Khám phá

Người và động vật cùng bị ảo ảnh thị giác

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các loài động vật cũng có thể rơi vào trạng thái ảo giác tương tự con người, hơn nữa chúng còn biết tạo ra ảo giác để phục vụ cho một số mục đích như tìm bạn tình hay lẩn trốn kẻ thù.

Cây độc: Trong nhà có trẻ nhỏ, bạn không nên trồng Xương Rồng Bát Tiên vì lý do này! / Cây độc: Nên cân nhắc khi trồng chuỗi ngọc treo bởi chất độc trên toàn thân cây

Có nhiều loại ảo ảnh thị giác

Bạn nhìn thấy con vật nào? Thỏ hay vịt?

Bạn nhìn thấy con vật nào? Thỏ hay vịt?

Ảo ảnh thị giác, như ảo ảnh rabbit-duck (thỏ-vịt) và café wall (tường café) trong hình khá thú vị bởi chúng cho thấy sự khác biệt giữa thực tế và cảm giác của chúng ta khi nhìn hình. Thế nhưng hiểu biết của chúng ta về các loại ảo giác vẫn bị hạn chế khá nhiều do những nghiên cứu chỉ được tiến hành trên con người.

Có thể bạn sẽ thấy đây là những đường đen-trắng

Có thể bạn sẽ thấy đây là những đường đen-trắng "xô lệch" vào nhau, nhưng thực chất, chúng là những đường thẳng song song với nhau.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các loài động vật cũng có thể rơi vào trạng thái ảo giác tương tự con người. Với các nhà thần kinh học và tâm lý học, ảo giác không chỉ tiết lộ cách thức các hình ảnh nhìn thấy được giải thích và tái diễn trong đầu mà còn cho thấy những hạn chế trong khả năng quan sát của chúng ta. Có đến hàng trăm kiểu ảo giác khác nhau, những ảo giác này có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về kích cỡ, chuyển động, màu sắc, độ sáng, hình dạng ba chiều và nhiều yếu tố khác.

Từ nhiều thế kỷ trước, các nghệ sĩ, kiến trúc sư và các nhà thiết kế đã biết lợi dụng hiệu ứng của ảo giác để làm sai lệch thị giác của chúng ta, thường là về kích cỡ, độ dài hay khoảng cách. Chẳng hạn như các kiến trúc sư người Hy Lạp cổ đại đã thiết kế những chiếc cột với hình dáng thon và hẹp dần về phía đỉnh, đứng dưới mặt đất nhìn lên sẽ có cảm giác tòa nhà cao hơn. Loại ảo giác này được gọi là “forced perspective”, thường được ứng dụng trong các vườn cây cảnh và thiết kế sân khấu để làm đối tượng xuất hiện xa hơn, gần hơn, to hơn hoặc nhỏ hơn so với thực tế.

 

Một tác phẩm sử dụng hiệu ứng Forced perspective ấn tượng

Một tác phẩm sử dụng hiệu ứng Forced perspective ấn tượng

Do quá trình xử lý hình ảnh cần phải vừa nhanh vừa chính xác nên não bộ liên tục phải phân tích một cách nhanh chóng, đôi khi có thể dẫn đến những giả định sai lệch. Ví dụ như não sẽ phân tích các giả định và thông tin hình ảnh xung quanh một vật thể (như mức độ ánh sáng hay những mảng tối) và theo đó điều chỉnh cảm nhận của chúng ta về màu sắc.

Thực tế hai ô vuông chứa hoa thị có cùng màu sắc

Thực tế hai ô vuông chứa hoa thị có cùng màu sắc

 

Điều này có thể được minh họa bằng ảo ảnh do những ô vuông màu sắc gây ra. Thực tế, cả 2 ô vuông có dấu hoa thị đều có chung một màu sắc, tuy nhiên ô vuông ở mặt bên trên (mặt có ánh sáng chiếu trực tiếp) lại hiện lên là màu nâu, trong khi ô vuông ở mặt bên phía khuất sáng lại biến thành màu cam, nguyên nhân chính là do bộ não của chúng ta điều chỉnh cảm nhận về màu sắc dựa vào điều kiện ánh sáng.

Động vật cũng bị ảo giác và biết gây ra ảo ảnh thị giác

Quan điểm cho rằng màu sắc của động vật có thể đánh lừa thị giác đã được khởi xướng bởi họa sĩ kiêm nhà tự nhiên học người Mỹ Abbott Thayer cùng con trai mình là Gerald từ hơn 100 năm trước. Thayer đã chú ý đến “những thủ thuật thị giác” mà các họa sĩ sử dụng và ông lập luận rằng màu sắc của cơ thể động vật có thể tạo ra những hiệu ứng đặc biệt, giúp cho những động vật với vẻ ngoài sặc sỡ có thể ẩn mình ngụy trang.

Trong một nghiên cứu gần đây về ảo giác ở động vật (và về các hình thức đánh lừa cảm giác khác nhau), các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng củng cố cho những ý tưởng ban đầu của Thayer. Dù bằng chứng này mới chỉ xuất hiện gần đây nhưng có vẻ như động vật cũng giống con người, có thể cảm nhận và tạo ra nhiều loại ảo ảnh thị giác.

Động vật sử dụng các tín hiệu bằng hình ảnh (chẳng hạn như màu sắc cơ thể) cho rất nhiều mục đích, bao gồm cả tìm bạn tình và lẩn tránh kẻ thù. Và ảo giác có thể đóng vai trò quan trọng trong rất nhiều tình huống.

 

Chim bowerbird- những nghệ sĩ đa tài

Chim bowerbird- những nghệ sĩ đa tài

Loài chim bowerbird to lớn (còn gọi là chim lùm cây, loài chim xây tổ công phu thường sống ở Úc) có thể coi là nghệ sĩ bậc thầy trong việc gây ảo giác. Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học khẳng định rằng những con chim trống không những trang trí tổ cho đẹp mà cách thiết kế và trang hoàng của chúng còn làm cho cái tổ và chính chúng trông lớn hơn so với kích thước thật. Giống như các kiến trúc sư Hy Lạp, những con trống cũng dựng nên những ảo giác “forced perspective” để tác động đến nhận thức về kích cỡ của con mái, từ đó biến mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt bạn tình.

Các loài động vật khác cũng có thể mượn môi trường xung quanh để khiến đối tượng nhìn vào có cảm giác khác biệt về kích thước. Những con cáy cái thích giao phối với những con đực có càng lớn. Nếu một con cáy đực đứng giữa hai con đực có càng nhỏ, đương nhiên nó sẽ hấp dẫn trong mắt con cái hơn so với lúc nó đứng giữa hai con đực với càng bự hơn của nó (bởi khi đó trông nó có vẻ lớn hơn).

Ảo ảnh Ebbinghaus

Ảo ảnh Ebbinghaus

 

Hiệu ứng đó được gọi là ảo ảnh Ebbinghaus (xem hình). Trên thực tế, 2 vòng tròn màu cam có cùng kích cỡ. Chính kích thước và khoảng cách các vòng tròn bên cạnh với vòng tròn trung tâm đã đánh lừa não bộ về độ lớn, rộng của hai vòng tròn màu cam. Minh họa này cho thấy những con đực có thể dễ dàng làm tăng sức hấp dẫn của mình bằng cách đứng giữa những đối thủ cạnh tranh kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cho thấy những con cáy đực áp dụng “chiêu” ảo giác này.

Cho đến nay vẫn còn rất nhiều điều chưa được khám phá về quá trình động vật xử lý thông tin hình ảnh, bởi vậy những hiệu ứng cảm giác do ảo giác gây ra hiện vẫn chưa được kiểm chứng. Chỉ biết rằng tác động của ảo giác đến các giống loài là khác nhau và mỗi loài lại có một thế giới cảm quan riêng với những quy tắc và ràng buộc khác nhau.

Trong nửa thế kỷ qua, các nhà khoa học đã nhận ra rằng khả năng cảm nhận của động vật có thể hoàn toàn khác với con người. Những ảo ảnh thị giác là một yếu tố quan trọng để xác định sự nhận thức của động vật về thế giới xung quanh.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm