Khám phá

Mối tình Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh lên truyện tranh

Tác phẩm Cánh hoa trôi giữa hoàng triều của tác giả Tuyết Tuyết đang 'làm mưa làm gió' trong cộng đồng đam mê truyện tranh. Không chỉ chọn đề tài lịch sử để sáng tác mà cô còn dấn thân vào sự nghiệp vẽ truyện tranh màu.

Nghi gian lận thi cử, Vua Minh Mạng thẳng tay đánh trượt “thần đồng” / Ngắm xác ướp “công chúa mỉm cười” quyến rũ nhất thế giới

* Tại sao bạn lại chọn đề tài lịch sử để làm nội dung sáng tác truyện tranh?

- Họa sĩ Tuyết Tuyết: Thực ra Cánh hoa trôi giữa hoàng triều mình sáng tác lúc đầu là để tham dự cuộc thi TGUM 7 và cuộc thi đó có chủ đề là lịch sử. Mình vẽ chương một và không ngờ được rằng phản ứng của mọi người khá tốt, thế là mình quyết định vẽ truyện tiếp. Nên nói đúng ra, thì là mình không phải chọn đề tài lịch sử mà đó là yêu cầu sáng tác mới đúng. Thật may mắn là đề tài này lại rất có ý nghĩa!
Tác phẩm Cánh hoa trôi giữa hoàng triều kể về mối tình giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng và cuộc soán ngôi của nhà Trần. Tác phẩm này từng tham gia cuộc thi Thế giới ước mơ lần 7 do Comicola tổ chức vàgiành được giải khuyến khích.




*Lý do nào bạn lại chọn mối tình của Chiêu Hoàng và Trần Cảnh?Tôi thật sự thắc mắc là bạn sẽ diễn tả như thế nào về việc Chiêu Hoàng bị Trần Cảnh ép gả cho Lê Phụ Trần, một viên tướng từng cứu mạng ông, cũng là câu chuyện có thật trong lịch sử?

- Mình chọn mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh vì từ hồi học lịch sử mình quá ấn tượng với mối tình này. Chắc cũng phải cảm ơn giáo viên lịch sử của mình vì ngoài việc nói về các sự kiện khô khan, cô còn kể thêm các câu chuyện thâm cung bí sử bên lề. Lúc mới đầu được nghe mình đã thấy quá sức kinh ngạc, quá sức ly kỳ, ấn tượng đến không thể quên được, nên khi nghĩ về đề tài lịch sử là óc bật ra ngay chuyện tình này. Phần sau về việc Lý Chiêu Hoàng bị Trần Cảnh ép gả cho Lê Phụ Trần, nó sẽ thế nào thì chắc các bạn độc giả phải chờ đợi thôi, mình sẽ không tiết lộ đâu. Bí mật!
Mối tình Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh lên truyện tranh - ảnh 1
Lý Chiêu Hoàng được khắc họa qua nét vẽ của tác giả Tuyết Tuyết. Bà chính là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Ảnh: NVCC
* Khi làm truyện có liên quan đến lịch sử bạn có sợ bị mọi người phản ứng nếu làm không đúng với sự thật hay không?

- Sợ chứ. Vì bản thân mình muốn tôn trọng lịch sử hết sức có thể, mình không muốn làm truyện hời hợt kiểu giả tưởng thôi. Mình đã tìm hiểu rất nhiều, đọc nhiều tư liệu, cũng đã đi hỏi các cao nhân về lịch sử. Mình đã cố gắng hết sức mình, làm đúng nhất với sự thật có thể khảo cứu rồi, nên nếu độc giả nào cảm thấy mình làm "không đúng" thì hãy coi đây như là "truyện" thôi nhé.
* Lựa chọn yếu tố lịch sử có phải là cách để bạn tạo sức hút cho tác phẩm của mình hay không?

- Điều này thì như mình đã nói từ ban đầu, yếu tố lịch sử không phải yếu tố mình cố tình lựa chọn mà là chủ đề ban đầu của cuộc thi. Lựa chọn nó như con dao hai lưỡi vậy. Đúng là yếu tố lịch sử chưa được nhiều truyện tranh khai thác, nó có thể gây nhiều hứng thú cho đọc giả, nhưng khi dùng nó thì cũng đòi hỏi phải có hiểu biết về lịch sử, phải tìm hiểu rất nhiều, nếu làm không đúng, hời hợt sẽ khiến đọc giả quay lưng ngay.
* Tại sao bạn lại chọn giai đoạn cuối đời Lý đầu đời Trần mà không phải là một giai đoạn nào khác?

- Tất cả làdo mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh diễn ra vào thời kỳ này. Một mối tình chứa quá nhiều sự kiện và biến động, từng diễn biến trong cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng gắn với từng đổi thay của thời đại, một cuộc hôn nhân làm sự chuyển tiếp giữa hai triều đại to lớn bậc nhất trong lịch sử. Với mình thì không phải "giai đoạn lịch sử nào" mà là "câu chuyện nào ở giai đoạn lịch sử" ấy gây cảm hứng với mình.
Mối tình Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh lên truyện tranh - ảnh 2
Một trang trong tác phẩm Cánh hoa trôi giữa hoàng triều.Ảnh: NVCC

* Cánh hoa trôi giữa hoàng triều dự định sẽ có bao nhiêu tập và phát hành trong thời gian bao lâu?

- Cái này cũng khó nói trước nhưng tôi ước chừng khoảng 7-8 tập, còn thời gian thì mục tiêu của mình là trong 3 năm.
* Tác phẩm Cánh hoa trôi giữa hoàng triều của bạn là một trong số ít các tác phẩm truyện tranh tại Việt Nam được vẽ màu? Việc sáng tác truyện tranh màu có khó khăn gì hay không?

-Cũng có khó khăn đó, mình vốn chỉ vẽ truyện truyền thống đen trắng thôi nên lúc anh Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Comicola (cộng đồng truyện tranh lớn nhất Việt Nam) nói về việc sẽ vẽ màu thì mình vô cùng lo lắng và bảo sẽ không thể vẽ được. Lúc ấy anh Dương cho mình xem truyện màu của chị Teddy Bear và của Chucky, mình nói chắc phải học hỏi trực tiếp thì may ra mình mới vẽ được. Cuộc nói chuyện ấy diễn ra vào buổi trưa hôm trước thì trưa hôm sau mình đã được anh Dương cho vào TP.HCM để học hỏi kinh nghiệm. Chị Teddy và Chucky đã chỉ dạy vô cùng nhiệt tình và nhờ thế mà đã có Cánh hoa trôi giữa hoàng triều phiên bản màu.
* Nghề làm hoạ sĩ truyện tranh có gì thú vị và vì sao bạn lại bén duyên với nghề này?

- Nó là mơ ước của mình từ hồi còn bé, từ hồi đọc truyện tranh Nhật Bản, mình đã luôn muốn vẽ được các câu chuyện như vậy rồi. Nghề này làm vất vả lắm, ngồi vẽ rất lâu, nhưng khi sáng tác được câu chuyện của mình khiến cho người đọc buồn, vui, giận, hờn vì chuyện của mình, khiến cho người đọc nhận ra nhiều điều trong cuộc sống thì đó là niềm hạnh phúc vô cùng. Hồi trước mình tính không làm nghề này, thế rồi vì làm Cánh hoa trôi giữa hoàng triều -câu chuyện được nhiều người yêu thích, mình lại quyết định vẽ tiếp nó và theo nghề vẽ truyện tranh. Mình từng đi vẽ game, làm nhân viên văn phòng, còn định bỏ nghề là hồi ấy mình học năm thứ 4 Đại học Kiến trúc, và mình suýt làm kiến trúc sư nếu không tham dự cuộc thi Thế giới ước mơ 7.
Lý Chiêu Hoàng (1218 - 1278), bà là con gái của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà lên ngôi khi mới 6 tuổi và là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Năm 1225, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông), chấm dứt 216 năm cai trị của nhà Lý.

Theo Thanh niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm