Khám phá

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona

Mưa đá – một hiện tượng tự nhiên cực đoan đe dọa tới cuộc sống người dân toàn cầu – càng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với viên đá có hình dạng virus Corona.

Nghịch lý lông hổ màu cam nổi bật nhưng lại giúp chúng dễ săn mồi / Những phát hiện kỳ lạ nhất dưới đáy đại dương

1. Mưa đá là gì và các loại

Mưa đá là hiện tượng mưa bao gồm các hạt nước đá ở dạng rắn với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau được hình thành từ các đám mây giông. Tuy chỉ xảy ra trong khoảng thời gian từ vài phút tới vài chục phút kèm theo mưa rào, hiện tượng mưa đá có thể dẫn đến nhiều thiệt hại nặng nề như làm chết cây cối, hoa màu, phá hủy nhà cửa, ô tô hoặc thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng con người và động vật.

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 1.

Mưa đá là một dạng thời tiết cực đoan (Ảnh minh họa)

Thông thường, dạng thời tiết cực đoan này xảy ra ở các khu vực vùng núi, giáp biển hoặc giáp núi, và ít xuất hiện tại khu vực đồng bằng. Tại Việt Nam, hiện tượng mưa đá có thể bắt gặp ở các vùng miền, đặc biệt, đối với các tỉnh miền bắc, mưa thường diễn ra nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 1 – tháng 5 gây ra bởi sự tràn xuống nhanh của luồng không khí lạnh.

Dựa theo kích thước của các viên "nước đá", hiện tượng này được chia thành 2 loại: mưa đá nhỏ và mưa đá. Trong đó, mưa đá nhỏ bao gồm các hạt băng trong suốt hình cầu, hình nón rơi từ các đám mây với kích thước lớn hơn hoặc bằng 5mm. Nếu các hạt nước đá trong suốt, hoặc đục một phần hoặc toàn phần với đường kính 5 – 50mm rơi, trường hợp này được xếp vào loại mưa đá. Dạng thứ 2 của mưa đá sẽ có tính chất nguy hiểm hơn khi chúng rơi rời rạc hoặc kết thành màn.

2. Mưa đá hình Corona kỳ lạ tại Trung Quốc, Mexico

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với toàn nhân loại, và hình ảnh của virus Corona dàn trải trên mọi mặt báo và phương tiện truyền thông, một cơn mưa đá hết sức kỳ lạ đã diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 6/2020. Điều khiến nhiều người hoảng hốt là những viên đá rơi từ trên trời xuống lại có hình thù giống với virus Corona.

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 2.

Hình ảnh viên đã với hình thù kỳ thú xuất hiện tại Bắc Kinh (Ảnh minh họa)

 

Hiện tượng chấn động này diễn ra trong hoàn cảnh Bắc Kinh đang phải đón nhận một đợt bùng phát dịch bệnh mạnh mẽ bắt nguồn từ một khu chợ thực phẩm lớn trong thành phố. Các nhà chức trách thành phố đã phải đưa hơn nửa triệu người dân Bắc Kinh vào tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt giống như Vũ Hán từng làm.

Khi hiện tượng mưa đá khó hiểu này xảy ra tại thủ đô Trung Quốc, nhiều người dân đã đổ xô chụp ảnh lại những viên đá có gai trông giống với virus Corona và lan truyền rộng rãi trên các trang mạng, khiến nhiều người trên thế giới sốc và không thể tin vào mắt mình.

"Sự trùng hợp ngẫu nhiên này phải chăng là một điềm báo tương lai?", nhiều người đã liên tục đặt ra những câu hỏi như vậy sau khi chứng kiến những bức ảnh.

Bên cạnh trận mưa đá ở Trung Quốc, sự việc tương tự cũng xảy ra tại Mexico vào một tháng trước đó, làm dấy lên tin đồn rằng hiện tượng kỳ lạ này là sự sắp xếp của Chúa. Chứng kiến tận mắt sự việc này tại bang Nuevo Leon, miền Bắc Mexico, nhiều người nhanh chóng đăng tải trên mạng xã hội và giải thích rằng "Chúa đang nhắc nhở chúng ta phải đứng yên một chỗ", thậm chí một số người còn để lại bình luận "thông điệp tuyệt vời từ người tạo ra chúng ta".

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 4.

Hình ảnh mưa đá có hình thù Virus Corona tại Mexico (Ảnh minh họa)

 

Trận mưa đá kỳ lạ này xảy ra vào tháng 5/2020 khi Mexico ghi nhận con số 54.346 người nhiễm COVID-19 và 5.666 trường hợp tử vong.

3. Những trận mưa đá đáng sợ và kỳ lạ

Được xem là cơn thịnh nộ của thiên nhiên, mưa đá đã nhiều lần khiến con người giật mình và hoảng sợ bởi nó không còn là một cơn mưa đá bình thường. Cùng điểm qua một số trận mưa đá đáng sợ và kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người.

Mưa đá ở Nam Dakota, Hoa Kỳ (2010) - Đây là cơn mưa đã mang đến viên đá được xác lập kỷ lục lớn nhất thế giới với đường kính lên tới 20,3 cm, theo ghi nhận của Ban Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).

Viên đá có chu vi 47.3 cm và nặng 0,88 kg này đã tạo ra một hố va chạm khoảng 25cm trên mặt đất, qua đó khiến nhiều người hoảng hốt và ví nó như một quả bóng chuyền rơi từ trên trời xuống.

Mưa đá Bangladesh (1986) – Trận mưa đá nghiêm trọng này đã được các nhà chức trách xác nhận về viên đá nặng nhất thế giới – 1kg. Kinh khủng hơn, 92 người đã thiệt mạng do trận mưa đá đáng sợ này.

 

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 5.

Hình ảnh mưa đá tại Bangladesh (1986) (Nguồn: earthquakepredict.com)

Mưa đá Ấn Độ (1888) – con số 246 người chết cùng 1600 gia sức và cừu trong trận mưa lịch sử tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ đã khiến nhân loại có cái nhìn dè chừng hơn về hiện tượng mưa đá. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, những hạt mưa đá lớn như "quả trứng ngỗng, quả cam và quả bóng cricket" liên tiếp trút xuống nơi đây và gây ra những tổn thất kinh hoàng như trên.

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 6.

Trận mưa đá lịch sử tại Ấn Độ đã lấy đi 246 mạng người (Nguồn: Barcroft)

Trận mưa đá ở Việt Nam (2021) – Vào tháng 8/2021, Sài Gòn ghi nhận trận mưa đá với kích thước hạt dao động khoảng 1- 3cm. Đây được xem là một điều khá bất thường và trái quy luật tại đây khi thông thường mưa đá sẽ xuất hiện vào tháng 5 – tháng 6 hoặc tháng 10. Ngoài Sài Gòn, tại khoảng thời gian đó, Đồng Nai cũng ghi nhận có mưa đá xảy ra.

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 7.

Mưa đá bất thường tại Sài Gòn (Ảnh minh họa)

 

4. Tại sao có mưa đá?

"Quá trình hình thành mưa đá" chính là vấn đề thường gặp nhất khi bàn luận về hiện tượng thời tiết này, vì thế cùng tìm hiểu quá trình hình thành mưa đá để hiểu rõ hơn về hiện tượng này.

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 8.

Cách mưa đá hình thành (Nguồn: BOMcalendar)

Mưa đá được hình thành dựa trên sự bất ổn định không khí khi luồng khí lạnh và luồng khí nóng gặp nhau. Cụ thể, khi hơi nước bốc hơi lên, các luồng giông bão sẽ cuốn chúng hướng lên trên các vùng cực lạnh của khí quyển và tụ lại thành những hạt băng nhỏ. Các luồng không khí không ngừng bốc hơi lên trên và đem theo một lượng lớn các giọt nước lạnh ở tầng mây thấp lên tầng trên của mây và đóng kết với các hạt băng đang tồn tại tại đây.

Nếu chúng đóng băng ngay lập tức sau khi va chạm, nước đá sẽ vẩn đục do các bọt khí bị giữ lại ở lớp băng mới hình thành. Tuy nhiên, nếu nước đóng băng từ từ, các bọt khí có thể thoát ra ngoài thì hạt băng được hình thành sẽ trong suốt. Trong quá trình va chạm và đóng kết, thể tích của các hạt nước đá tăng dần và sẽ rơi xuống khi đạt được khối lượng lớn hoặc luồng gió bão yếu đi.

Trong quá trình rơi xuống, thể tích của các hạt nước đá có thể lớn hơn nếu các lớp "áo nước" – được hình thành do tác động của các luồng hơi nước bốc hơi lúc mạnh lúc yếu – va chạm và dính chặt với nhau. Đây có thể là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao hạt mưa đá có nhiều hình dạng và kích thước.

 

5. Ảnh hưởng và cách phòng tránh

Là một loại hình thời tiết cực đoan có tính chất nguy hiểm, mưa đá chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng hoặc nhỏ hoặc lớn tới thiên thiên và đời sống con người. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, con người đã và đang áp dụng nhiều cách thức để dự đoán trước mưa đá để có những biện pháp phòng tránh hiệu quả.

5.1. Ảnh hưởng của mưa đá

Được đóng băng thành những viên đá dạng rắn và rơi xuống cùng với mưa rào, mưa đá có vận tốc rơi trong khí quyển khá lớn. Phụ thuộc vào trọng lượng và kích thước, vận tốc rơi của các viên đá dao động trong khoảng 30 – 60m/s, thậm chí lên tới 90m/s. Với vận tốc như vậy, khi rơi xuống thảm thực vật hoặc đồ vật, chúng có thể để lại dấu vết và tạo nên tiếng ồn.

Tuy chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn – vài phút, hiện tượng mưa đá có thể hủy hoại cây cối, gây mất mùa, làm ảnh hưởng tới các công trình kiến trúc và xây dựng, phương tiện giao thông, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dân và gia súc. Không dừng lại ở đó, vấn đề an toàn trong các hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt dịch vụ hàng không dân dụng, cũng bị đe dọa.

 

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 10.

Mưa đá có thể phá hủy vụ mùa (Nguồn: PTI)

Tại Việt Nam – đất nước phát triển mạnh về nông nghiệp, mưa đá càng là một vấn đề nan giải và đáng lo đối với cả chính phủ và người dân khi chúng hầu như năm nào cũng xảy ra. Tây Nguyên chính là một trong những vùng ghi nhận nhiều trận mưa đá nhất cả nước. Diễn ra nhiều nhất vào thời gian chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa, hiện tượng mưa đá đã làm nền kinh tế nơi đây vì ảnh hưởng nặng nề khi làm thiệt hại các loại cây trồng có giá trị như cây ăn trái, hoa, cà phê, bông vải, tiêu,… Do đó, các biện pháp phòng tránh mưa đá đã và đang là vấn đề cấp bách.

5.2. Làm thế nào để phòng tránh mưa đá

Để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại, cần phải dự đoán được thời điểm mưa đá diễn ra. Việc xác định chính xác vị trí và thời điểm xảy ra là việc hoàn toàn khó. Đối với các nước công nghệ phát triển, người ta sẽ sử dụng phương pháp phân tích bản đồ thời tiết, ảnh mây vệ tinh nhân tạo và sóng vô tuyến phản hồi của ra-đa để có thể đưa ra dự đoán chuẩn xác.

 

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 11.

Mưa đá hiện vẫn là vấn đề nan giải đối với chính phủ và người dân (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đối với đa phần các nước, trong đó có Việt Nam, việc dự đoán được dựa trên kinh nghiệm. Cụ thể, khi trời nổi giông với những đám mây đen "ùn ùn" kéo tới phủ tối cả bầu trời với hình dạng bầu vú, sau đó gió nổi mạnh tạo ra những tiếng "ù ù" liên tục, người dân cần cảnh giác với mưa đá. Đặc biệt, nếu sau đó mưa rào bắt đầu rúc rích vài hạt, và nhanh chóng mang tới không khí có phần lạnh hơn so với bình thường, rất có thể mưa đá sắp xảy đến.

Các biện pháp phòng tránh mưa đá cũng là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Trong trường hợp đang di chuyển ngoài trời, bạn cần nhanh chóng đội mũ bảo hiểm hoặc bất kỳ thứ gì cứng cáp để bảo vệ đầu mình khỏi cơn mưa đá, đồng thời tìm cho bản thân nơi trú ẩn và thông báo cho mọi người về khu vực xảy ra mưa đá. Trong trường hợp mưa lớn, chúng ta nên tìm nơi trú ẩn an toàn như gầm bàn, hay gầm giường để bảo vệ tính mạng của bản thân.

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 12.

Cần tìm nơi trú ẩn ngay nếu đang đi trên đường (Ảnh minh họa)

Đối với nhà cửa, mọi người nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà cũng như gia cố lại cho chắc chắn. Đặc biệt, trong quá trình xây nhà, mái nhà nên được làm dốc xuống hai bên nhằm giảm tác động của hạt mưa đá, đồng thời nên sử dụng các vật liệu có khả năng chống chịu tốt với va đập.

 


Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 13.

Mái nhà dốc xuống hai bên giúp giảm thiệt hại do mưa đá (Ảnh minh họa)

Hoa màu và cây trồng là những thứ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mưa đá, nên cần có biện pháp bảo vệ kịp thời. Thông thường, người ta sẽ làm giàn che dọc theo các luống với hình dạng tam giác nhằm làm giảm tác động của mưa đá khi va chạm.

Mưa đá là gì, tại sao và bí ẩn của hiện tượng mưa đá hình Corona - Ảnh 14.

Cần có biện pháp bảo vệ cây trồng khỏi mưa đá (Ảnh minh họa)

Là một hiện tượng thời tiết cực đoan với nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thảm thực vật và đời sống con người và đặc biệt thường thấy tại Việt Nam, mưa đá hiện vẫn đang là vấn đề nan giải đối với chính phủ và người dân.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm