Ngôi làng Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ nuôi 3 triệu con rắn
Nọc độc của rắn hổ mang chúa - loài rắn độc dài nhất thế giới, nguy hiểm cỡ nào? / Xem 'cao thủ' bắt rắn hổ mang chúa 20kg bằng tay không
Ngôi làng Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ nuôi 3 triệu con rắn.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), cuộc sống của những người nông dân nuôi rắn ở Trung Quốc không hề dễ dàng. Fang Yin và vợ Yang Xiaoxia không ít lần bị rắn kịch độc cắn vào tay, vào chân.
“Thoạt đầu tôi khá lo sợ. Nhưng tôi đã quen dần với việc bị rắn cắn”, Fang nói.
Ngôi làng Zisiqiao, tỉnh Chiết Giang chỉ có 600 người dân sinh sống, nhưng là nuôi tới 3 triệu con rắn mỗi năm và là nguồn sống chính của dân làng.
Dân làng bán những con rắn để làm thức ăn hoặc để các công ty dược làm thuốc, xuất khẩu đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Ước tính ngôi làng thu về 12 triệu USD mỗi năm nhờ nuôi rắn.
Nguồn lợi tự nhiên
Yang Hongchang được coi là “ông tổ” nghề nuôi rắn trong làng từ những năm 1980. Được gọi là “vua rắn”, người đàn ông 67 tuổi sở hữu 1 công ty cung cấp thực phẩm bổ sung chiết xuất từ rắn.
“Khi tôi còn trẻ, cả làng rất nghèo”, Yang nhớ lại. “Khu vực này có nhiều sông hồ nên có rất nhiều rắn. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện bắt rắn bán lấy tiền”.
Dùng ánh sáng kiểm tra sức khỏe phôi rắn bên trong trứng.
Sau vài năm, số lượng rắn cạn kiệt nên “vua rắn” quyết định tự nhân giống loài bò sát này. Năm đầu tiên, chỉ 10% số trứng rắn nở thành con, khiến ông thua lỗ một khoản tiền lớn.
Vượt qua thất bại, Yang đã thành công vào năm sau với tỉ lệ rắn nở thành con lên tới 80%, tương đương 30.000 con. “Đó là vào năm 1983, tôi kiếm được hơn 20.000 USD từ việc nuôi rắn. Đó là con số kỷ lục bởi khi đó dân làng rất ít người kiếm được hơn 1.500 USD mỗi năm”.
Kể từ đó, nhiều dân làng đã học nghề nuôi rắn, với hi vọng thành công như ông Yang. Ngày nay, nhiều người đã chuyển sang đánh cá, làm lụa nhưng nuôi rắn vẫn là nghề chính ở làng Zisiqiao.
Yang Farong, một trong những người trong làng theo nghề nuôi rắn, sở hữu hơn 500kg rắn các loại. Con số này chưa bằng được “ông tổ” Yang Hongchang, nhưng vẫn giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định.
“Chúng tôi không biết làm gì khác”, Yang Farong nói. “Nuôi rắn vẫn là cách khả dĩ nhất, nếu không phải vào nhà máy làm công nhân”.
Rắn mang thai được bọc trong túi, đặt trên sàn nhà.
So với công việc ở nhà máy, Yang Farong kiếm được nhiều tiền hơn nhờ nuôi rắn. Năm ngoái, Yang Farong thu về hơn 60.000 USD.
Nuôi rắn làm thuốc
Đối với “ông tổ” Yang Hongchang, hàng triệu con rắn trong làng còn là nguồn cung cấp các bài thuốc quý. Yang nói ông từng vượt qua nhiều bệnh tật nhờ uống thuốc và rượu chiết xuất từ rắn.
Y học cổ truyền Trung Quốc nói uống viên con nhộng chiết xuất từ rắn trước khi uống rượu sẽ giúp giảm tổn thương gan. Ngày nay, rắn đóng vai trò phần lớn làm thực phẩm chức năng nhiều hơn.
Ở nhiều nơi, rắn còn là nguồn thực phẩm nổi tiếng. Nhưng người Trung Quốc ngày nay không còn chuộng thịt rắn như trước.
Gan Kaixuan, con rể ông Yang nói: “Đây là một điều tốt, bởi thật phí phạmkhi ăn thịt rắn, trong khi sinh vật này đem lại nguồn lợi lớn trong y học”.
Yang Hongchang được coi là "ông tổ" nghề nuôi rắn ở làng Zisiqiao, tỉnh Chiết Giang.
Để ghi nhớ loài rắn đem đến cho mình sự giàu có và thành công, Yang Hongchang cho xây bức tượng rắn ngay trước cửa nhà máy. Yang còn có kế hoạch biến nhà máy thành một công viên rắn phục vụ du khách.
“Chúng tôi muốn ghi nhớ rằng loài rắn đã đóng vai trò quan trọng với sức khỏe người dân ra sao, và đem đến nguồn lợi lớn đến mức nào”.
Nuôi rắn cũng là công việc hết sức nguy hiểm. Năm nào cũng có ít nhất một người trong làng chết vì rắn cắn, theo SCMP.
Mặc dù nghề nuôi rắn đem đến sự nổi tiếng và tiền bạc, thế hệ trẻ lớn lên ở làng Zisiqiao không muốn nối nghiệp cha ông.
Nọc rắn được thu thập để làm thuốc.
Fang Yin nói anh ta và vợ là một trong những người nuôi rắn trẻ nhất. Các thanh niên trong làng đi học xa và hầu như không quay về nhà.
“Nuôi rắn không hề dễdàng. Chúng có thể bị ốm và để chăm sóc chúng được tốt cần nhiều kinh nghiệm và kiến thức”, Fang nói.
Một số khác cho rằng, nghề nuôi rắn đang chững lại bởi thiếu sự đầu tư và nghiên cứu của khoa học.
“Nọc rắn là một vị thuốc tốt. Nhưng chúng tôi hiện mới chỉ xuất khẩu nguyên thiệu thô ra nước ngoài. Chúng tôi chưa thể biến chúng thành các bài thuốc phức tạp hơn”.
Gan Kaixuan thì nói rằng, ông đặt niềm tin hoàn toàn vào con trai mình, hiện đang học dược ở Canada. “Thằng bé sẽ quay về với kiến thức có được để đưa nghề nuôi rắn lên một tầm cao mới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo