Khám phá

Nếu Quách Gia sống lâu hơn, Tào Tháo vẫn chẳng thể nhất thống thiên hạ: Vì sao?

Đáp án của câu hỏi này từ sớm đã được vị quân chủ họ Tào ấy gián tiếp trả lời thông qua 3 câu nói lúc sinh thời.

Nhắc tới những mưu sĩ nổi danh thời Tam Quốc, người đời vẫn thường truyền tai nhau câu nói: "Quách Gia không chết, Gia Cát không ra".

Câu truyền miệng này phần nào đã khẳng định tài năng không thể phủ nhận của Quách Gia – nhân vật được mệnh danh là một trong những mưu sĩ giỏi nhất Tam Quốc.

Cũng bởi Tào Tháo năm xưa có được sự phụng sự của nhân tài xuất chúng này, cho nên hậu thế đời sau không ít người đã đặt ra câu hỏi: Nếu Quách Gia không mất sớm, vị quân chủ họ Tào ấy liệu có khả năng thống nhất Tam Quốc hay không?

Trên thực tế, đáp án của câu hỏi này từ sớm đã được chính Tào Tháo nhìn ra và gián tiếp thể hiện thông qua 3 câu nói lúc sinh thời.

Quách Gia - Mưu sĩ kỳ tài nắm trong tay chìa khóa giúp Tào Tháo nhất thống thiên hạ?

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Quách Gia (170 – 207), tự Phụng Hiếu, là một trong những mưu sĩ trọng yếu hàng đầu của Tào Tháo vào giai đoạn cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc.

Trong khoảng thời gian 11 năm làm việc dưới trướng Tào doanh, ông đã từng giúp Tào Tháo đánh bại nhiều kẻ thù đáng gớm như Lã Bố, Viên Thiệu, Đạp Đốn và cũng có công lao không nhỏ trong việc giúp quân chủ thống nhất phương Bắc.

Với tài năng và tầm nhìn chiến lược hiếm có của mình, Quách Gia là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ và thậm chí được đánh giá là không hề thua kém nếu so với Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng sau này.

Cũng bởi lúc sinh thời từng rất nhận được sự tán thưởng sâu sắc từ phía Tào Tháo, nên có ý kiến cho rằng Quách Phụng Hiếu đã từng được vị quân chủ này âm thầm xem làm một trong những đại thần cố mệnh.

Chỉ tiếc rằng mặc dù có ưu thế về tuổi trẻ so với các mưu sĩ cốt cán khác, nhưng Quách Gia lại đoản mệnh qua đời khi mới 37 tuổi.

Theo nhận định của tờ báo Sina (Trung Quốc), nếu mưu sĩ họ Quách ấy có thể sống lâu hơn thì Tư Mã Ý chưa chắc đã có cơ hội trở thành đại thần ủy thác, gia tộc Tư Mã cũng khó có thể thao túng và soán ngôi chính quyền Tào Ngụy sau này.

Có ý kiến còn cho rằng việc trụ cột mưu lược Quách Phụng Hiếu qua đời đột ngột vào năm 207 cũng là một trong những nguyên nhân khiến Tào Tháo thất bại thảm hại trong trận Xích Bích chỉ một năm sau đó. Sự kiện này cũng đã phá vỡ giấc mộng nhất thống thiên hạ của vị quân chủ họ Tào đầy tham vọng ấy.

Vậy giả sử Quách Gia không đoản mệnh mất sớm, liệu rằng Tào Tháo với sự trợ giúp của một mưu sĩ hàng đầu Tam Quốc có khả năng sẽ thống nhất thiên hạ hay không?

Nếu Quách Gia sống lâu hơn, Tào Tháo cả đời vẫn chẳng thể nhất thống: Vì sao?

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Không ít người vẫn thường cho rằng mưu sĩ chính là nhân tố mấu chốt quyết định sự thành bại của những cuộc chiến tranh trong thời loạn.

Tuy nhiên trên thực tế, người đóng vai trò quyết định đại cuộc trong mọi thế cục vẫn là quân chủ - những nhân vật đứng đầu trận doanh.

Nhìn lại thế lực của Viên Thiệu năm xưa, không khó để nhận thấy dưới trướng chư hầu này chẳng thiếu võ tướng, mưu sĩ. Tuy nhiên chính một Viên Thiệu độc đoán, cố chấp đã khiến cho nhân tài chẳng có đất dụng võ, ngay tới mãnh tướng Trương Hợp cũng làm phản theo Tào, từ đó tự chuốc lấy cho mình kết cục diệt vong.

Tương tự như vậy, trận doanh của Lưu Bị mặc dù có kỳ tài Gia Cát Khổng Minh, tuy nhiên người chân chính nắm quyền quyết định vẫn là bản thân vị quân chủ này.

Ngọa Long tiên sinh dù nắm trong tay chức cao vọng trọng, lại là đầu não cơ mưu nhưng cũng không thể mạo muội tự ý quyết định việc quân cơ đại sự. Đây chính là một trong những lý do mà ngay tới Khổng Minh năm xưa cũng chẳng thể ngăn cản Lưu Bị phạt Ngô, bởi đó vốn là ý mà quân chủ đã quyết.

Nhìn lại thế cục trước đại chiến Xích Bích năm xưa, cũng không khó để nhận thấy nếu như không có cái gật đầu đồng ý của Tôn Quyền thì cho dù Lỗ Túc, Chu Du có dốc lòng tới thế nào, Đông Ngô cũng chưa chắc đã liên thủ cùng Thục Hán để giành được thắng lợi.

Ngược lại, một khi Tôn Quyền quyết ý muốn hàng Tào thì hiển nhiên những tên tuổi như Chu Du hay Trương Chiêu cũng phải đi theo, tương tự như việc Lưu Thiện đầu hàng Đặng Ngải sau này, Khương Duy dù là Đại tướng nắm binh quyền nhưng cũng chỉ có thể ngậm ngùi nhìn Thục Hán diệt vong.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Từ những thực tế lịch sử nói trên, có thể khẳng định rằng mấu chốt để Tào Tháo nhất thống thiên hạ không phải phụ thuộc vào một mình Quách Gia mà chủ yếu dựa vào năng lực cùng tâm tính của vị quân chủ ấy.

Tuy nhiên kể từ sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo về cơ bản đã không còn xem trọng ý kiến của các đại mưu sĩ. Để rồi sau này Tuân Úc chết một cách bí ẩn, Tuân Du qua đời, Giả Hủ lo giữ mình, Quách Gia dù cho còn sống cũng khó có thể khiến quân chủ thay tâm đổi tính.

Hơn nữa vào trước thời điểm tham chiến ở Xích Bích, quân doanh Tào thị cũng không phải không có người khuyên ngăn Tào Tháo. Tuy nhiên ông chỉ coi những lời ấy như gió thoảng bên tài, khăng khăng làm theo ý kiến riêng của mình để rồi chuốc lấy thất bại thảm hại.

Vì thế có thể nói, dù cho Quách Gia có thể sống lâu hơn, Tào Tháo cũng gần như không có khả năng thống nhất thiên hạ.

Trên thực tế, bản thân Tào Tháo cũng hiểu rõ sự thật ấy phũ phàng hơn ai hết. Bởi Tôn Quyền và Lưu bị đều chẳng phải những kẻ hiền lành vô dụng, giải quyết thế lực của họ cũng không thể là chuyện một sớm một chiều.

Điều này đã được ông thể hiện qua 3 câu nói lúc sinh thời và từng được lưu truyền qua nhiều đời:

"Anh hùng trong thiên hạ, cũng chỉ có sứ quân (chỉ Lưu Bị) và Tháo đây".

"Lưu Bị, xứng đáng là đối thủ của ta". (Trích "Sơn Dương công tải ký").

"Hổ phụ lân nhi, sinh con phải như Tôn Trọng Mưu (tức Tôn Quyền)".

Theo Sina, ba câu nói này chẳng những thể hiện đánh giá của Tào Tháo về hai kình địch Tôn – Lưu mà còn gián tiếp nói lên một sự thật phũ phàng: Nhất thống thiên hạ gần như là một nhiệm vụ mà ông không thể hoàn thành, chỉ có thể giao lại cho thời vận và hậu duệ của Tào thị mà thôi…

Theo PV/Trí thức trẻ

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo