Khám phá

Người trong bóng tối

Ngày 24/6, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo: Họ chính thức đặt tên trụ sở là Mary Winston Jackson. Hành trình của nữ kỹ sư da màu đầu tiên trong lịch sử NASA là một câu chuyện đầy cảm hứng về một con người vượt qua mọi định kiến về chủng tộc và giới tính để được thừa nhận, dù công chúng chỉ nhắc đến bà sau khi qua đời.

Có đại dương và sự sống ở hành tinh "thần chết"? / Vật liệu lạ ngoài hành tinh giúp tìm ra sự sống

Suýt bị lãng quên

Năm 2016, nữ văn sĩ Margot Lee Shetterly ra mắt cuốn sách có tên “Con người trong bóng tối: Câu chuyện về những phụ nữ gốc Phi giúp nước Mỹ chinh phục vũ trụ”. Cuốn sách nhanh chóng trở thành hiện tượng xã hội tại Mỹ. Bộ phim chuyển thể từ truyện sau đó còn thu về hơn 250 triệu USD tại các phòng vé, và nhận về ba đề cử Oscar.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Việc mọi người không biết đến Jackson và những phụ nữ da màu khác từng làm việc tại NASA từ những ngày đầu tiên là chuyện rất bình thường. Ngay cả tôi cũng không hề biết”, tác giả Shetterly chia sẻ. Bà chỉ nghe kể về Jackson qua hồi tưởng của cha mình, một nhà nghiên cứu đã về hưu từng làm việc cùng Jackson. Vậy người phụ nữ này đã làm gì trong những ngày ở NASA? Vì sao cống hiến của bà chưa bao giờ được ghi nhận? Nghĩ vậy, Shetterly liền dành vài năm thu thập tài liệu để viết “Con người trong bóng tối”.

Nhờ Shetterly nhắc tên suốt 368 trang giấy, công chúng mới biết NASA từng có một người hùng thầm lặng là Mary W.Jackson. Điều đáng tiếc duy nhất là bà không thể chứng kiến thời khắc mình được thừa nhận. 11 năm trước khi trở thành người phụ nữ được nhắc tên nhiều hơn cả ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton, Jackson qua đời trong yên bình tại nhà riêng ở Hampton, bang Virginia. Nhưng kể từ ngày tên tuổi Jackson bắt đầu được công chúng biết đến, mọi thứ dần thay đổi.

Năm 2018, Hội đồng Giáo dục thành phố Salt Lake thảo luận về việc đổi tên một trường tiểu học tại địa phương. Nơi này vốn mang tên Andrew Jackson - Tổng thống thứ bảy trong lịch sử nước Mỹ, vì thế ban đầu các Ủy viên đề xuất giữ nguyên tên cũ. Nhưng sau khi xem xét mọi lựa chọn, Hội đồng quyết định đặt tên mới là Trường tiểu học Mary W.Jackson. Một năm sau, Mary W.Jackson được truy tặng Huân chương Quốc hội Mỹ.

Từ cô tiếp tân đến kỹ sư NASA

 

Sinh ra trong một gia đình lao động, trong giai đoạn phân biệt chủng tộc vẫn còn rất nặng nề tại Mỹ, cách duy nhất để cô bé Mary Winston được giáo dục đầy đủ là theo học tại trường dành riêng cho học sinh da màu. Trí thông minh thiên bẩm cùng sự chăm chỉ hơn người giúp bà tốt nghiệp hai bằng cử nhân chuyên ngành Toán và Vật lý tại Trường đại học Hampton khi mới 21 tuổi.

Với một phụ nữ da màu Mỹ ở những năm 40 của thế kỷ trước, việc có thành tích học tập tốt vẫn không bảo đảm cơ hội tìm việc làm ổn định. 10 năm đầu sau khi ra trường, Jackson phải làm rất nhiều việc để kiếm sống, từ giáo viên, trông coi thư viện, thư ký, thậm chí là cả nhân viên tiếp tân cho một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại địa phương. Bước ngoặt chỉ đến với Jackson vào năm 1951, khi bà được tuyển vào làm tại Ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia Mỹ (NACA), tiền thân của NASA ngày nay.

Những ngày đầu tiên làm việc tại NACA của Jackson không hề dễ dàng. Tình trạng phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới tính diễn ra ngang nhiên và công khai ngay trong trụ sở. Người da màu phải làm việc ở một khu vực riêng biệt, cấm được bén mảng sang văn phòng của người da trắng. Jackson còn bị gọi bằng cái tên đầy kỳ thị là “người máy”. Không có nhiều việc để làm trong hai năm đầu tiên đó, Jackson suýt bỏ cuộc vào lúc bà gặp người thầy của đời mình.

Năm 1953, Jackson đồng ý chuyển sang làm việc tại phòng thí nghiệm của kỹ sư Kazimierz Czarnecki. Họ không mất nhiều thời gian để phát triển một loại động cơ nhanh gấp đôi vận tốc âm thanh. Nhận thấy tiềm năng to lớn của trợ lý, người đàn ông da trắng gốc Ba Lan hết lòng khuyên cô gái da màu tự tin hơn. “Em đừng hài lòng ở vị trí của một nhân viên như hiện tại. Em phải học để trở thành kỹ sư, rồi sau đó thành chuyên gia hàng không vũ trụ”, Czarnecki thôi thúc.

Được người thầy hơn mình năm tuổi động viên, Jackson quyết tâm vươn lên. Ban ngày bà làm việc ở NASA, đến tối lại ghé Trường đại học Virginia để theo học các khóa bổ túc về Toán học và Vật lý. Jackson là học viên da màu duy nhất giữa những bạn học da trắng. Quá trình vừa học vừa làm đó kéo dài đến 5 năm, và nỗ lực cuối cùng cũng cho trái ngọt. Năm 1958, Jackson chính thức nhận chứng chỉ kỹ sư NASA. Bà chính là phụ nữ da màu đầu tiên trong lịch sử tổ chức này làm được điều đó.

 

Nụ cười trong căn phòng tối

Trong gần ba thập niên sau khi trở thành kỹ sư của NASA, Jackson chủ yếu đảm trách công việc phân tích dữ liệu từ động cơ phản lực. Nhờ những công trình nghiên cứu của bà, ngành hàng không dần đạt được độ an toàn ngày càng cao hơn trước kia. Ngày Neil Armstrong cắm cờ trên mặt trăng, Jackson ngồi mỉm cười lặng lẽ trong văn phòng. Bà không cần được công chúng biết đến, vì điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc hằng ngày.

Người trong bóng tối -0

Bên cạnh việc nghiên cứu động cơ phản lực, Jackson còn là tác giả của 12 công trình nghiên cứu cùng người thầy Czarnecki. Họ duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong suốt nhiều năm sau đó. Ngày Czarnecki chính thức nghỉ hưu, Jackson được ông nhờ tổ chức tiệc chia tay. Trong những năm cuối ở NASA, Jackson dần chuyển sang công tác quản lý và hỗ trợ phụ nữ da màu làm việc trong tổ chức này.

Trong 20 năm cuối đời, Jackson dù không còn làm việc ở NASA nhưng vẫn là người rất có sức ảnh hưởng. Không ít nhà khoa học và kỹ sư đã vào NASA làm việc nhờ được Jackson chỉ lối. Các nhân viên mới vào làm việc tại đây luôn được nghe câu chuyện về tấm gương của Jackson, một người vượt qua định kiến về chủng tộc và giới tính để vươn đến thành công, ở nơi vốn chỉ dành cho đàn ông da trắng.

Ngày 11-2-2005, Jackson qua đời trong yên bình. Điều trùng hợp là Jackson tạ thế đúng 13 ngày sau khi nhận tin người thầy Czarnecki từ trần. Bà để lại một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ, một gia đình hạnh phúc, và một bài học lớn cho thế hệ sau. Câu chuyện về cuộc đời Jackson có thể được công bố khá muộn sau khi bà mất, nhưng giá trị vẫn luôn còn đó.

 

Công chúng có thể không biết đến Jackson, nhưng mọi người ở NASA đều nhớ đến bà. “Jackson đã giúp chúng ta trở thành một tổ chức đa chủng tộc, đa văn hóa, với những con người có xuất thân khác nhau nhưng có chung một mục tiêu vươn đến thành công”, NASA khẳng định, trong ngày đặt tên bà cho trụ sở chính.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm