Khám phá

Nẻo về Trúc Lâm Yên Tử...

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều có 14 di tích gồm 7 lăng mộ các vị vua nhà Trần, 2 đền, miếu thờ các bậc tiên đế cùng 5 công trình kiến trúc tôn giáo phục vụ cho việc tu hành, giảng kinh Phật.

8 điểm đến hứa hẹn 'bùng nổ' du lịch sao Hoả trong tương lai / 7 thành phố thân thiện với khách du lịch nhất

Triều đại nhà Trần đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đặc sắc cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh) là quần thể kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng có giá trị đặc biệt với 14 lăng mộ, đền, chùa, am tháp trải rộng trên 4 xã An Sinh, Bình Khê, Thuỷ An và Tràng An.

Cụm di tích này còn có Am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài, nơi được Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đặc biệt sáng lập thiền phái Trúc lâm Yên Tử chọn làm nơi hóa Phật, kết thúc trọn vẹn hành trình tu đạo của của vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam.

neo ve truc lam yen tu... hinh anh 1
Phật Hoàng tháp, nơi chứa xá lị của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông - sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Vùng đất cổ Đông Triều xưa có tên gọi là An Sinh hay Yên Sinh. Đây là quê gốc nhà Trần trước khi dời đến Tức Mặc (Nam Định) và Long Hưng (Thái Bình). Không chỉ là quê gốc, nơi đây còn giữ vai trò là Trung tâm văn hóa, tín ngưỡng quan trọng thời nhà Trần. Nhiều chương trình khảo cổ học được thực hiện đã khai quật, làm rõ cấu trúc, quy mô, diện mạo và giá trị khảo cổ của khu di tích với dày đặc các chân đá tảng, đồ gốm men, vật liệu kiến trúc, tiền đồng... có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn.

Chị Nguyễn Thu Hiền, hướng dẫn viên Ban quản lý di tích đặc biệt Nhà Trần, nói:"Ở đền An Sinh, những chân tảng kê cột bằng đá nguyên khối được trưng bày theo 3 thời kỳ lịch sử là thời Trần, thời Lê và thời Nguyễn. Ở thời Trần các chân tảng này lớn nhất, kiến trúc đồ sộ, thể hiện sự quan tâm của hoàng gia nhà Trần vì nơi đây thờ các vị vua nhà Trần. Đến thời Lê Trung Hưng thì được trùng tu nhưng do điều kiện kinh tế lúc bấy giờ chỉ cho phép chân tảng kê cột khá khiêm tốn. Thời Nguyễn thì được trùng tu lần nữa và đền An Sinh được phục dựng trên nền cũ, các chân tảng được gia công thẩm mỹ và tinh tế hơn".

neo ve truc lam yen tu... hinh anh 2
Chân tảng kê cột bằng đá nguyên khối từ Trần tới thời Nguyễn được trưng bày tại đền An Sinh, thị xã Đông Triều.

Trở lại những năm cuối của thể kỷ XIII, quần thể kiến thúc văn hóa lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều được định hình rõ nét về mặt quy mô khi vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 của Nhà Trần (tên húy là Trần Khâm) đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là dòng thiền quy tụ, thống nhất những tinh hoa của ba dòng thiền có mặt ở nước ta trước đó (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường) trở thành nền tảng tư tưởng dẫn dắt tinh thần của người Việt Nam vững vàng trước làn sóng nô dịch văn hoá từ bên ngoài tràn tới, góp phần đáng kể bảo vệ nền độc lập, tự chủ của nước nhà.

Những câu thơ thể hiện tư tưởng, triết lý nhân sinh, hòa quang đồng trần, phật giáo nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông, tổ thiền Trúc Lâm Yên tử. Di sản lớn Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại là chất keo gắn kết, tạo nên sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến xây dựng và bảo vệ đất nước.

neo ve truc lam yen tu... hinh anh 3
Am - Chùa Ngọa Vân tọa lạc trên núi Bảo Đài, thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (cao hơn 500 mét so với mực nước biển)

neo ve truc lam yen tu... hinh anh 4
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều có 14 di tích gồm 7 lăng mộ các vị vua nhà Trần, 2 đền, miếu thờ các bậc tiên đế cùng 5 công trình kiến trúc tôn giáo phục vụ cho việc tu hành, giảng kinh Phật.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang đánh giá: Sau hơn 7 thế kỷ, tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn vẹn nguyên tính nhân văn và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước hôm nay:"Phật hoàng Trần Nhân Tông là người thống nhất các thiền phái khác nhau như là (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường) thành thiền phái Trúc Lâm tạo ra bệ đỡ tư tưởng cho triều đình cũng như toàn đất nước. Phật giáo muốn lan truyền tư tưởng hòa đồng nhân ái,cứu độ chúng sinh và sự thống nhất này có chữ dũng, chất anh hùng và Phật giáo Trúc lâm làm được điều đó... Phật giáo ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt, giúp cho giá trị đạo đức được củng cố và phát triển và tư tưởng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Việc này, tôi cho rằng Phật giáo Trúc Lâm đã làm rất tốt và còn giá trị cho tới bây giờ".

 

Am - chùa Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, thuộc xã Bình Khê (cao hơn 500 mét so với mực nước biển) là công trình có dấu ấn đặc biệt trong cụm 14 di tích quốc gia lịch sử nhà Trần tại thị xã Đông Triều. Hướng thẳng ra biển, quanh năm mây trắng bao phủ, Am - chùa Ngọa Vân không chỉ hội tụ vẻ đẹp mênh mang của cánh cung Đông Triều, của núi Bảo Đài mà còn linh thiêng bởi ngôi tháp Phật Hoàng chứa xá lợi của vị Tổ Thiền Trúc lâm Yên Tử.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết:"Nếu như tại Ấn Độ có tứ động tâm tức là 4 vị thánh tích, gắn liền với cuộc đời của đức phật Thích Ca Mâu Ni, trong đó có nơi đức phật Thích Ca Mâu Ni hóa phật là linh thiêng nhất thì ở Việt Nam, Ngọa Vân cũng được coi là nơi linh thiêng nhất vì được chứng kiến những giây phút nhập niết bàn và hóa Phật của Ngài. Khác với các di tích đã được trùng tu vào các giai đoạn sau này, Ngọa Vân và các di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần vẫn còn thống am tháp ở đây dày đặc và còn nguyên vẹn. Đặc biệt nơi đây giữ được nhiều di vật từ thời Trần như hộp hoa sen bằng vàng mới được tìm thấy trong năm 2019 và được công nhận là bảo vật Quốc gia".

neo ve truc lam yen tu... hinh anh 5
Thái lăng - lăng mộ của đức vua Trần Anh Tông và vợ Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu.

Thời gian qua, nhiều điểm trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều được tu bổ, tôn tạo như chùa Trung Tiết, Quỳnh Lâm và đặc biệt là chùa Thượng - Am Ngọa Vân... cùng với đó là những lễ hội truyền thống mà tiêu biểu là lễ hội xuân Ngọa Vân tổ chức vào 9/1 âm lịch. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban quản lý di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều đánh giá, công trình được quy hoạch lại toàn bộ với cảnh quan 3 phân khu: Bàn cờ tiên, Am tháp và khu phụ trợ hành lễ. Việc tu bổ tôn trọng hiện trạng địa hình và cảnh quan di tích.

"Cùng với đầu tư, tu bổ, tôn tạo, thông tin tuyên truyền, quảng bá, thị xã Đông Triều cũng quan tâm kết nối hệ thống giao thông, kết nối các khu di tích nhà Trần tại Đông Triều với các khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) và danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) để đưa các tour tuyến du lịch, các hãng lữ hành về với các khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều", ông Sơn nói.

Hơn 700 năm "cư trần lạc đạo", tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị - văn hóa - xã hội, góp phần huy động sức mạnh đoàn kết trong suốt diễn trình phát triển của dân tộc Việt Nam.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm