Khám phá

Napoleon chết vì nước hoa?

Vào ngày 5/5/1821, trong thời gian bị lưu đày trên đảo St. Helena, cựu hoàng đế nước Pháp, Napoleon Bonaparte đã trút hơi thở cuối cùng.

Hoàng đế Napoleon – Thiên tài quân sự, đệ nhất si tình / Phía sau sự thật về lần 'tự sát hụt' của hoàng đế Napoleon

Đã có nhiều suy đoán về nguyên nhân cái chết của ông nhưng tất cả đều không có cơ sở vững chắc.

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày nhân vật lừng lẫy này qua đời, một nhà khoa học thuộc Đại học De Montfort ở Leicester (Vương quốc Anh) tuyên bố đã giải đáp được bí ẩn trên.

Napoleon Bonaparte, một thời lừng lẫy.

Napoleon Bonaparte, một thời lừng lẫy.

“Tín đồ” của nước hoa!

TS Parvez Haris, Giáo sư Khoa học Y sinh, thuộc ĐH De Montfort, Anh, khẳng định chính sở thích dùng nước hoa đã giết chết vị hoàng đế danh tiếng này. Theo ông, Napoléon tự đầu độc mình trong nhiều năm, bằng cách sử dụng nhiều và liên tục một loại nước hoa dành cho nam giới, tiềm ẩn các thành phần độc hại.

Tiến sĩ Haris giải thích: “Napoleon là người quảng bá tuyệt vời cho nước hoa. Ông đã mang theo rất nhiều chai trong các chiến dịch quân sự và công việc ngoại giao. Các tài liệu cho thấy, ông đã dùng từ hai đến ba chai mỗi ngày, trong khi đó ngay cả hiện nay, trung bình một người chỉ sử dụng một chai trong năm!”.

Vị hoàng đế của Pháp tin rằng, loại nước hoa mà ông yêu thích có thể bảo vệ ông khỏi bệnh tật và chết sớm. Ý tưởng này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng có thể có một số cơ sở cho niềm tin của ông ta.

 

Napoléon đã sử dụng loại nước hoa chứa một lượng lớn cồn, có tác dụng như một chất khử trùng. Điều này có thể giúp ông tránh được các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở những thuộc hạ tham gia trong các chiến dịch quân sự cùng với ông.

Nhiều người cho rằng, Napoléon không tin tưởng các bác sĩ. Hằng ngày, ông thích tắm rửa cơ thể bằng nước hoa dành cho đàn ông để giữ gìn sức khỏe và tăng cường sinh lực. Đôi khi ông cũng uống nó vì tin nước hoa có chứa các thành phần kỳ diệu, giúp trẻ mãi không già.

Với liều lượng hạn chế, loại nước hoa yêu thích của Napoléon có thể vô hại, hoặc thậm chí có một số tác dụng tích cực, như tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, kháng viêm, giảm lo lắng và hỗ trợ giấc ngủ bình yên, cùng một số lợi ích khác nữa. Nhưng khi dùng với số lượng đáng kể, nước hoa, vốn được bào chế từ tinh dầu hoa và một số loài thực vật, có thể trở nên độc hại.

Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng tinh dầu cao có thể gây mất cân bằng hormone nghiêm trọng, dẫn đến co giật, rụng tóc và ảnh hưởng đến sự phát triển vú ở nam giới. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều tinh dầu cũng có thể gây nguy cơ ung thư đường tiêu hóa (dạ dày).

Thực tế, có sự nhất trí cao giữa các nhà sử học, khi cho rằng Napoléon có thể đã chết vì ung thư dạ dày. Bác sĩ của Napoléon, Francois Carlo Antommarchi, người đầu tiên khám nghiệm tử thi bệnh nhân nổi tiếng nhất của mình, đã kết luận ung thư đường tiêu hóa là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của Napoléon. Một số nhà nghiên cứu hiện đại đã đồng ý với kết luận trên.

 

Công trình của Haris không mâu thuẫn hay bác bỏ phát hiện này, mà đi sâu hơn bằng cách xác định nguyên nhân gây ra bệnh ung thư của Napoleon.

Khu nhà ở Longwood, đảo St. Helena, nơi Napoleon sống kiếp lưu đày.

Chết vì sở thích hương thơm?

Một giả thuyết phổ biến cho rằng, Napoléon chết vì nhiễm độc thạch tín (arsenic). Điều này có nghĩa là ông ta đã bị đầu độc, thủ phạm rất có thể là các vệ binh Anh được giao nhiệm vụ giám sát cựu hoàng đế trong thời gian ông ta bị lưu đày trên đảo St. Helena.

Người Anh đã đánh bại và bắt giữ Napoléon tại Waterloo vào năm 1815, có thể họ không muốn nhân vật lẫy lừng này kéo dài sự sống.

Giả thuyết này không phải không có cơ sở. Các mẫu tóc được lấy từ Napoléon sau khi ông chết, qua xét nghiệm, cho thấy chúng chứa hàm lượng thạch tín cao. Theo những người thân cận với cựu hoàng, Napoléon đã trải qua các bệnh tật trước khi qua đời, giống với những triệu chứng liên quan đến nhiễm độc thạch tín.

 

Tuy nhiên, một nghiên cứu sau đó đã đánh đổ giả thuyết này. Các nhà khoa học qua phân tích các mẫu tóc bổ sung của Napoléon, được thu thập vào nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời ông, đã phát hiện hầu hết có hàm lượng thạch tín đáng ngại.

Chất này thường được sử dụng phổ biến trong các loại keo dán và thuốc nhuộm vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, khi Napoléon còn sống. Các nhà nghiên cứu cũng xét nghiệm các mẫu tóc lấy từ những cá nhân khác sống ở châu Âu vào thời điểm đó và thấy chúng cũng chứa hàm lượng thạch tín cao.

Sức khỏe của Napoléon có thể đã bị tổn hại do tiếp xúc với thạch tín trong suốt cuộc đời của ông, chứ không phải trong thời gian bị lưu đày. Do ông có sẵn thạch tín trong người, giả thuyết ông chết do bị đầu độc không đứng vững.

Theo GS Haris, do thiếu kiến thức y học thực tế, Napoléon đã sử dụng nhiều nước hoa hơn mức mà cơ thể ông có thể xử lý một cách an toàn.

Ông ta hít, hấp thụ qua da và thậm chí uống nó với một lượng lớn nên khó tránh khỏi một kết cục bi thảm. Nói cách khác chính Napoléon đã tự đầu độc mình một cách chậm rãi.

 

Tự tin đã khám phá nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Napoléon, TS Haris cho biết sẵn sàng trình bày công trình của mình trước tòa án, nếu được yêu cầu.

“Theo quan điểm của tôi, nước hoa là chất độc chính, mặc dù việc cùng tiếp xúc với các hóa chất khác, bao gồm cả thạch tín, cũng góp phần gây ra tình trạng suy giảm sức khỏe, dẫn đến cái chết của cựu hoàng đế vì ung thư dạ dày”, ông kết luận.

Nếu TS Haris đúng, điều đó có nghĩa là, Napoleon Bonaparte, một trong những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự nổi tiếng trong lịch sử thế giới đã tự hại mình với sở thích hương thơm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm