Nếu Tôn Sách không mất sớm, Đông Ngô có thể đánh bại Tào Tháo để thống nhất thiên hạ?
Dù khét tiếng toan tính, đa nghi, ít ai biết Tào Tháo suýt mất cơ đồ vì 2 người phụ nữ này / Đạo dùng người kinh điển của Tào Tháo, bài học 'soi sáng' cổ kim
Trong số ba vị quân chủ Ngụy – Thục – Ngô thời Tam Quốc, Lưu Bị và Tào Tháo đều là những người tự tay gây dựng sự nghiệp, duy chỉ có Tôn Quyền của Đông Ngô là được kế thừa giang sơn từ người anh trai Tôn Sách.
Sinh thời, Tôn Sách được xem như người đặt nền móng quan trọng trong việc hình thành tập đoàn chính trị Đông Ngô. Ông cũng là một nhân vật nổi danh dũng mãnh, kiêu hùng và được người thời bấy giờ ca tụng bằng danh hiệu "Tiểu Bá vương".
Theo quan điểm của Qulishi, vào thời loạn thế khi ấy, năng lực của Tôn Sách được đánh giá là mạnh hơn Tôn Quyền và đủ sức để cùng Tào Tháo, Lưu Bị tranh giành Trung Nguyên.
Chỉ tiếc thay "nhân tài đoản mệnh", vị Tiểu Bá vương lừng lẫy một thời năm xưa lại không may tráng niên mất sớm ở tuổi 25 do bị ám sát, để lại cho hậu thế muôn vàn tiếc nuối.
Cũng bởi vậy mà có không ít người từng đặt ra câu hỏi: Nếu Tôn Sách không qua đời sớm như vậy, liệu ông có thể trở thành người giúp Đông Ngô nhất thống Tam Quốc được hay không?
Tài năng vượt trội của Tiểu Bá vương Tôn Sách: Cả Tào Tháo và Viên Thuật đều phải cảm khái!
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tôn Sách (174 – 200), tự Bá Phù, là con trưởng của Thái thú Trường Sa Tôn Kiên, sau này trở thành một viên tướng và lãnh chúa thuộc thời kỳ cuối Đông Hán, đầu Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Sử cũ ghi lại, Tôn Sách từ thuở niên thiếu đã kết giao với nhiều danh sĩ nổi tiếng, trong đó nổi bật là Chu Du.
Sau khi cha ruột là Tôn Kiên chết trận ở Kinh Châu, Tôn Sách bần cùng bất đắc dĩ mới buộc phải nương nhờ Viên Thuật.
Nhận định về tài năng của nhân tài họ Tôn này, ngay tới Viên Thuật cũng từng cảm khái: "Nếu Thuật ta có được một người con như Tôn lang, dù chết cũng không hề hối hận".
Tuy nhiên Viên Thuật mặc dù công nhận năng lực của Tôn Sách, nhưng lại không thực sự xem ông là thân tín, thậm chí còn sẵn sàng đem chức quan từng hứa hẹn phong thưởng mà giao cho người khác.
Điều này khiến Tôn Sách sinh lòng bất mãn, liền quyết tâm rời khỏi tập đoàn chính trị này bằng cách xin binh lực đi bình định Giang Đông.
Tôn Sách mượn cớ này để tập hợp binh mã, trước tiên bình định các nhóm thế lực của Lưu Do, Nghiêm Bạch Hổ, tạo cơ sở để đánh hạ Giang Đông.
Sau khi Viên Thuật qua đời, ông tiếp tục bình định Thái thú Lưu Huân ở Lư Giang, dần dần làm chủ toàn bộ đất Giang Đông.
Bấy giờ, Tào Tháo ở phương Bắc nghe nói Tôn Sách đã thành công bình định nơi đây liền chủ động đề nghị liên hôn bằng cách gả cháu gái mình cho em trai Tôn Sách là Tôn Khuông.
Không chỉ có tài năng xuất chúng trên phương diện quân sự, Tôn Sách cũng rất giỏi dùng người.
Những nhân vật trọng yếu của nước Ngô như Trương Chiêu, Trương Hoành, Chu Du, Lữ Mông, Chu Thái, Thái Sử Từ… đều do ông chiêu mộ khi còn sống, sau này đều trở thành trọng thần được Tôn Quyền tin cậy.
Vậy liệu rằng với năng lực vượt trội như vậy, Tiểu Bá vương Tôn Sách có thực sự làm nên kỳ tích nếu có thể sống lâu hơn hay không?
Kế hoạch liên minh kháng Tào của Tôn - Viên và lời tiên đoán rợn người của phe Tào Tháo về số phận của Tiểu Bá vương
Tranh minh họa.
Tôn Sách mất vào năm 200 sau Công nguyên trong một cuộc tập kích bất ngờ. Nhìn lại thế cục thiên hạ trong khoảng thời gian ấy, có thể dễ dàng nhận thấy khi đó Tào Tháo và Viên Thiệu còn đang giằng co ở Quan Độ.
Lúc bấy giờ, Viên Thiệu từng âm thầm liên hệ với Tôn Sách để âm mưu đánh úp Tào Tháo.
Bởi lẽ, để chống lại thế lực họ Viên, Tào Ngụy dường như đã dốc toàn bộ lực lượng. Như vậy Tôn Sách có thể âm thầm tiến đánh vào hậu phương, tạo thành thế hai đầu giáp công khiến Tào Tháo trở tay không kịp.
Đây thực chất là cơ hội ngàn năm có một từng được nhiều người thức thời nhìn ra. Bản thân Lưu Bị năm ấy khi còn nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh Châu cũng đã từng đề xuất kế hoạch này, chỉ tiếc rằng Lưu Biểu không ôm chí lớn, cuối cùng bỏ lỡ.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng thực chất, Tào Tháo không phải là một đối thủ có thể dễ dàng bị hạ gục tới vậy.
Ban đầu khi Viên – Tào còn đang chiến tranh, Lưu Bị cũng từng khởi binh phản Tào và liên minh với Viên Thiệu. Tuy nhiên kết quả là thế lực của Tào Tháo vẫn chẳng hề bị hạ gục.
Điều này đã chứng minh năng lực nắm bắt thời cơ và làm chủ tình thế của Tào Mạnh Đức là không thể coi thường.
Trước đó, việc Tào Tháo chủ động đề xuất hôn nhân chính trị với Tôn Sách chỉ nhằm mục đích tạm thời vỗ về thế lực mới nổi lên của họ Tôn khi đó.
Thân là gian hùng khét tiếng, Tào Tháo sao có thể đem nghiệp lớn của mình đặt cược vào một cuộc hôn nhân gượng ép và nhiều rủi ro như vậy.
Do đó, việc để Trần Đăng đảm nhiệm chức Thái thú Quảng Lăng chính là động thái đề phòng Tôn Sách mà vị quân chủ này tiến hành.
Quay trở lại thời điểm đang giằng co với Viên Thiệu ở Quan Độ, Tào Tháo không thể không điều động quân chủ lực trong trận chiến mang tính quyết định này.
Thế nhưng trước khi xuất binh, tập đoàn mưu sĩ của ông đã từng nghiên cứu sách lược và phân tích đối thủ vô cùng kỹ càng.
Nhận định về Tôn Sách, Quách Gia cũng đã từng cho rằng:
"Tôn Sách coi thường không phòng bị, dù có trăm vạn bộ chúng thì cũng chẳng khác nào một mình hành tẩu giữa Trung Nguyên. Nếu như có thích khách mai phục, thì cũng vẫn là một đánh một mà thôi. Cho nên Sách ắt sẽ chết trong tay kẻ thất phu".
Quả nhiên không lâu sau đó, Tôn Sách đã bị ám sát và vong mạng dưới tay bộ hạ của Hứa Cống.
Chuyện này nhìn qua thì tưởng là trùng hợp, nhưng thực chất lại nói lên nhược điểm chí mạng khiến cho vị Tiểu Bá vương họ Tôn không thể thống nhất thiên hạ.
Hé lộ nguyên nhân khiến Tôn Sách không thể triệt hạ Tào Tháo để nhất thống thiên hạ
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).
Sinh thời, cả Tôn Sách và người cha là Tôn Kiên đều sở hữu tính cách liều lĩnh. Minh chứng là việc năm xưa ông từng một mình độc chiến với Thái Sử Từ.
Thiết nghĩ trong trận đấu ấy, nếu ông thắng thì chẳng qua cũng chỉ thắng một tướng lĩnh dưới tay quân địch. Tuy nhiên nếu Tôn Sách thua thì nguy cơ mà tập đoàn Giang Đông phải nhận lại là vô cùng đáng sợ.
Sự thực cũng đã cho thấy, màn đấu tay đôi năm ấy chỉ đem về thanh danh và thành tựu cho Thái Sử Từ chứ không đưa tới lợi lộc nào to lớn cho Tôn Sách.
Thiết nghĩ, nếu kẻ địch năm đó của Tôn Sách là Tào Tháo, thì vị quân chủ họ Tào này chỉ cần phái ra một mãnh tướng bất kỳ dưới trướng là cũng có thể khiến Tiểu Bá vương khó có cơ hội trở về.
Không chỉ có nhược điểm về tính cách mà nước cờ của Tào Tháo năm đó cũng khiến Tôn Sách khó có cửa thắng ngay cả khi ông liên minh với Viên Thiệu.
Khi Viên – Tào đang đối đầu căng thẳng, Tôn Sách quả thực có cơ hội ngàn vàng để tập kích đại bản doanh của quân Tào ở Hứa Đô.
Tuy nhiên kế hoạch tập kích cũng chẳng hề dễ dàng. Bởi vị Tiểu bá vương này tuy giỏi giang trên chiến trận nhưng lại không có thiên phú trong việc xử lý nội chính.
Lúc bấy giờ, Tôn thị mặc dù đã có chỗ đứng, nhưng nội bộ tập đoàn Giang Đông vẫn tồn tại không ít vấn đề. Việc đảm bảo vững chắc cho hậu phương nếu tham chiến vẫn là điều khó có thể nói trước.
Cha của Tôn Sách và Tôn Quyền là Tướng quân Tôn Kiên cũng chết trong tay Lưu Biểu ở Kinh Châu vì sự khinh địch và liều lĩnh. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, "hàng xóm" của Tôn Sách lại là Lưu Biểu ở Kinh Châu – người có kẻ thù giết cha với Tôn thị.
Nếu như Đông Ngô đem quân tập kích Hứa Đô, liệu rằng Lưu Biểu có khoanh tay đứng nhìn hay không?
Sở dĩ năm xưa Lưu Biểu không nghe theo Lưu Bị đánh úp Tào Tháo là bởi Tào Tháo chưa thể uy hiếp Kinh Châu.
Tuy nhiên trong trường hợp Tôn Sách đánh hạ Hứa Đô thành công, phía Bắc và phía Đông của Kinh Châu đều sẽ bị Đông Ngô bao vây.
Vì an nguy của mình, một Lưu Biểu cả đời chẳng ôm chí lớn cũng không thể không xuất binh đánh Ngô để bảo vệ mảnh đất Kinh Châu dưới tay.
Giả sử Lưu Biểu thành công đánh hạ Giang Đông, Tôn Sách sẽ hoàn toàn mất đi hậu phương. Nếu như ông không nắm chắc phần thắng trước Tào Tháo, vậy thì đại nghiệp tranh bá thiên hạ của họ Tôn coi như đã bị hủy từ đây.
Nếu Tôn Sách thực sự trở mặt với Tào Tháo, thế cục Tam Quốc liệu có thay đổi?
Ảnh minh họa.
Hơn nữa, ý tưởng ban đầu của Tôn Sách là sử dụngkỵ binh nhẹ để tập kích Hứa Đô. Thực tế, kế hoạch này nếu muốn thành công thì chỉ có thể dựa vào hai chữ "kỳ tích", nghĩa là phải chớp lấy thời cơ ở ngay thời điểm Tào Tháo không phòng bị gì để hạ thành một cách nhanh chóng thì mới có thể nắm được phần thắng.
Thế nhưng Tào Mạnh Đức cả đời túc trí đa mưu, cho nên hai chữ "kỳ tích" có lẽ khó có thể xảy đến với Tôn Sách.
Bởi lẽ, người được Tào Tháo trao quyền trấn thủ hậu phương khi ấy là Tuân Úc. Dựa vào sự mưu lược của nhân vật này, Tôn Sách dù có thể đem binh áp sát Hứa Đô thì cũng không thể hạ được thành trì này trong ngày một ngày hai.
Tới lúc đó, Tào Tháo sẽ có thời gian điều động viện binh trở về. Dựa vào thế lực của Tôn Sách và cả người đồng minh không mấy cơ trí là Viên Thiệu, có thể thấy rõ thắng bại từ sớm đã định.
Việc liên minh với một đồng đội như Viên Thiệu cũng là nguyên nhân khiến cho Tôn Sách khó có thể hạ được Tào Tháo. (Ảnh minh họa).
Trong trường hợp mọi chuyện tiến triển theo chiều hướng nói trên, dù Tôn Sách có thể phá vòng vây của viện binh Tào Tháo, thậm chí trên đường lui binh còn tránh được sự truy đuổi của Lưu Bị, thì tình thế thiên hạ khi ấy vẫn là Viên – Tào tranh bá.
Tào Tháo bấy giờ cũng chỉ xem như bị Tôn Sách quấy rầy một chút chứ không thể bị đẩy vào thế bị động.
Dựa vào tính cách của Tào Tháo, sau lần bị Đông Ngô đánh úp, ông sẽ lựa chọn phương án nghỉ ngơi dưỡng sức để chờ thời cơ.
Trong khi đó, Tôn Sách quay về Giang Đông sẽ nhắm vào Kinh Châu. Bởi đây mới thực sự là tấm bình phong che chở trọng yếu nhất đối với Đông Ngô.
Với tài năng quân sự của Tôn Sách, chỉ cần Tào Tháo không nhúng tay vào, việc đánh bại Lưu Biểu và thu về Kinh Châu đối với ông chỉ là chuyện sớm muộn. Tuy nhiên chắc chắn quá trình này không thể diễn ra chỉ trong một sớm một chiều.
Về phần Tào Tháo, việc ông triệt hạ Viên Thiệu là điều chắc chắn không thể thay đổi. Sau khi tiêu diệt được thế lực này, Tào Tháo sẽ nhắm tới thế lực vừa mới thu về được Kinh Châu của Tôn Sách.
Mặc dù quả thực khó có thể công chiếm Kinh Châu, tuy nhiên quân Tào lại có thể nhân cơ hội chiếm lĩnh Hán Trung của Trương Lỗ, Tây Xuyên của Lưu Chương và cả Tây Lương của Mã Siêu, Hàn Toại.
Tới lúc đó, thực lực của tập đoàn Tào Ngụy sẽ không ngừng được mở rộng. Thế cục thiên hạ chẳng mấy chốc sẽ như nhà Tây Tấn với Đông Ngô sau này.
Chỉ có điều yếu kẻ địch mạnh mà Đông Ngô phải đối mặt khi đó không phải là hậu duệ Tư Mã mà chính là Tào Ngụy nắm trong tay địa bàn của cả Ngụy và Thục.
Dĩ nhiên, còn có một khả năng lớn hơn có thể xảy ra: Đó là Tôn Sách với tính cách liều lĩnh, khinh địch và thói quen tự mình xông pha nơi chiến trường sẽ sớm bị bỏ mạng nơi sa trường. Bởi đây có lẽ là số mệnh khó tránh của những người có tính cách như ông trong thời loạn.
Cũng bởi vậy mà Qulishi cho rằng, kẻ địch khiến Tào Tháo không sợ nhất cũng cũng chính là kiểu người có tính cách như Tôn Sách, vì ông có thể dùng trăm phương ngàn kế để nhanh chóng triệt tiêu đối phương.
Do đó, người có thể cùng Tào Tháo đấu tới cùng, có lẽ trong Tam Quốc cũng chỉ còn lại những nhân vật cẩn trọng và túc trí đa mưu như Lưu Bị, Tôn Quyền mà thôi.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)
End of content
Không có tin nào tiếp theo