Khám phá

Mocha Dick: Chú cá voi huyền thoại

Tiểu thuyết Moby Dick (bản dịch tiếng Việt: Cá voi trắng) xuất bản lần đầu năm 1851 của nhà văn Mỹ Herman Melville, thường được xem là một kiệt tác trong kho tàng văn học thế giới. Nhưng ít người biết, chú cá voi bí ẩn và hung dữ này đã được xây dựng dựa trên một nguyên mẫu có thật.

Cá mập sống gần núi lửa dưới đại dương có 'giác quan thứ sáu' / CLIP: Ngựa vằn thoát chết ngoạn mục dưới hàm răng sắc nhọn của hai con cá sấu

Hình vẽ khắc họa đảo Isla Mocha trong cuốn sách về chuyến phiêu lưu của chàng cướp biển Joris van Spilbergen người Hà Lan.
Hình vẽ khắc họa đảo Isla Mocha trong cuốn sách về chuyến phiêu lưu của chàng cướp biển Joris van Spilbergen người Hà Lan.

Nằm cách bờ biển Chile khoảng 30 km về phía Tây, có một hòn đảo nhỏ giống hình giọt nước mang tên Mocha. Đây là nơi sinh sống của người thổ dân Mapuche. Hòn đảo này đã từng rất nổi tiếng trong giới thủy thủ, nhất là hải tặc và thuyền viên trên các tàu lùng (privateer) – tàu do tư nhân sở hữu, được chính phủ ủy thác đi bắt tàu buôn địch và chia chác lợi nhuận theo tỷ lệ. Họ thường sử dụng nơi đây làm căn cứ hậu cần, trao đổi thép và nhiều loại hàng hóa với người bản địa để lấy gia súc, ngô, khoai tây, … Phần lớn tàu lùng của Anh và Hà Lan đều dừng lại ở đây để tiếp tế và nghỉ ngơi ngắn, trước khi nhổ neo ra Thái Bình Dương và cướp phá các tàu, cảng, khu định cư, … của người Tây Ban Nha trên đường đi.

Và cũng chính tại vùng biển này đã xuất hiện con cá voi bạch tạng Mocha Dick – được gọi theo tên của hòn đảo. Kể từ khi phát hiện ra nó lần đầu vào năm 1810, giới săn cá voi Anh Quốc và Nam Mỹ đã ngày càng quen thuộc với Mocha Dick. Con cá nhà táng khổng lồ này đã từng rất hiền lành và thân thiện, đôi khi còn bơi theo những con tàu được chế tạo để bắt giết đồng loại của nó. Nhưng một khi đã bị chọc giận, Mocha Dick sẽ trở nên cực kỳ hung dữ và sẵn sàng đáp trả tới cùng, gây thiệt hại, thậm chí còn đánh chìm nhiều tàu (thuyền) săn cá voi.

Sức mạnh của Mocha Dick cùng nỗi kinh hoàng mà nó tạo ra đã khiến ngay cả những thuyền trưởng [tàu săn cá voi] lão luyện nhất cũng phải khiếp sợ. “Mọi thứ về nó dần trở thành chủ đề trao đổi của người đi biển khi họ gặp nhau trên Thái Bình Dương,” nhà thám hiểm Jeremiah N Reynold (người Mỹ) đã viết như vậy trên tạp chí The Knickerbocker (năm 1839). “Có tin gì của Mocha Dick không?”, đó là câu cửa miệng của người săn cá voi tại cảng.

Reynold đã miêu tả Mocha Dick như một hiện tượng thiên nhiên kỳ dị: Toàn thân nó trắng như len và phủ đầy những con barnacle (một loại hà, hay bám trên các vách đá biển); trên lưng nhô ra không dưới hai mươi chiếc lao móc – dấu ấn rỉ sét của vô số cuộc chạm trán dữ dội với các tàu săn cá voi. Chưa hết, cách mà nó phun nước cũng thật đặc biệt: “Thay vì chếch lỗ mũi theo góc nghiêng về phía trước và thở dốc, co giật ngắn, kèm theo tiếng khịt mũi như đặc điểm thường thấy ở loài cá nhà táng, nó lại phun trực tiếp nước từ mũi lên cao, theo phương thẳng đứng, với lượng ngày càng nhiều, đều đặn và cách quãng. Sức đẩy cực mạnh từ phổi của nó đã tạo nên một tiếng gầm không ngớt, giống như âm thanh do hơi bốc lên từ van an toàn của động cơ hơi nước.”

 

Sự nguy hiểm của nghề săn cá voi, tranh của họa sĩ F. A. Olmstead (năm 1841).
Sự nguy hiểm của nghề săn cá voi, tranh của họa sĩ F. A. Olmstead (năm 1841).

Nhưng cuối cùng, Mocha Dick cũng bị thợ săn giết chết vào năm 1838. Kết quả đo cho thấy xác của nó dài tới 70 feet (21 m). Theo lời kể của các nhân chứng, trong suốt 28 năm, Mocha Dick đã chạm chán hơn 100 lần với những tàu săn cá voi, giết chết khoảng 30 người, làm hư hại và đánh đắm không dưới 20 tàu, …

Tuy nhiên, Mocha Dick không phải là con cá voi trắng duy nhất trên đại dương, và cũng chưa hẳn là hung tợn nhất. Trên thực tế, tàu thuyền đi biển thường được cảnh báo nhiều về sự nguy hiểm của loài cá nhà táng lớn. Năm 1820, một con cá voi khổng lồ, dài tới 85 feet (gần 26 m) đã tấn công và làm đắm tàu săn cá voi Essex. Thủy thủ đoàn đã bị kẹt lại trên ba chiếc thuyền nhỏ lênh đên trên biển, cách đất liền cả ngàn dặm. Từng người trong số họ lần lượt đói lả, mất nước và chết, cho đến khi được giải cứu (sau hơn 3 tháng) thì chỉ còn lại 8 trên tổng số 20 thành viên ban đầu. Đau lòng hơn, 7 người đã từ bỏ mạng sống để đồng đội ăn xác họ cầm hơi. Đó là ví dụ về nỗi gian truân cùng cực và sự tuyệt vọng, nhưng cũng bởi con người đã cả gan chọc giận thiên nhiên.

Khi nghe chuyện, nhà văn Herman Melville đã tới tìm gặp thuyền trưởng – một trong số 8 người sống sót của tàu Essex, và được truyền cảm hứng để viết nên cuốn tiểu thuyết kinh điển Moby Dick, với nhiều chi tiết hư cấu đan xen hiện thực từ chính trải nghiệm kinh hoàng của những người thủy thủ. Chú cá voi Moby Dick, vì thế cũng chính là phiên bản tiểu thuyết của Mocha Dick.

 

Tiểu thuyết Moby Dick của nhà văn Herman Melville. Ảnh: Kobo.
Tiểu thuyết Moby Dick của nhà văn Herman Melville. Ảnh: Kobo.

Truyền thuyết về Mocha Dick hiện vẫn tiếp tục được lưu truyền bởi cư dân trên đảo Mocha. Trong thần thoại của người Mapuche, cứ mỗi tối lại có bốn người phụ nữ lớn tuổi bị biến thành cá voi; những con cá – được gọi là trempulcahue (tiếng bản địa), sẽ đưa linh hồn người chết đến với “Ngill chenmaywe” (nơi tụ tập), rồi từ đó các linh hồn sẽ bắt đầu hành trình đi về phương Tây (miền cực lạc). Nhiều người tin rằng Mocha chính là Ngill chenmaywe.

Ngày nay, khoảng một nửa diện tích đảo đang nằm trong diện cần được bảo vệ đặc biệt, theo chương trình Bảo tồn quốc gia. Do thưa thớt người, quần thể chim trên đảo có điều kiện phát triển rất mạnh, bên cạnh những cánh rừng nguyên sinh tươi tốt. Ngoài ra, vùng biển xung quanh đảo cũng ghi nhận từng xảy ra nhiều vụ đắm tàu trong lịch sử.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm