Khám phá

Ngôi vị Hoàng hậu được đổi bằng giá đắt nhất lịch sử Trung Hoa

Cuộc đời Hoắc Thành Quân chìm trong âm mưu và toan tính của gia tộc. Ngôi vị hoàng hậu của bà còn phải trả giá bằng cuộc thanh trừng đẫm máu nổi tiếng nhất trong lịch sử Hán triều.

Bí ẩn ' rùng mình' đằng sau hậu cung của Tần Thủy Hoàng / Hoàng hậu "phóng túng", công khai quyến rũ bạn chồng

Từ cổ chí kim, địa vị mẫu nghi thiên hạ vốn là niềm mơ ước, là khát vọng "hóa phượng hoàng" của hầu hết phụ nữ phong kiến.

Nhưng cũng chính sức hấp dẫn của ngôi vị dưới một người trên vạn người này, hậu cung Trung Quốc đã trở thành nơi "mưa máu gió tanh", hiểm ác không kém gì chính trường.

Trong những cuộc chiến thâm cung tranh giành ngôi hậu, âm mưu đẫm máu và kết cục bi thảm nhất lại thuộc về một Hoàng hậu Hán triều, được sử cũ gọi là Hiếu Tuyên Hoắc Hoàng hậu – Hoắc Thành Quân.

Chiếc mũ phượng đẫm máu của Hoắc Hoàng hậu

Hoắc Thành Quân (87 TCN – 54 TCN), là con gái của Tư Mã Đại tướng quân, Bác Lục Tiêu thành hầu Hoắc Quang. Bà cũng là vị Hoàng hậu thứ hai của Hán Tuyên Đế Lưu Tuân – vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Hán.

Năm 74 TCN, nhờ sự giúp đỡ của gia tộc họ Hoắc, Lưu Tuân lên ngôi, sử cũ gọi là Hán Tuyên Đế. Lúc bấy giờ, tân đế muốn lập hậu. Các đại thần trong triều bấy giờ tiến cử tiểu thư của đại tướng quân Hoắc Quang là Hoắc Thành Quân.

Hoắc Thành Quân lớn lên trong một gia đình có quyền lực chính trị tột đỉnh vào thời đó, không thua kém gì hoàng thất. (Ảnh: phim Vân Trung Ca).

Trước những lời này, Lưu Tuân không ra mặt từ chối, nhưng quần thần hiểu rằng Hoàng thượng muốn sắc phong cho thê tử kết tóc là Hứa Bình Quân làm Hoàng hậu, nên đành thuận theo ý Thiên tử.

Việc này đương nhiên khiến cho Hoắc gia, đặc biệt là Hiển phu nhân (vợ Hoắc Quang, mẹ Hoắc Thành Quân) vô cùng tức giận. Để "dọn đường" cho con gái lên ngôi mẫu nghi thiên hạ, Hoắc phu nhân bắt đầu bày mưu tính kế phế bỏ Hứa Hoàng hậu.

Không lâu sau đó, triều đình được tin Hứa Hoàng hậu mang thai người con thứ hai. Khi ấy, Hiển phu nhân đã nhanh chóng tranh thủ cơ hội trừ khử hai mẹ con Hoàng hậu.

Vào khoảng thời gian Hứa Bình Quân sắp sinh, vị phu nhân họ Hoắc này đã mua chuộc nữ y Thuần Vu Diễn để hạ độc Hoàng hậu.

Thuần Vu Diễn muốn chồng mình được Hoắc Quang thăng chức nên nhận lời Hiển phu nhân, dùng phụ tử (rễ củ của cây Ô đầu) cho vào thuốc để Hứa Hoàng hậu ăn uống.

 

Không lường trước được âm mưu nanh nọc của họ Hoắc, Hứa Bình Quân nhanh chóng bị trúng độc và qua đời, mang theo cả người con chưa kịp chào đời đã buông tay trần thế.

Ngôi vị Hoàng hậu được đổi bằng giá đắt nhất lịch sử Trung Hoa - Ảnh 2.
Trước cái chết đầy khuất tất của người vợ kết tóc, Tuyên Đế vô cùng đau buồn, ban tặng Hứa Bình Quân thụy hiệu là Cung Ai Hoàng hậu, chôn cất tại phía nam vườn Đỗ Lăng. Cũng từ đó, ông quyết tâm trả thù gia tộc họ Hoắc. (Ảnh minh họa).

Do có sự can thiệp của gia tộc họ Hoắc, Hán Tuyên Đế Lưu Tuân dù căm giận nhưng cũng không thể làm được gì. Thế lực của Hoắc Quang lúc bấy giờ quá lớn, lại là đại tướng quân nắm giữ binh quyền, ngay tới Hoàng đế cũng phải kiêng nể mấy phần.

Sau khi Hứa Hoàng hậu qua đời, Lưu Tuân đành phải thuận theo Hoắc gia, sắc phong Hoắc Thành Quân làm Hoàng hậu vào năm 70 TCN. Vậy nhưng, Tuyên Đế vẫn lập con của Hứa hậu là Lưu Thích làm Thái tử.

Chính hành động này của Hán Tuyên Đế đã trở thành mồi lửa châm ngòi một cuộc thanh trừng đẫm máu trong lịch sử Hán triều.

Ngôi vị Hoàng hậu "đắt giá" và cuộc thanh trừng gia tộc

 

Năm 68 TCN, đại tướng quân Hoắc Quang lâm bệnh qua đời. Mặc dù trụ cột lớn nhất của gia tộc đã mất, nhưng con cháu Hoắc gia liên tục vào triều làm quan, Hoắc Thành Quân lại đang ở ngôi Hoàng hậu, bởi vậy thế lực của dòng họ này càng được thế bành trướng.

Tuyên Đế từ lâu đã có ý định tiêu diệt họ Hoắc để trừ hậu họa và trả thù cho Hứa Hoàng hậu nên đã ra lệnh điều tra về cái chết năm xưa của Hứa Bình Quân.

Không chỉ vậy, Lưu Tuân còn từng bước triệt tiêu quyền lực của gia tộc này. Ông phong cho Hoắc Vũ (con trai Hoắc Quang) làm Đại Tư mã nhưng không có thực quyền, đồng thời tước binh quyền của Triệu Bình (con rể Hoắc Quang).

Lúc bấy giờ, Hiển phu nhân lo sợ Lưu Tuân tra ra việc mình đã đầu độc Hứa Hoàng hậu, liền liên thủ cùng Hoắc Vũ, bí mật lên kế hoạch trừ khử các đại thần chống đối Hoắc gia và phế bỏ Tuyên Đế.

Âm mưu còn chưa thành, Hoắc gia đã bị Hoàng đế vạch trần tội phản nghịch. Mối thù giết vợ khi xưa chưa trả, nay lại thêm tội danh mưu phản, Tuyên đế đã ra lệnh xóa sổ cả gia tộc họ Hoắc.

 

Ngôi vị Hoàng hậu được đổi bằng giá đắt nhất lịch sử Trung Hoa - Ảnh 3.
Nợ cũ thêm thù mới, gia tộc họ Hoắc đã bị Tuyên Đế tru sát không thương tiếc. (Tranh minh họa).

Theo đó, Hoắc Ngẫu bị chém chết tại trận, Hoắc Sơn và Hoắc Vân buộc phải tự sát. Toàn bộ Hoắc gia phải chịu họa diệt môn, có tới hơn 1.000 người liên lụy và bị sát hại, chỉ còn người con rể là Kim Thưởng do biết việc tố cáo nên được xá miễn.

Lúc bấy giờ, Lưu Tuân sai người hạch tội Hoắc Thành Quân:

"Thân làm Hoàng hậu, nhưng lòng dạ hiểm độc, không làm tròn "nữ tắc", nhiều lần mưu sát Thái tử không thành, không có tình nhân ái của người mẹ, không thể hầu phụng Tông Miếu, càng không thể gánh vác ngôi vị Hoàng hậu."

Ngôi vị Hoàng hậu được đổi bằng giá đắt nhất lịch sử Trung Hoa - Ảnh 4.
Vừa "hất cẳng" gia tộc họ Hoắc, Hán Tuyên Đế đã nhanh chóng "ngả bài" với Hoắc Hoàng hậu. (Ảnh minh họa).

Hoắc Hoàng hậu lập tức bị truất phế, đày vào lãnh cung Chiêu Thái. Mười mấy năm sau, Tuyên Đế Lưu Tuân lại hạ chỉ đưa Hoắc Thành Quân xuống ở nơi xa xôi, hẻo lánh có tên Vân Lâm quán.

Một người xuất thân cao quý như Hoắc Thành Quân khó có thể chịu được khuất nhục này. Trong lúc uất ức, bà đã chọn cách tự sát để giã từ cõi đời.Sau khi qua đời, Hoắc Thành Quân được an táng ở đông đình Tôn Ngô.

 

Ngôi vị Hoàng hậu đổi bằng tính mạng gia tộc của bà được truyền lại cho Vương thị, còn Hoắc Thành Quân cứ như vậy kết thúc một đời mưu toan và tranh đấu trong sự ghẻ lạnh của Hoàng đế và người đời.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm