Khám phá

Người vợ bất hạnh bị chồng biến thành công cụ kiếm tiền

Suốt những năm giữa thế kỷ thứ 19, Julia Pastrana bị coi là ‘người phụ nữ xấu xí nhất thế giới’, thậm chí còn bị cho là con lai giữa người và đười ươi.

Những vụ phạm tội kỳ lạ nhất nước Mỹ năm 2019 / Lạ đời vị mỹ nhân quốc sắc cả đời... "không tắm" lại được hoàng đế trọng vọng, cung đình kính nể

Người vợ bất hạnh bị chồng biến thành công cụ kiếm tiền
Julia Pastrana.

Sinh năm 1834 ở Mexico, Julia Pastrana mắc 2 chứng bệnh hiếm gặp: một là mọc lớp lông dày trên khắp cơ thể, hai là xương hàm nhô ra trông giống miệng khỉ.

Với ngoại hình xấu xí và kỳ dị, Julia bị xa lánh và ghẻ lạnh. Thậm chí, mẹ cô cũng cho rằng ngoại hình của con gái là kết quả của một thứ kỳ bí, siêu nhiên nào đó.

Không chịu nổi sự ghẻ lạnh của dân làng, mẹ cô ôm con chạy trốn.

2 năm sau, trong khi người dân đi tìm bò bị mất tích, họ phát hiện ra Julia và mẹ đang sống trong một hang núi. Người ta đưa cô đến một thành phố gần nhất và gửi cô vào trại trẻ mồ côi.

Khác với ngoại hình xấu xí, Julia có tính cách ngọt ngào, thông minh và giọng hát hiếm có. Sau khi nghe chuyện của Julia, thị trưởng thành phố nhận cô về nuôi nhưng vị trí của Julia trong nhà giống như một cô hầu gái.

 

Cô ở với gia đình thống đốc đến năm 20 tuổi thì quyết định quay trở về ngôi làng của mình. Nhưng trên đường về nhà, cô bị một người đàn ông Mỹ thuyết phục rằng nên dành cuộc đời của mình cho các sân khấu.

Ngay lập tức, cô trở thành một trong những hiện tượng kỳ lạ và gây tò mò nhất thế kỷ thứ 19.

Người vợ bất hạnh bị chồng biến thành công cụ kiếm tiền
Tấm 'poster' quảng cáo buổi biểu diễn của Julia.

Tháng 12/1854, lần đầu tiên lên sân khấu ở thành phố New York, cô mặc chiếc váy đỏ, hát bài dân ca Tây Ban Nha, nhảy điệu Highland Fling. Đám đông đổ xô đến xem Julia biểu diễn và để tận mắt nhìn được nhan sắc của cô.

Khi tới New York, Julia kết hôn với Theodore Lent – người mà sau đó đã trở thành quản lý của cô.

‘Cô ấy đã yêu Lent’- tác giả Jan Bondeson, người từng viết sách về Julia nói.

 

Thế nhưng, đáp lại tình yêu ấy, Theodore kết hôn với Julia chỉ nhằm mục đích kiểm soát và dùng cô làm công cụ kiếm tiền.

Theodore đưa vợ đi khắp châu Âu - nơi mà một số tờ báo và cuốn sách đã không ngại ngần gọi cô là ‘người khỉ’ hay ‘xấu xí đến tột cùng’.

Đã có nhiều bác sĩ gặp Julia để kiểm tra về tình trạng của cô nhưng hầu hết các câu hỏi họ đều hướng về Thoedore, trong khi Julia chỉ im lặng.

Đó cũng là cách mà Theodore muốn. Việc lợi dụng Julia trên sân khấu đã giúp Theodore trở nên giàu có.

Người vợ bất hạnh bị chồng biến thành công cụ kiếm tiền
Julia bị đem ra trưng bày ngay cả khi đã chết.

Không rõ Julia nghĩ gì về Theodore, nhưng có vẻ như cô thực sự yêu thương và tận tuỵ vì anh ta.

 

Julia bị cấm đi ra ngoài cả ngày vì Theodore lo ngại rằng việc cô xuất hiện thường xuyên trước công chúng sẽ làm giảm sự nổi tiếng của cô xuống. Cô chỉ được đến rạp xiếc vào ban đêm khi đã đeo mạng che mặt.

Cô cũng có rất ít bạn bè. Ca sĩ, diễn viên Friederike Gossman là một trong số đó. Gossman từng nói rằng Julia luôn có một nỗi buồn nhè nhẹ trên gương mặt. Nhưng chính Julia đã từng kiên quyết nói với Gossman: ‘Chồng tôi yêu tôi là vì chính bản thân tôi’.

Francis Buckland, một nhà sử học người Anh đã viết trong một cuốn sách xuất bản năm 1868 rằng Julia có một giọng hát ngọt ngào, có khiếu âm nhạc và nhảy múa. Ngoài ra, cô còn nói được 3 thứ tiếng.

‘Cô ấy rất hào phóng, thường xuyên cho đi phần lớn số tiền kiếm được cho các tổ chức ở địa phương’ - ông viết.

Năm 1859, Julia có thai với Theodore trong khi đang đi lưu diễn. Đứa trẻ mới sinh cũng bị di truyền chứng mọc nhiều lông tóc như mẹ. Đứa trẻ qua đời chỉ vài giờ sau khi sinh. Julia thì qua đời 5 ngày sau đó.

 

Thay vì thương xót và đau buồn, Theodore bắt đầu cho trưng bày thi thể của vợ con trước công chúng để kiếm tiền. Sau đó, anh ta cũng tìm được một ‘người khỉ’ khác ở Đức trông giống Julia và cưới cô này làm vợ. Họ lại tiếp tục đi khắp nơi biểu diễn cùng với thi thể của 2 mẹ con Julia.

Người vợ bất hạnh bị chồng biến thành công cụ kiếm tiền
Thi thể Julia được đưa trở về Mexico vào năm 2013.

Sau khi Theodore chết, thi thể của mẹ con Julia được trưng bày rộng khắp trước công chúng Na Uy vào đầu những năm 1970. Đến năm 1976, thi thể bị đánh cắp.

Cảnh sát Na Uy sau đó đã tìm thấy thi thể của Julia trong xe chở rác với cánh tay bị cắt rời. Thi thể của đứa trẻ cũng không còn nguyên vẹn.

Sau đó thi thể Julia đã được chuyển tới Viện Y học pháp lý thuộc ĐH Oslo (Na Uy), rồi một lần nữa được chuyển qua Viện Khoa học y học cơ bản cũng của trường này.

Đến tận năm 2013, thi thể của cô mới được đưa về quê nhà ở Sinaloa, Mexico như đúng ước nguyện của Julia.

 

Trước đó, năm 2003, Kathleen Anderson Culebro - chị gái của Julia đã cho dựng vở kịch về cuộc đời và cái chết của cô, được công chiếu ở Texas. Julia cũng là nhân vật chính của các bộ phim, trong đó có ‘The Ape Woman’, một cuốn sách hài kịch, một bản nhạc rock.

Culebro chia sẻ: ‘Tôi cảm thấy cô ấy xứng đáng có quyền lấy lại phẩm giá và vị trí của mình trong lịch sử, trong ký ức của thế giới’.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm