèo cạnh người.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã xét nghiệm gene từ các mẫu xương mèo cổ đại tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có niên đại từ 11.000 đến 2.300 năm trước và phát hiện chúng không liên quan trực tiếp đến mèo nhà hiện nay. Đó chỉ là mèo rừng châu Âu (Felis silvestris) lai tự nhiên với mèo rừng châu Phi, chứ chưa hề được thuần hóa.
“Những con mèo này có thể bị săn bắt để lấy thịt, làm da lông hoặc phục vụ nghi lễ,” Marco De Martino, nhà cổ di truyền học tại Đại học Rome Tor Vergata, chia sẻ với Live Science. Ông cũng là tác giả chính của nghiên cứu đầu tiên.
Nếu không phải vùng Levant, vậy mèo nhà đến từ đâu?
Câu trả lời dường như nằm ở châu Phi, nơi mà nghiên cứu gene cho thấy sự tương đồng cao nhất giữa mèo nhà hiện đại và mèo rừng châu Phi tại Tunisia. Trong khi chưa có dữ liệu di truyền từ xác ướp mèo Ai Cập, các nhà khoa học vẫn nghiêng về giả thuyết rằng chính Ai Cập mới là cái nôi của loài mèo nhà.
Tại đây, từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, mèo đã hiện diện rõ nét trong đời sống người dân. Chúng không chỉ sống trong nhà mà còn là biểu tượng tôn giáo được thờ phụng như hiện thân của nữ thần Bastet, vị thần bảo hộ cho sự sống, sức khỏe và gia đình. Hình ảnh mèo xuất hiện dày đặc trong tranh vẽ, tượng và đặc biệt là hàng loạt xác ướp mèo được phát hiện tại các di tích thờ tự.
Một giả thuyết đặc biệt cho rằng người Ai Cập đã nhân giống mèo để tạo ra nguồn cung phục vụ nhu cầu ướp xác trong nghi lễ tôn giáo và quá trình đó có thể đã vô tình kích hoạt sự thuần hóa.
Khi thương mại phát triển, mèo theo chân người Ai Cập di chuyển dần lên phía bắc. Những mẫu mèo cổ ở Anh có từ thời kỳ đồ sắt cho thấy một làn sóng đầu tiên của mèo du nhập vào châu Âu. Nhưng phải đến thời kỳ Hy Lạp và La Mã cổ đại, mèo mới thực sự phổ biến ở lục địa này.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn thận trọng: Chưa có dữ liệu gene đầy đủ từ mèo cổ Ai Cập để khẳng định chắc chắn. "Chúng tôi tin rằng Ai Cập là nơi khởi nguồn của mèo nhà dựa trên bằng chứng khảo cổ và hình tượng, nhưng vẫn thiếu dữ liệu di truyền để xác nhận điều đó," De Martino lưu ý.
Nhà sinh học tiến hóa Jonathan Losos – tác giả cuốn The Cat’s Meow – đồng tình rằng khi dữ liệu gene từ Ai Cập được bổ sung, nó có thể củng cố mạnh mẽ giả thuyết “mèo đến từ Ai Cập”.
Cho đến khi các mẫu gene còn thiếu được phân tích đầy đủ, lịch sử của loài vật được nuông chiều bậc nhất này vẫn là một bí ẩn hấp dẫn. Nhưng một điều rõ ràng: mèo không chỉ đơn giản đến với con người vì đói bụng mà là kết quả của hàng nghìn năm tương tác văn hóa, tôn giáo, thương mại và cả... sở thích nuôi thú cưng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Lỡ dại đi săn nhím, trăn boa quằn quại trong đau đớn vì bị lông kẻ thù đâm
CLIP: Cặp đại bàng đen châu Phi "song kiếm hợp bích" trong cuộc đi săn chuột đá
Loài cá sa mạc hiếm nhất thế giới, sống sót ở ‘thung lũng chết’ 60.000 năm: Chỉ còn hơn 30 con
Hoa màu đen rất hiếm: Thế giới chỉ có 8 loại, bạn có biết đó là những loài nào không?
Phát hiện tàu ngầm Mỹ mất tích hơn 100 năm trong tình trạng “gần như nguyên vẹn” ngoài khơi San Diego
CLIP: Bị sư tử ngoạm cổ, chó hoang châu Phi vẫn thoát chết ngoạn mục nhờ tài diễn xuất