Khám phá

Người phụ nữ dành cả cuộc đời vì động vật hoang dã

Được xem như người “mẹ” của những chú báo nhỏ, Nhà tự nhiên học Joy Adamson đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở châu Phi để theo đuổi niềm đam mê với động vật hoang dã.

Biến đổi gene kỳ bí mang tên 'hiện tượng một mắt' / Những hiện tượng lạ tưởng chỉ có trong... cổ tích

Năm 1960, cuốn sách Born Free của bà, miêu tả cuộc phiêu lưu của mình với một chú sư tử con có tên là Elsa đã gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả trên khắp thế giới, thúc đẩy sự quan tâm của mọi người đến việc bảo tồn động vật ở châu Phi.

Câu chuyện về nhà văn, nhà tự nhiên học, nhà bảo vệ động vật nổi tiếng Joy Adamson bắt đầu ở châu Âu quê hương bà. Sinh ra ở Friederike Victoria Gessner, lớn lên ở Troppau, một phần của đế quốc Áo-Hung, hiện nay là Opava, cộng hòa Séc, Adamson từ nhỏ đã được hưởng một cuộc sống giàu có và đặc quyền bởi bà là con gái của một kiến ​​trúc sư giàu có.

Chân dung nhà tự nhiên học Joy Adamson.

Adamson kết hôn lần đầu tiên vào năm 1935, trở thành vợ của doanh nhân Victor von Klarwill. Sau khi kết hôn, Klarwill đã sắp xếp cho Adamson chuyến đi đến châu Phi một mình để tìm hiểu xem vùng đất đó có thích hợp cho họ chuyển đến sinh sống hay không. Trong hành trình của mình, Adamson đã gặp một người đàn ông khác là nhà thực vật học Peter Bally. Tình yêu nảy nở ở vùng đất mới, Adamson quyết định ở lại châu Phi và ly hôn chồng. Bà kết hôn với Bally vào năm 1937. Ông đã đặt cho bà biệt danh "Joy" – cái tên gắn liền với Adamson trong suốt quãng đời còn lại.

Cùng với Bally, Adamson đã dành thời gian nghiên cứu hệ thực vật của châu Phi. Cùng với đó, bà còn nghiên cứu các tộc người nơi đây để khắc họa nên chân dung của cư dân đến từ các nền văn hoá bản địa. Tuy vậy, cuộc hôn nhân thứ hai của Adamson chỉ kéo dài 5 năm. Năm 1942, sau khi đã ly hôn chồng, Adamson đã gặp một người quản lý khu vực cấm săn bắn có tên là George Adamson. Hai người sau đó đã kết hôn rồi di chuyển đến Đông Phi để phục vụ công việc của George. Họ cùng nhau sống và làm việc trong những trại lều.

Năm 1956, trong một chuyến tuần tra, George đã bắn một con sư tử cái để tự vệ. Tuy nhiên ngay sau đó ông phát hiện ra rằng, con sư tử cái chỉ tấn công để bảo vệ 3 đứa con của nó. George đã đưa những con sư tử con về nhà để nuôi. Hai trong số 3 con sư tử con được đưa đến một vườn thú để nuôi dưỡng, con còn lại được Adamson giữ lại nuôi và đặt tên là Elsa. Bà đã tạo dựng một mối liên hệ chặt chẽ với Elsa trong quá trình nuôi nó lớn lên. Trong quyển sách Born Free (1960), bà đã mô tả tỉ mỉ mối quan hệ của mình với Elsa lớn dần theo năm tháng cùng những nỗ lực để đưa nó trở lại thế giới hoang dã. Adamson đã viết rằng: “Elsa gần như là con của tôi bởi tôi không có con. Vì vậy, tôi đã dành tất cả tình cảm của mình cho nó cùng những con vật khác của mình. Tuy vậy, tôi không thể biến chúng trở thành thứ sở hữu của riêng mình”.


Bà đã dành sự quan tâm chăm sóc những chú báo nhỏ như những đứa con của mình.

Quyển sách của Adamson trở thành tác phẩm best seller trên khắp thế giới. Thành công của nó đã nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải bảo tồn động vật hoang dã ở châu Phi. Adamson sau đó còn viết thêm hai cuốn sách về Elsa và các vật nuôi của cô, đó là cuốn Living Free (1961) và Forever Free (1962). Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm và sự quan sát của mình thông qua những trang sách, Adamson thành lập nhóm bảo tồn riêng của mình có tên là Elsa Wild Animal Appeal.

 

Năm 1966, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Born Free đã tạo nên tiếng vang lớn trên thế giới. Bộ phim cũng có sự tham gia của Joy Adamson. Sau khi bộ phim này ra mắt khán giả, Adamson đã nuôi thêm một con báo nhỏ đươc bà đặt tên là Pippa. Giúp Pippa học cách để trở thành một chú báo hoang dã đã trở thành chủ đề của cuốn sách mang tên The Spotted Sphinx của Adamson xuất bản năm 1969.

Adamson đã dành sự quan tâm những năm cuối đời cho những con báo. Bà được tặng một con báo vào năm 1976 và đặt tên là Penny, sau đó bà chuyển đến sống tại một khu vực nơi có thể quan sát những con báo khác trong tự nhiên. Ngoài các nghiên cứu về động vật, Adamson còn dành thời gian để viết tự truyện, đó là cuốn The Searching Spirit xuất bản năm 1979.

Những hoạt động không biết mệt mỏi của Joy Adamson đãđẩy sự quan tâm của mọi người đến việc bảo tồn động vật hoang dã ở châu Phi.

Vào đêm ngày 3/1/1980, Adamson đi dạo vào buổi tối như thường lệ và không bao giờ còn trở về nhà nữa. Thi thể của bà đã được tìm thấy cách đấy không xa. Vài ngày sau, chính quyền xác định rằng Adamson đã bị đâm chết.

Nhiều người trên thế giới bàng hoàng bởi cái chết bi thảm của Adamson. Quỹ Động vật hoang dã thế giới đã gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của bà. Trong một tuyên bố, tổ chức này đã ca ngợi Adamson là người đã có khả năng tạo mối liên hệ gần gũi giữa động vật hoang dã và con người, đồng thời ghi nhận việc giúp đỡ động vật hoang dã của bà ở khắp mọi nơi. Ngay sau khi qua đời, cuốn sách cuối cùng của Adamson có tên Queen of Shaba đã được ra mắt, trong đó mô tả chi tiết những nghiên cứu của bà về loài báo.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm