Nét độc đáo có một không hai của hội quán Ôn Lăng
Với kiến trúc độc đáo và lịch sử gần 300 năm, hội quán Ôn Lăng là địa điểm tham quan thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.
Cảnh sắc tuyệt vời của chùa Diệu Đế đất Cố đô / Chùa Báo Quốc, ngôi chùa có vai trò đặc biệt của Huế
Tọa lạc tại số 12 đường Lão Tử, quận 5, TP HCM, hội quán Ôn Lăng là một công trình tâm linh có lịch sử lâu đời của người Việt gốc Hoa vùng đất Chợ Lớn.
Theo các sử liệu, từ cuối thế kỷ 17, một nhóm người Hoa thuộc phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã di cư sang Việt Nam và định cư tại vùng Chợ Lớn. Để có nơi tín ngưỡng và chia sẻ, cộng đồng này đã góp công sức, tiền của xây lên một hội quán có tên là hội quán Ôn Lăng vào năm 1740, để thờ Thiên Hậu Thánh mẫu và nhiều vị thần theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa.
Sau này, hội quán thờ thêm Quan Âm bồ tát nên còn được gọi là chùa Quan Âm.
Hội quán Ôn Lăng được xây dựng trên khuôn viên rộng 1.800 m2, kiến trúc nội công ngoại quốc theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa với bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái ngói lợp ống, chân mái được viền bằng ngói xanh.
Nét đặc sắc trong kiến trúc hội quán là cách tạo hình và trang trí mái ngói mang đậm nét phong cách của người Phúc Kiến, với những bờ nóc uốn cong có gắn các mảng tượng gốm trang trí rất sinh động.
Đề tài các mảng trang trí này khá phong phú, gồm tượng người, tượng thú và tượng đồ vật, được làm thành từng nhóm để miêu tả cảnh sinh hoạt của người xưa hay minh họa cho các truyền thuyết, các điển tích cổ của Trung Quốc...
Một nét khác biệt của hội quán Ôn Lăng so với các hội quán khác là sân hội quán bị đường phố cắt ngang.
Ở phần đất nằm bên kia đường, người ta cho xây một hồ phóng sinh và đặt nhiều ghế đá làm nơi nghỉ chân cho khách thập phương.
Khu nhà của hội quán được xây cất theo bố cục hình chữ nhật, gồm tiền điện, trung điện, chính điện và hậu điện cùng các dãy nhà ngang rộng rãi, sáng sủa, thoáng mát. Nơi thờ tự chính gồm chính điện và hậu điện, cách nhau một sân thiên tỉnh (giếng trời).
Chính điện thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, phối tự hai bên tả hữu là Phước Đức chính thần (ông Bổn) và Bà chúa Thai Sinh.
Hậu điện có rất nhiều ban thờ, trong đó ban thờ trung tâm thờ Bồ Tát Quán Thế Âm.
Các ban thờ khác thờ Phật, La Hán, Quan Công, Tề Thiên Đại Thánh... cùng nhiều vị thần theo tín ngưỡng truyền thống của người Hoa.
Ngày nay, hội quán Ôn Lăng còn lưu giữ nhiều cổ vật giá trị như các bức phù điêu bằng gỗ chạm thếp vàng, bộ trống, đỉnh gang, lư hương thời Quang Tự (Nhà Thanh), quả chuông đúc năm 1825 cùng nhiều hoành phi và câu đối với nội dung ca ngợi công đức của thần và bày tỏ ước nguyện của con người.
Các lễ hội chính của hội quán Ôn Lăng là các lễ vía Quan Âm trong năm: 19/6 Âm lịch là lễ Vía chính, còn 19/2 Âm lịch và 19/11 Âm lịch là hai lễ Vía phụ.
Không chỉ là địa điểm tín ngưỡng của người dân địa phương, hội quán này còn là nơi tham quan thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.
Một số hình ảnh khác của hội quán Ôn Lăng.
Theo Quốc Lê/Kiến Thức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
Vàng đến từ đâu và được hình thành như thế nào?
Top 5 con ‘quái vật’ bí ẩn gây ám ảnh nhất cho người Việt Nam: Con thứ 2 hoàn toàn có thật trên đời!
Einstein là thiên tài nhưng tại sao con trai ông lại mắc bệnh tâm thần?
Người đàn ông thông minh nhất thế giới với chỉ số IQ 210 tuyên bố không ngờ về những gì xảy ra sau khi con người chết
Cột tin quảng cáo