NASA: Nam Cực bất ngờ tăng băng dù Trái Đất tiếp tục nóng lên
Giới khoa học gần như đồng thuận: Người ngoài hành tinh có thể đang sống giữa vũ trụ bao la / Lính Mỹ tiết lộ từng chứng kiến công nghệ ngoài hành tinh giữa lòng căn cứ tuyệt mật
Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu liên tục đạt mức kỷ lục và băng biển Bắc Cực suy giảm mạnh, một tin tức trái ngược đến từ cực Nam Trái Đất: Nam Cực vừa trải qua ba năm liên tiếp gia tăng băng. Phát hiện này dựa trên dữ liệu vệ tinh của NASA do nhóm nghiên cứu tại Đại học Đồng Tế (Shanghai, Trung Quốc) phân tích, kéo dài hơn hai thập kỷ.
Ảnh minh họa.
Mặc dù xu hướng tổng thể kể từ năm 2002 là mất băng nhanh chóng, nghiên cứu mới công bố trên Science China Earth Sciences hôm 19/3 cho thấy, từ năm 2021 đến 2023, lớp băng Nam Cực đã phục hồi với tốc độ trung bình khoảng 119 tỷ tấn mỗi năm. Thậm chí, bốn sông băng ở phía Đông Nam Cực – từng mất băng với tốc độ cao – đã chuyển sang tăng khối lượng đáng kể.
Tuy nhiên, giới khoa học khẳng định đây không phải là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đã đảo chiều.
“Trong một khí hậu ấm hơn, không khí giữ được nhiều hơi ẩm hơn, làm tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như tuyết rơi dày. Chính hiện tượng này đã dẫn đến việc Nam Cực tạm thời tăng băng,” tiến sĩ Tom Slater, chuyên gia tại Đại học Northumbria (Anh), nhận định.
Theo nghiên cứu, lượng băng tăng thêm phần lớn đến từ một hiện tượng bất thường – lượng tuyết và mưa tăng đột ngột trong khu vực. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đủ bù đắp cho gần 20 năm mất băng nghiêm trọng trước đó. Từ năm 2002 đến 2020, Nam Cực mất khoảng 2.720 tỷ tấn băng, và tốc độ tan chảy tăng gấp đôi trong giai đoạn 2011–2020.
Biến đổi tạm thời, xu hướng dài hạn vẫn là mất băng
Mặc dù hiện tượng gia tăng băng gần đây gây chú ý, các nhà nghiên cứu cảnh báo nó có thể đã kết thúc vào đầu năm 2024. Dữ liệu năm 2025 cho thấy mức băng trở về tương đương năm 2020, ngay trước đợt tăng đột ngột.
“Hầu hết băng mất đi ở Nam Cực đến từ các sông băng đang trượt nhanh vào đại dương ấm hơn – và điều này vẫn tiếp diễn,” Slater nhấn mạnh. “Tuyết rơi nhiều chỉ tạm thời làm chậm lại quá trình này, chứ không ngăn được nó.”
Nam Cực là nơi chứa khối băng lớn nhất hành tinh, rộng hơn cả nước Mỹ, giữ tới 90% lượng nước ngọt toàn cầu. Bên cạnh đó, khu vực này còn được bao quanh bởi băng biển, vốn có tính chất mùa vụ – mở rộng vào mùa đông và thu hẹp vào mùa hè.
Thế giới vẫn đang nóng lên
Sự gia tăng băng ở Nam Cực không phủ nhận thực tế toàn cầu: Trái Đất đang nóng lên nhanh chóng. Trong khi Bắc Cực ấm lên gấp 4 lần tốc độ trung bình toàn cầu, Nam Cực vốn được xem là ổn định hơn – nhưng xu hướng này đang thay đổi.
Năm 2023, băng biển Nam Cực chạm mức thấp kỷ lục – một hiện tượng gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu. Trong khi đó, diện tích băng biển toàn cầu liên tục giảm, còn nhiệt độ toàn cầu liên tiếp phá vỡ kỷ lục.
Cam kết giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp) theo Thỏa thuận Paris năm 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Tháng 4/2025 là tháng thứ 21 trong 22 tháng gần nhất vượt qua giới hạn này, theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: HLV xiếc bị trăn siết cổ đến chết ngay giữa sân khấu trước hàng trăm khán giả
CLIP: Rắn hổ mang chúa 'khủng' trở nên hoảng loạn khi bị 'kẻ thù truyền kiếp' cắn nát đầu
CLIP: Đi săn lợn bướu, sư tử bị con mồi húc thủng bụng và cái kết bất ngờ
CLIP: Trâu rừng phản công bất ngờ khiến bầy sư tử hoảng loạn bỏ chạy, đánh rơi miếng mồi ngay trước mắt
CLIP: Linh miêu phi thân bắt gọn gà sao giữa không trung

Phát hiện sinh vật “không đầu, không chân” 444 triệu năm tuổi với cơ thể nguyên vẹn kỳ lạ hơn cả xác ướp