Nếu được Trần Cung phò tá tới cùng, Tào Tháo liệu có đủ khả năng đánh bại Đổng Trác?
'Tan chảy' trước những bức ảnh xúc động về yêu thương / Những “kẻ ăn thịt” đáng sợ dưới đại dương xanh
Trần Cung (? – 199), tự Công Đài, từng là mưu sĩ nổi bật dưới trướng của Lã Bố vào đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Trên thực tế, năm xưa trước khi nương nhờ Lã Phụng Tiên, vị mưu sĩ họ Trần này từng có khoảng thời gian góp sức cho Tào Tháo trong buổi đầu gây dựng sự nghiệp.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" nói riêng, Trần Cung từng có ơn cứu mạng với Tào Tháo vào khoảng thời gian ông bị truy nã vì ám sát Đổng Trác thất bại.
Thế nhưng sau cùng, Trần Cung lại vì bất mãn trước cách hành xử của Tào Mạnh Đức nên quyết định rời đi.
Cũng theo diễn biến của diễn nghĩa, Tào Tháo đã tham gia liên minh các lộ chư hầu nhằm chinh phạt Đổng tặc, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà đã thu về thất bại nặng nề.
Có ý kiến cho rằng, với tài năng của Trần Cung năm xưa, nếu vị mưu sĩ ấy còn lưu lại dưới trướng, Tào Tháo có lẽ sẽ trở thành chư hầu hiếm hoi thành công đánh bại Đổng Trác. Sự nghiệp của vị quân chủ này cũng sẽ vì vậy mà được lịch sử viết lại theo một cách khác.
Tuy nhiên nếu giả thiết trên là sự thật, liệu rằng công cuộc chinh phạt của Tào Tháo có thực sự trở nên suôn sẻ hơn khi có sự góp sức của Trần Cung hay không?
Mối cơ duyên "đứt gánh giữa đường" của Trần Cung và Tào Tháo
Hình tượng nhân vật Trần Cung trong bộ phim Tân Tam Quốc. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Sử cũ ghi lại, Trần Cung xuất thân là người Đông Quận, thuộc đất Duyện Châu. Sinh thời, ông được đánh giá là người tráng liệt, cứng cỏi.
Trong chính sử, Trần Cung từ sớm đã gây dựng được tiếng tăm ngay từ khi còn trẻ. Bấy giờ, hầu hết kẻ sĩ nổi danh trong nước đều tìm đến kết giao cùng ông.
Khi loạn lạc xảy ra, Trần Cung đã bắt đầu đi theo Tào Tháo vào khoảng năm 190. Một trong những công lao nổi bật hơn cả của ông khi phụng sự cho vị quân chủ này chính là giúp Tào lấy được Duyện Châu bằng con đường giao thiệp. Đây có thể xem là bước đi chiến lược quan trọng cho sự nghiệp của Tào Tháo sau này.
Tuy nhiên sử liệu cũng ghi lại, Trần Cung năm xưa vì chứng kiến Tào Tháo thảm sát nhiều người vô tội ở Từ Châu nên đã sinh lòng thất vọng, từ đó rời bỏ họ Tào và sau này đi theo Lã Bố.
Vì bất mãn trước cách hành xử của Tào Tháo, Trần Cung sau đó đã quyết định đầu quân cho Lã Bố. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Còn theo tình tiết của tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", Trần Cung xuất thân là huyện lệnh Trung Mâu, từng bắt giam Tào Tháo khi ông đang trên đường trốn chạy sau khi ám sát Đổng Trác bất thành.
Sau một lần vào thăm và trò chuyện trong nhà lao, Trần Cung cảm phục tấm lòng tận tụy với nhà Hán của Tào Tháo, cũng khâm phục sự dũng cảm của ông khi dám đối đầu với Đổng tặc, từ đó liền treo ấn từ quan, đi theo Tào Mạnh Đức bôn tẩu.
Trên đường trốn chạy, Tào Tháo cùng Trần Cung có dịp nhận được sự giúp đỡ của người quen nhà họ Tào là Lã Bá Sa. Tuy nhiên Tào Mạnh Đức với bản tính đa nghi đã thâm căn cố đế, một mực nghi ngờ người nhà họ Lã có ý định ám sát mình.
Sau đó, Tào Tháo "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót" đã thẳng tay hạ sát toàn bộ nhà họ Lã. Trên đường rời đi, ông gặp Lã Bá Sa đang đi mua rượu trở về, liền vờ tiến đến chào hỏi rồi rút kiếm đâm chết.
Hành động dã man này của Tào Tháo đã khiến Trần Cung hoàn toàn vỡ mộng. Vì lòng tin tưởng bị đả kích nghiêm trọng, Trần Cung đã quyết định rời khỏi Tào Tháo.
Sau đó, tình tiết của diễn nghĩa cũng có nhiều nét tương đồng với chính sử. Trần Cung trở thành mưu sĩ dưới trướng Lã Bố và vong mạng sau khi Lã Phụng Tiên bại trong tay quân Tào.
Dù có Trần Cung, Tào Tháo cũng khó thắng Đổng Trác: Vì sao?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Vậy câu hỏi được đặt ra là: Giả sử nếu năm xưa Trần Cung không rời khỏi Tào Tháo, liệu rằng tới thời điểm chinh phục Đổng Trác, vị mưu sĩ này có thể giúp Tào Mạnh Đức giành chiến thắng hay không?
Theo quan điểm của Qulishi, dù Trần Cung có sở hữu mưu trí xuất chúng hơn nữa thì giả thiết này cũng khó có thể xảy ra.
Bởi lẽ, năm xưa khi tiến hành liên minh để chinh phạt Đổng Trác, các lộ chư hầu nhìn bề ngoài thì người đông thế mạnh, nhưng thực chất bên trong lại thiếu sự đoàn kết, ai ai cũng mang toan tính riêng.
Với một toán quân lục đục như vậy, việc có thể giành chiến thắng trước một Đổng Trác sở hữu đội quân Lương Châu mạnh mẽ, trung thành là điều khó có thể xảy ra.
Xem xét kỹ hơn vào tình thế lúc đó, có thể thấy Viên Thiệu nhờ xuất thân danh môn mà được bầu làm minh chủ. Tuy nhiên vị minh chủ này chỉ xem trọng gia thế chứ không coi trọng thực lực.
Đó cũng là lý do mà bộ ba Lưu – Quan – Trương vẫn cương quyết dứt áo ra đi dù đã từng làm nên chiến công trảm Hoa Hùng, đánh Lữ Bố.
Tào Tháo là một trong những người sớm nhận ra bản chất của liên minh các lộ chư hầu trong cuộc chiến chinh phạt Đổng Trác. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Nhìn lại sự phân phó của Viên Thiệu lúc đó, Viên Thuật được ban chức quản lý lương thảo, Tôn Kiên giữ nhiệm vụ tiên phong.
Mặc dù đội quân của Tôn Kiên ban đầu thu được một vài chiến thắng, tuy nhiên việc Viên Thuật từ chối phát lương thảo đã khiến toán quân này liên tiếp gặp thất bại.
Sau này, Đổng Trác nghe lời Lý Nho, dời đô tới Trường An, hơn nữa lại liên tục làm loạn, để quân sĩ tùy tiện giết người phóng hỏa, thiêu hủy tông miếu…
Lúc này, Tào Tháo muốn nhân cơ hội Đổng Trác dời đô nên đã đề xuất Viên Thiệu thừa thế đuổi theo tập kích, tuy nhiên họ Viên lại án binh bất động.
Kết quả là Tào Tháo tức giận, tự mang mấy ngàn binh mã cùng một vài đại tướng truy kích Đổng tặc, thế nhưng lại gặp phải mai phục nên thất bại nặng nề, chỉ còn lại mấy trăm người cùng nhau bỏ trốn.
Đúng lúc này, Tôn Kiên có được ngọc tỷ truyền quốc liền vội vã chạy về Giang Đông ôm mộng bá chủ một phương.
Tào Tháo thấy các chư hầu ai ai cũng ôm dã tâm riêng, biết rõ sẽ chẳng làm nên đại sự, liền dẫn quân đi Dương Châu. Liên minh các lộ chư hầu cũng sụp đổ từ đó, về sau mỗi người một ngả.
Mối quan hệ giữa Trần Cung và Tào Tháo trong diễn nghĩa từ sớm đã "đường ai nấy đi" trước khi Tào Mạnh Đức tham gia liên minh các lộ chư hầu. Ảnh minh họa: Nguồn Baidu.
Từ những diễn biến trên đây, không khó để có thể nhìn ra một sự thật: Liên minh các lộ chư hầu tập hợp với nhau vốn không phải vì đại nghĩa.
Họ không thực sự muốn chinh phạt Đổng Trác hay khôi phục giang sơn Đại Hán mà chẳng qua chỉ muốn tranh đoạt lợi ích cho riêng mình mà thôi.
Hơn nữa, ở vào thời điểm đó, năng lực của bản thân Tào Tháo chưa đủ cứng rắn, binh mã thao luyện chưa tốt, thiếu đi kinh nghiệm thực chiến.
Vì vậy, việc ông chống chọi lại với Đổng Trác có trong tay một "chiến thần" Lã Bố dày dặn kinh nghiệm là một trận chiến từ sớm đã có thể nhìn trước thắng thua.
Cho nên có thể nói, dù lúc đó Trần Cung còn đi theo phò tá, Tào Tháo cũng khó có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Đổng tặc.
Dù cho vị mưu sĩ này còn ủng hộ tới cùng, thì Trần Đăng cùng lắm cũng chỉ có thể khuyên nhủ Tào Tháo, giúp ông tránh được mai phục, từ đó giảm thiểu đi hậu quả do kết cục thất bại đem tới mà thôi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Trong 'Tây Du Ký', con quái vật duy nhất đã hơn một lần ăn thịt Đường Tăng, bạn có biết đó là ai không?
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà