Khám phá

Ngỡ ngàng vẻ đẹp kiến trúc thời Trần từ Quần thể văn hóa tâm linh Fansipan

Bất cứ ai lần đầu tiên chiêm ngưỡng quần thể văn hóa tâm linh Fansipan ở độ cao 3000 mét hẳn đều sẽ choáng ngợp trước sự bề thế và lối kiến trúc kỳ công, sắc sảo đến từng chi tiết của kiến trúc Phật giáo thời Trần được thổi hồn vào cụm công trình kỳ vĩ này.

Càn Long viết 1 chữ khiến Hòa Thân mặt tái xanh / Lý giải cái chết 12 đời hoàng đế Mãn Thanh

“Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có lẽ chưa bao giờ con người xây dựng một ngôi chùa ở đỉnh cao như Fansipan, trong diều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt”, Giáo sư, KTS Hoàng Đạo Kính nói về công trình mà mình rất tâm huyết, đó là quần thể kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan. Bởi để tạo nên những công trình như mọc ra từ đá núi ngàn năm này, có lẽ chỉ ông và những người đã tạo dựng nên mới hiểu nỗi khó nhọc mà họ đã từng trải qua.

Nhưng đền đáp công sức khuân cả ngàn tảng đá, hàng chục ngàn khối gỗ lên đỉnh Đông Dương bằng tay, là những tuyệt tác tâm linh không chỉ mang những nét thô mộc của thiên nhiên núi rừng, mà gói ghém cả nhân sinh quan lẫn những nét mỹ thuật đặc trưng thời Trần trong đó.

Đại tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam (21,5m) sừng sững giữa đất trời Tây Bắc là công trình ấn tượng nhất trong quần thể văn hóa tâm linh Fansipan, bởi sự kỳ công của việc ghép từng miếng đồng mỏng 0,5cm trên thân tượng, bởi những chi tiết trang trí hình rồng, hoa lá, sóng nước... nơi chân tượng, bởi công trình bệ đỡ chân tượng được tạo nên từ đá khối, chạm khắc phù điêu hoa sen thanh khiết.

Tất cả những hạng mục trong quần thể văn hóa tâm linh Fansipan như: Kim Sơn Bảo Thắng Tự, Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát… đều kế thừa những tinh hoa kiến trúc Phật giáo từ thế kỷ 15-16. Đặc biệt, Đại Hồng Chung với lối kiến trúc lầu chuông tám mái gợi cho du khách nhớ đến những ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Tây Phương, Chùa Bút Tháp, Chùa Keo…

Họa tiết trang trí hoa sen và rồng tiêu biểu của kiến trúc thời Trần được thể hiện đậm nét trong các hạng mục lớn, nhỏ của quần thể, từ Đại Tượng Phật A Di Đà cho đến gác chuông, tam quan, điện thờ Phật… Chiêm ngưỡng những công trình nơi đây, dễ dàng nhận thấy dấu ấn kiến trúc của những ngôi chùa cổ còn tồn tại đến ngày nay như Chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc, Chùa Bà Tấm, hay chùa Thầy…

Cách trang trí họa tiết rồng cũng được thể hiện nổi bật ở các thiết kế cửa gỗ nơi đây. Khác với mỹ thuật thời Lý, rồng thời Trần có xu hướng mập khỏe hơn, dữ tợn hơn, biểu tượng cho uy quyền, sức mạnh và sự thịnh vượng của triều đại.

Với tinh thần giản lược đắp vẽ, trang trí, các hạng mục công trình trong quần thể đều sử dụng đá, gỗ tứ thiết tự nhiên, không đưa vào những vật liệu mới, ngói cũng là ngói cổ phục chế.

Các kiến trúc sư kiến tạo nên cụm công trình này đã cố gắng tạo ra những nếp chùa nhuần nhị Việt không có nhiều màu sắc, không có sự khuếch trương, bởi thế nên, các trang trí góc mái cũng được lấy tiền mẫu từ các di chỉ thành Thăng Long phục chế lại.

Một trong những công trình kỳ công khác khiến du khách không khỏi choáng ngợp là tòa bảo tháp 11 tầng uy nghi được tạo tác từ đá nguyên khối có kiến trúc kế thừa từ ngôi tháp chùa Phổ Minh (Nam Định) và bệ đá trang trí hình hoa sen.

Hài hòa giữa thiên nhiên hùng vỹ, chi tiết cầu kỳ trong từng đường nét kiến trúc, chạm khắc, kỳ công trong thi công xây dựng, quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan đánh dấu một kỳ quan mới trong kỳ quan. “Thiên nhiên nơi này không giống ở đâu cả thì kiến trúc của khu tâm linh này cũng không thể giống ở nơi nào khác”, giáo sư Hoàng Đạo Kính nói.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm