Mỹ nhân đẹp ngang Điêu Thuyền, “đốn tim” cả 3 cha con Tào Tháo
Những Điêu Thuyền, Tiểu Kiều, Nhị Kiều… từ lâu đã đi vào tích truyện, điển cố văn chương, nghệ thuật Á Đông. Trong số đó có một mỹ nữ dù ít được người đời nhớ tên nhưng tài sắc lại được liệt vào hàng đầu thời Tam Quốc. Nàng là ai.
Bi kịch cuộc đời Tứ Đại Mỹ nhân Trung Quốc / Ẩn số binh pháp: Thủ quân 'vượt ải' 180 mỹ nhân, bộc lộ tài cầm quân thiên bẩm
Ai từng đọc pho tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng không thể quên cái tên Điêu Thuyền. Qua ngòi bút của La Quán Trung, Điêu Thuyền hiện lên lung linh như một trang giai nhân tuyệt sắc. Có thể quyến rũ cả Đổng Trác và Lã Bố rồi lại khiến hai cha con nuôi trở mặt thành thù, bản lĩnh của Điêu Thuyền cũng không nhỏ.
Tuy nhiên, có vẻ như càng về sau này, hậu thế lại nhớ đến Điêu Thuyền trong câu chuyện ly gián Đổng Trác – Lã Bố nhiều hơn là với tư cách một mỹ nhân. Đương nhiên nàng có công lớn, là mắt xích quan trọng nhất của “liên hoàn kế” mà Tư đồ Vương Doãn thực hiện. Nhưng người ta cũng nhìn vào tình huống đó mà… đề cao cảnh giác. Người đời vẫn lấy câu chuyện của Điêu Thuyền để tự răn mình và răn người: chớ để nữ sắc lung lạc mà hỏng đại sự.
Điêu Thuyền đúng là mỹ nữ nổi bật nhất trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Nhưng thực ra, các mỹ nhân khác cũng không hề kém cạnh. Hai chị em Tiểu Kiều, Đại Kiều của Giang Đông là một ví dụ, đều lọt vào mắt xanh của các anh hùng. Đại Kiều lấy Tôn Sách (chúa của Đông Ngô), còn Tiểu Kiều thì lấy Chu Du (đại đô đốc tài giỏi nhất Đông Ngô). Chưa kể, hai nàng Kiều ấy còn được một anh hùng nổi tiếng khác là Tào Tháo “chấm”.
Còn có một người đẹp vừa tài năng, vừa kiều diễm, dù chỉ xuất hiện rất ít nhưng có thân phận gắn liền với những biến cố lớn nhất của gia tộc họ Tào. Người chúng ta nhắc đến ở đây là Chân Mật (còn được gọi là Chân Lạc). Làm thế nào để từ một cô gái nơi thôn dã vùng Hà Bắc, Chân Mật trở thành vợ của Tào Phi, hoàng đế mở ra cơ nghiệp cho nhà Tào Ngụy?
Mỹ nữ Hà Bắc
Chân Mật (183 – 221), người Trung Sơn (nước Ngụy), nay là huyện Định Nguyên (tỉnh Hà Nam). Người đời thường truyền tụng nhau câu nói: “Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Mật tiếu” ý nói nếu vùng Giang Nam có Tiểu Kiều và Đại Kiều thì đất Hà Bắc có nàng Chân Mật, tài sắc đều thuộc hàng quốc sắc thiên hương.
Nàng vốn mồ côi cha sớm, từ khi mới 2 tuổi, thuở nhỏ được mẹ nuôi dưỡng chu đáo. Ngày còn nhỏ, mẹ Chân Mật đưa nàng tới gặp một thầy bói để bắt quẻ đoán vận. Thầy bói xem xong quẻ thì trầm ngâm, thủng thẳng buông một câu: “Mai này cô bé này ắt trở thành người tôn quý”. Chân Mật vốn ngoan ngoãn, hiền lành, từ nhỏ đã chăm nghề nữ công gia chánh, không màng đến chuyện thị phi, ong bướm.
Sau này, khi Chân Mật lớn lên cũng là lúc Viên Thiệu đã trở thành chúa của toàn bộ Hà Bắc. Nghe tiếng Chân Mật từ lâu, Viên Thiệu cho người đến dạm hỏi nàng cho con trai mình là Viên Hy. Sau này khi Viên Hy rời đi trấn thủ U Châu, Chân Mật không đi theo mà ở lại Nghiệp Thành chăm sóc mẹ chồng.
Hồng nhan bạc mệnh
Viên Thiệu và Tào Tháo sớm trở thành địch thủ lớn nhất của nhau ở miền bắc Trung Hoa lúc bấy giờ. Viên Thiệu binh đông, lương nhiều, giáp sĩ hàng trăm vạn, ngồi giữ 4 châu Ký, U, Tinh, Thanh. Tào Tháo binh ít hơn nhưng có tài mưu lược và kinh nghiệm chiến trận phong phú.
Năm 200, hai bên quyết chiến với nhau ở Quan Độ. Tào Tháo giành ưu thế, buộc Viên Thiệu phải rút lui về Hà Bắc. Sau đó 2 năm, Viên Thiệu vì sầu não mà chết. Tào Tháo truy kích tàn dư nhà họ Viên khắp vùng Hà Bắc. Năm 204, quân Tào đánh đến Nghiệp Thành, bắt giữ cả gia quyến họ Viên. Lúc này, Chân Mật và cả nhà họ Viên cũng đang ở trong thành Ký Châu. Sóng gió bắt đầu ập đến.
Chân Mật cũng là một mỹ nữ thời Tam Quốc. |
Tào Tháo nhìn qua dáng vẻ của Chân Mật, cứ tấm tắc khen mãi: “Thực xứng là con dâu họ Tào!”. Tào Phi cũng ép Chân Mật lấy mình. Lúc đó Phi 18 tuổi còn Chân Mật 22 tuổi. Sau khi lấy Tào Phi, Chân Mật sinh hạ một trai, một gái. Người con trai tên là Tào Tuấn (tức Tào Duệ), sau này chính là người được Tào Phi chọn nối nghiệp hoàng đế.
Xưa nay, “hồng nhan bạc mệnh” vẫn là chuyện thường không tránh khỏi. Chân Mật dù xinh đẹp, tài giỏi nhưng suốt đời gặp sóng gió. Tuổi trẻ phải xa chồng (Viên Hy), rồi lưu lạc, bị ép duyên. Sau khi lấy Tào Phi rồi, Chân Mật cũng chỉ hưởng được phúc phận ngắn ngủi. Khi lửa ái tình đã tắt, cơn say qua đi, Tào Phi trở nên ghẻ lạnh với bà. Chân Mật hơn Tào Phi 4 tuổi, nhan sắc tất có phần tàn phai. Tào Phi quay sang sủng ái các phi tần khác mà bỏ mặc bà.
Tào Phi sủng ái một người phi tên là Quách Nữ Vương. Quách thị muốn đoạt ngôi hoàng hậu của Chân Mật nên ra sức buông lời gièm pha với Tào Phi và tìm cách hãm hại bà. Quách thị cho người lén bỏ bùa vào phòng Chân Mật rồi tâu với Tào Phi rằng bà dùng bùa để hại chồng. Tào Phi cho quân đến lục soát, phát hiện tượng gỗ đề tên mình đặt trong phòng bà. Chân Mật bị Tào Phi bức tử. Năm đó bà mới 38 tuổi. Sau khi chết, Chân Mật còn bị nhét cám vào miệng, để rũ tóc che kín mặt.
Mỹ nhân làm xiêu lòng 3 cha con họ Tào
Nếu Điêu Thuyền từng khiến cha con Đổng Trác, Lã Bố điêu đứng thì Chân Mật cũng khiến ba cha con Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực phải đứng ngồi không yên. Tào Tháo là người biết tiếng Chân Mật từ lâu, định bụng dẹp xong Viên Thiệu sẽ cho tìm nàng và cưới về làm ái thiếp. Tuy nhiên việc quân cấp bách, bộn bề, khi mới bình định được Hà Bắc, Tào Tháo còn chưa kịp nghĩ đến Chân Mật thì các con của ông đã… đi trước một bước.
Tào Phi dẫn 1.000 quân lập tức vào phủ họ Viên chiếm lấy Chân Mật trước tiên. Tào Tháo dù trong lòng có nuối tiếc nhưng cũng đành bấm bụng kén Chân Mật làm con dâu. Người đời còn lưu truyền câu chuyện giữa Tào Thực và Chân Mật rất lãng mạn.
Tào Thực vốn thầm yêu Chân Mật. Chân Mật vì bị Tào Phi lạnh nhạt nên trong tâm vô cùng khổ sở, cũng rất muốn có một tri kỷ, tri âm. Dù không nói ra nhưng cặp trai tài gái sắc ấy đã thầm cảm mến nhau. Tào Thực văn hay chữ tốt, tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, Chân Mật cũng có lòng yêu thi ca, cái đẹp. Hai tâm hồn dung hòa với nhau nhưng cũng chỉ biết trao gửi qua những cái nhìn lén, cuối mắt đầu ngài mà thôi.
Sau khi Chân Mật mất, Tào Thực viết “Lạc thần phú”. Có người cho rằng bài phú này là chính là Tào Thực ca tụng Chân Mật. Tương truyền, bình sinh Tào Thực không lúc nào nguôi nghĩ tới Chân Mật, ngay cả trong mơ cũng gặp nàng. Một hôm, Tào Thực mơ gặp Chân Mật ở bờ sông và được nàng tặng một chiếc gối. Khi tỉnh dậy, Tào Thực bồi hồi, xúc động, viết thành thơ.
Mối tình tuyệt vọng của Tào Thực và Chân Mật cũng đã gợi ra rất nhiều đề tài cho văn chương, nghệ thuật. Vốn là một mỹ nhân nổi tiếng nhất nhì thời Tam Quốc, Chân Mật lại có kết cục thực sự bi thương, một đời chịu truân chuyên, ghẻ lạnh, tìm được tri kỷ thì lại không tới được với nhau. Thật đúng như những gì Nguyễn Du đã từng viết cách đây mấy trăm năm: “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Theo kienthuc.net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?
Cột tin quảng cáo