Khám phá

NASA phát hiện "mảnh vỡ hành tinh thứ 9" giữa Sao Hỏa và Sao Mộc?

DNVN - Một nghiên cứu mới của NASA hé lộ: Tiểu hành tinh Vesta có thể là tàn tích từ một hành tinh cổ xưa từng tồn tại trong hệ Mặt Trời sơ khai.

CLIP: Sai lầm của ngựa vằn mẹ khiến con non trở thành mồi ngon cho sư tử / CLIP: Linh dương đầu bò vừa vượt sông đã rơi vào nanh vuốt tử thần

Dựa trên dữ liệu thu thập bởi tàu vũ trụ Dawn, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực (JPL) của NASA vừa công bố những phát hiện gây sửng sốt về tiểu hành tinh Vesta một trong những vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Tàu vũ trụ Dawn của NASA và 2 vật thể mà nó nghiên cứu: Hành tinh lùn Ceres ở bên trái và tiểu hành tinh Vesta ở bên phải - Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Tàu vũ trụ Dawn của NASA và 2 vật thể mà nó nghiên cứu: Hành tinh lùn Ceres ở bên trái và tiểu hành tinh Vesta ở bên phải - Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Với đường kính lên tới 525 km, Vesta từ lâu đã thu hút sự chú ý bởi địa hình phức tạp và hố va chạm khổng lồ Rheasilvia. Nhưng điều khiến giới khoa học bối rối là: bên trong Vesta có thể hoàn toàn không có lõi hoặc lõi quá nhỏ so với dự đoán trước đó.

“Việc không phát hiện lõi là điều cực kỳ bất ngờ. Nó thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn nhận về Vesta,” PGS Seth Jacobson (Đại học Michigan, Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ với Universe Today.

Dựa trên các phân tích mới nhất về mật độ và cấu trúc bên trong, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Ryan Park dẫn đầu đã đưa ra hai kịch bản đầy kịch tính:

- Vesta là một "hành tinh thất bại"từng bắt đầu quá trình nóng chảy và biệt hóa nhưng bị gián đoạn đột ngột, để lại một lớp phủ bazan đặc trưng nhưng không đủ điều kiện hình thành lõi.

 

- Vesta chỉ là một mảnh vỡmột phần còn sót lại từ một hành tinh lớn hơn từng tồn tại trong hệ Mặt Trời nhưng đã bị phá hủy bởi các vụ va chạm dữ dội từ thuở bình minh vũ trụ. Kịch bản này hiện đang nhận được nhiều ủng hộ hơn.

Điều này cũng gợi nhớ đến giả thuyết về cú va chạm giữa Trái Đất và hành tinh Theia thời sơ khai sự kiện được cho là đã tạo ra Mặt Trăng.

“Bên trong của Vesta có thể không bao giờ biệt hóa hoàn toàn do quá trình bồi tụ muộn,” báo cáo nghiên cứu viết. Cũng chính vì lý do này, Vesta sở hữu bề mặt bazan rắn chắc điều hiếm thấy ở các tiểu hành tinh thông thường, vốn có bề mặt xốp và nhiều đá vụn.

Dù là lõi chưa hoàn chỉnh hay tàn tích của một thế giới bị hủy diệt, Vesta đang cung cấp những manh mối quý giá về lịch sử hình thành và tiến hóa đầy bạo lực của hệ Mặt Trời.

Phát hiện này không chỉ mở rộng hiểu biết về các tiểu hành tinh mà còn khiến các nhà thiên văn phải xem xét lại cách thức các hành tinh và cả những hành tinh đã biến mất từng hình thành trong vũ trụ bao la này.

 

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm