Khám phá

Muôn lý do động vật ăn thịt đồng loại

Ăn thịt đồng loại là hiện tượng không hiếm gặp trong thế giới động vật, nhưng lý do của hành vi này lại khác nhau ở mỗi loài, mỗi trường hợp.

Cả bầy sư tử sợ 'mất mật' tháo chạy / Đời buồn của 'vua sư tử' già nhất châu Phi

Ở cả trong tự nhiên và động vật thuần hóa, nuôi nhốt, những trường hợp ăn thịt đồng loại đều được ghi nhận, với các tình huống và lý do riêng biệt. Chủ yếu, hành vi này là cơ chế để kiểm soát quần thể, hay để đảm bảo sự đóng góp về mặt gen di truyền của một cá thể.

Thêm dinh dưỡng

Nhà nghiên cứu Leejiah Dorward thuộc Cao đẳng Imperial College London (Anh) ghi nhận trường hợp 2 con hà mã ăn xác của đồng loại ở Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi. Trong các báo khoa học, đây là trường hợp thứ hai được xác nhận ở loài hà mã, cho thấy loài ăn cỏ cũng có thể ăn xác thối, kể cả của đồng loại, khi thiếu hụt thức ăn hay một chất dinh dưỡng đặc biệt nào đó.

Đơn cử, ấu trùng của loài kỳ giông hổ có hai dạng. Dạng nhỏ hơn ăn các động vật thủy sinh không xương sống, trong khi loại lớn hơn ăn thịt các bạn đồng hành của mình. Loại thứ 2 có đầu to hơn, miệng rộng hơn và hàm dưới nhô ra. Răng của chúng có thể dài gấp 3 lần loại thứ nhất. Hiện tượng này xảy ra khi các ấu trùng không có mối quan hệ với nhau tập trung một chỗ. Các thử nghiệm cho thấy có vẻ là do những con cùng loài đem lại nguồn dinh dưỡng cao nhất.

Ấu trùng của kỳ giông hổ ăn đồng loại nhỏ hơn. Ảnh: Hokudai.

Ếch mía là một loài lưỡng cư khác lấy thêm dinh dưỡng qua việc ăn đồng loại. Khi được đưa lựa chọn giữa trứng ếch mía và các loại trứng trông giống vậy từ các loài ếch khác, nòng nọc của chúng thường thích ăn trứng của loài mình hơn. Trong trường hợp này, hành vi đó giúp chúng lớn nhanh và khỏe mạnh hơn, đồng thời giảm mức độ cạnh tranh trong tương lai.

Chúng cũng không an toàn sau khi đã thành ếch. Một nghiên cứu khác cho thấy những con ếch mía lớn hơn thường động đậy ngón giữa của chân sau, dụ đám nhỏ hơn đến gần để ăn thịt. Ở 28 con ếch mía được nghiên cứu, 64% thực đơn của chúng là đồng loại.

Việc ăn thịt những con nhỏ hơn cũng là hành vi phổ biến ở loài tôm gammarus duebeni, nhất là khi chúng bị nhiễm một loại ký sinh trùng điều khiển thần kinh có tên pleistophora mulleri. Đám ký sinh lấy thức ăn từ vật chủ, khiến con tôm ăn gấp đôi lượng đồng loại so với thông thường. Con tôm cũng chuyển màu trắng và trở nên lờ đờ, giống như xác sống.

Một loài khác có xu hướng ăn đồng loại là ký sinh cánh xoắn. Con cái - vốn không có mắt và chân - sống cả đời trong vật chủ như ong mật hoặc ong bò vẽ. Sau khi được thụ tinh, nó sẽ đẻ trứng "trong chính mình". Trứng sẽ nở bên trong người nó, rồi ăn dần cơ thể nó từ trong ra ngoài trước khi sang vật chủ tiếp theo.

Caecilian là loài lưỡng cư trông giống giun khổng lồ. Những con con có răng tạm thời, dùng để cắn và ăn da của mẹ chúng. Các mảng da này sẽ mọc lại và đám con lại ăn tiếp, cứ thế trong khoảng 3 tháng.

 

Những ấu trùng bướm khi nở ra và không có đủ thức ăn sẽ đánh chén mọi thứ, kể cả những quả trứng chứa anh chị em của mình. Với chúng, hành vi ăn đồng loại là kết quả của tình huống "nguồn thức ăn ít, mật độ quần thể cao".

Nhiều người hẳn đã nghe về việc nhện và bọ ngựa cái giết chết rồi ăn thịt bạn tình sau khi giao phối. Trên thực tế, điều này là do con cái cần nhiều năng lượng hơn so với môi trường có thể cung cấp. Con đực "hy sinh bản thân làm món ăn" để đổi lại việc được duy trì nòi giống.

Nhện góa phụ đen nổi tiếng vì hành vi ăn thịt bạn tình. Ảnh: Florida Times-Union.

Cạnh tranh và áp lực

 

Không phải lúc nào việc ăn thịt đồng loại cũng từ lý do sinh tồn, đơn cử như loài sư tử châu Phi. Alison Dunn, một nhà sinh học tiến hóa ở Đại học Leeds (Anh), cho biết khi một con sư tử đực trẻ tuổi giành đàn từ một con đực lớn tuổi hơn, nó sẽ giết chết và ăn thịt một số con con. Điều này là chiến lược để các con cái quay trở lại vòng sinh sản, để nó có thể giao phối với chúng và có hậu duệ của mình.

Hành vi ăn thịt diễn ra ở sư tử đực như một cách để đảm bảo gen di truyền của mình được truyền sang thế hệ sau. Ảnh: Wildexplain.

Năm 2014, một con gấu lợn tên Khali tại vườn thú quốc gia Mỹ đã ăn thịt hai con của mình. Con thứ ba được cứu trước khi chịu chung số phận và được nhân viên sở thú nuôi riêng.

Việc cá thể mẹ ăn thịt con có thể do áp lực, căng thẳng, do con non chết lúc mới sinh hoặc quá yếu ớt. Hành vi này cũng đem lại lợi ích cho con mẹ. Một nghiên cứu về rắn đuôi chuông đầu rìu tại Mexico cho thấy 68% những con mẹ sẽ ăn tất cả hoặc một phần đám rắn con đã chết để có thêm dinh dưỡng, phục hồi sau sinh và chuẩn bị cho đợt sinh sản kế tiếp.

 

Còn cá mập hổ cát thường mang thai khoảng 6-7 con con trong bụng, nhưng chỉ có 1-2 con ra đời. Con đầu tiên thoát ra khỏi bọc trứng sẽ ăn các anh chị em nhỏ hơn và bất cứ quả trứng nào trong bụng con mẹ.

Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng hành vi này cho phép cá mập con đủ lớn khi ra đời để giảm nguy cơ bị kẻ săn mồi ăn thịt. Về cơ bản, điều đó giúp chúng có khởi đầu tốt hơn.

Trước khi trở thành kẻ săn mồi đáng sợ, cá mập hổ cát con cũng là con mồi, và cần sự chuẩn bị tốt nhất. Ảnh: Wired.

Những con sao biển con cũng bắt đầu hành vi này sau khi lột xác từ ấu trùng khoảng 4 ngày. Chúng dùng một trong những dạ dày của mình để trùm lên, nuốt con nhỏ hơn vào và tiêu hóa. Đây có thể là một lợi thế về mặt thích nghi, nhất là khi sao biển cái đẻ 5-10 triệu trứng mỗi năm.

 

Việc ăn thịt đồng loại trong thế giới tự nhiên có vẻ thật kinh khủng. Tuy nhiên, những ví dụ trên cho thấy hành vi này có thể phù hợp với quá trình tiến hóa, dù là để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, tạo nguồn dinh dưỡng, hay đơn giản chỉ là để thoát khỏi cơn đói và sống sót.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm