Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, một kết quả nghiên cứu vừa công bố cho biết người Ai Cập cổ đại đã biết ướp xác từ cách đây hơn 5.000 năm trước, sớm hơn 1.500 năm so với những kết quả nghiên cứu trước đó.
Một nhóm nghiên cứu Ai Cập cổ đại do tiến sỹ Jana Jones thuộc Đại học Tổng hợp Macquarie (Australia) đứng đầu, đã sử dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, trong đó có kỹ thuật phân tích hóa chất và vải, phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ để phân tích và làm các xét nghiệm về một xác người Ai Cập thời tiền sử.
Đây là xác ướp của người đàn ông có tuổi từ khoảng năm 3.600 năm trước Công nguyên, được bảo quản tại Bảo tàng Turin (Italy) và vẫn trong tình trạng nguyên vẹn.
Trước đây, người ta cho rằng xác của người đàn ông này bị khô tự nhiên do vùi trong cát sa mạc khô và nóng, nhưng nghiên cứu mới khẳng định xác đã được bảo quản.
Tiến sỹ Jana Jones và các cộng sự đã tìm thấy những bằng chứng thuyết phục rằng người Ai Cập đã ướp xác từ 1.500 năm trước đó.
Cùng với một số nghiên cứu khác, kết quả nghiên cứu này cho thấy người Ai Cập cổ đại sống trước thời Pharaoh khoảng 1.500 năm hoặc lâu hơn nữa đã có kiến thức về cách bảo quản xác và tiến hành những nghi lễ tôn giáo liên quan đến kiếp sau.
Nghiên cứu của tiến sỹ Jones và cộng sự được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học.
Đây cũng là lần đầu tiên kết quả phân tích sinh hóa đối với xác ướp kể trên và vật liệu được người xưa sử dụng để bọc quanh có tác dụng bảo quản xác chết được công bố.
Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra được những bằng chứng khoa học thuyết phục về việc sử dụng nhựa cây từ rất sớm để ướp xác.
Nhựa cây ở đây được lấy từ một số loài cây, cụ thể là nhựa thông, và là một nguyên liệu có tác dụng bảo quản, được trộn vào hỗn hợp dùng để ướp xác.
Vải đã được nhúng vào hỗn hợp nhựa đun chảy cùng với hương liệu sau đó dùng để quấn xác.
Nhựa thông và hương liệu được cho là hai chất kháng khuẩn chính để ngăn chặn côn trùng và bảo quản các phần mềm.
Tiến sỹ Jones cho biết các phương pháp bọc thi thể của người chết được phát hiện trên các xác chết thời tiền sử (khoảng 4.500-3.350 năm trước Công nguyên) khai quật được ở Badari và Mostagedda đã thu hút sự chú ý của bà trong hơn 10 năm qua.
Năm 2002, bà đã tiến hành xét nghiệm các mẫu vật, trong đó có những mảnh vải liệm thi thể, vốn đã được chuyển đến nhiều bảo tàng ở Anh từ những 1930 của thế kỷ trước.
Trước đó, các xác ướp được quấn vải ở nhiều địa điểm ở Ai Cập thường không được xem xét cẩn trọng kỹ càng khi khai quật, vì khi đó vào thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 người ta chỉ quan tâm đến những đồ tạo tác được chôn cùng với xác chết.
Bên cạnh vấn đề tâm linh và đức tin, điều kiện thời tiết khô ở Ai Cập cũng rất thuận lợi cho việc ướp xác tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy Ai Cập không chỉ nổi tiếng với kim tự tháp mà còn được biết đến với các xác ướp huyền bí mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn còn đang tiếp tục dày công nghiên cứu.