Khám phá

Nguyên nhân không ngờ khiến tình báo Liên Xô chao đảo

Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) nằm trong số những tổ chức tình báo hàng đầu thế giới. Tuy vậy, như nhiều cơ quan tình báo khác, KGB cũng có những kẻ đang tâm bán rẻ Tổ quốc.

Tình báo đưa Liên Xô thành cường quốc như thế nào? / Tình báo Liên Xô phá tan âm mưu ám sát các lãnh đạo đồng minh

Không làm đến nơi đến chốn

Tháng 5/1980, Viktor Shaimov, sỹ quan cơ yếu 33 tuổi của KGB đột nhiên biến mất cùng vợ và cô con gái 6 tuổi. Theo bố mẹ Shaimov kể lại, chiều thứ Sáu, anh ta sắm sửa đồ đạc để đi nghỉ cuối tuần, dự kiến sáng thứ Hai sẽ trở lại cơ quan. Tuy nhiên, tới sáng thứ Hai, anh ta cũng không xuất hiện.

Nguyên nhân không ngờ khiến tình báo Liên Xô chao đảo
Hé lộ nguyên nhân không ngờ khiến tình báo Liên Xô chao đảo

Việc một sỹ quan KGB bỗng nhiên mất tích là một chuyện động trời, do vậy các cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc. Các giả thiết lần lượt được đưa ra, như bắt cóc tống tiền, tai nạn, án mạng… và cuối cùng là chạy ra nước ngoài, tức phản bội Tổ quốc.

Không giả thiết nào có cơ sở thích đáng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chú ý đến thái độ của bố mẹ Shaimov - thay vì hoảng hốt, lo lắng thì họ chỉ tỏ ra băn khoăn một cách giả tạo. Thứ hai, tủ lạnh đầy ắp thức ăn dự trữ và dường như cố tình làm thế để đánh lạc hướng điều tra. Thứ ba, trước khi biến mất, Shaimov đã đưa cho bố mẹ một đồ vật rất có giá trị.

Đúng vào thời gian ấy xảy ra một vụ cướp của, giết người. Trong quá trình điều tra sau khi bị bắt, ba tên cướp khai nạn nhân của chúng là một sỹ quan an ninh bị chúng bắt giữ tại một ga xe điện ngầm, đưa ra ngoại ô Moscow để trấn lột, đánh đập và thủ tiêu.

Nạn nhân cuối cùng của nhóm cướp này là một gia đình gồm 2 vợ chồng và đứa con gái. Những tình tiết ngẫu nhiên này đưa đến kết luận, gia đình Shaimov đã bị thủ tiêu.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy ba tên cướp đã bịa ra vụ giết người nói trên. Không thể kết tội chúng giết gia đình Shaimov, nhưng bọn cướp vẫn bị kết án tử hình vì những tội danh khác.

 

Thế nhưng, việc một sỹ quan tình báo bị mất tích đã không được làm sáng tỏ. Một số người khăng khăng gắn vụ việc với án mạng hình sự. Hình như họ không muốn tin vào một giả thiết nào khác.

Tháng 5/1982, Tổng cục I - KGB từ đầu vốn thiên về giả thiết Shaimov phản bội, nhận được nguồn tin là Cơ quan Tình báo Mỹ đã đưa được một cán bộ cơ quan an ninh ra khỏi lãnh thổ Liên Xô.

Ngoài ra, còn có tin là đúng vào thời gian Shaimov mất tích, một gia đình Liên Xô đã bay ra nước ngoài. Một nhân chứng đã nhận diện được Shaimov qua ảnh. Những cuộc điều tra tiếp theo về Shaimov cùng với các tình tiết trên đã có thể cho phép nghi ngờ giả thiết hình sự hoá vụ án. Nhưng một số cán bộ có trách nhiệm điều tra vẫn giữ lập trường của họ. Rõ ràng, họ không muốn phức tạp hoá vấn đề để tránh phiền toái.

Đến đầu năm 1985, từ nguồn tin tình báo của cả Liên Xô và nước bạn, Tổng cục I - KGB chính thức xác định: Shaimov cùng vợ con đã vượt biên trái phép. Ngay sau đó, các biện pháp nghiệp vụ được tiến hành để hạn chế hậu quả có thể có.

Thế nhưng không ai ngó đến mặt sau của đồng tiền: Làm thế nào mà Shaimov lại đi vào con đường phản bội và tại sao cơ quan phản gián lại bỏ qua một việc rất quan trọng là một cán bộ tình báo lại cùng vợ con bỏ ra nước ngoài.

 

Sự thật, dù cay đắng đã không được làm rõ ràng đến nơi, đến chốn. Và cái giá phải trả là năm 1985, Tình báo Anh lại đưa được viên sỹ quan KGB phản bội Gordievsky ra khỏi Liên Xô. Đến năm 1993, tại Mỹ ra đời cuốn sách “Đỉnh tháp của những bí mật”, trong đó cựu thiếu tá KGB Viktor Shaimov miêu tả tỷ mỉ việc y phản bội Tổ quốc và việc đào tẩu khỏi Liên Xô.

Đến sự phản ứng "quá tay"

Tháng 9/1991, Oleg Lyalin – sĩ quan KGB hoạt động tại London đào tẩu sang phía Anh. Nước Anh, vốn đã phàn nàn về biên chế sứ quán Liên Xô quá lớn so với sứ quán Anh tại Moscow và tình nghi nhiều cán bộ trong số đó hoạt động gián điệp, nhân cớ này liền trục xuất hơn 100 người của các cơ quan Liên Xô đóng ở London.

Nguyên nhân không ngờ khiến tình báo Liên Xô chao đảo
Oleg Adolfovich Lyalin. Ảnh: PeopleMaven

Việc thay thế những cán bộ bị trục xuất bằng những cán bộ mới là một quá trình phức tạp, gây nhiều thiệt hại về phương diện nghiệp vụ do nhiều mối quan hệ bị cắt, các chuyên án và hàng loạt điệp vụ phải thay đổi. Hậu quả là hoạt động tình báo ở địa bàn này bị giảm sút…

Nguy hiểm hơn, hành động này còn hướng tới ý đồ làm mất vị thế của Liên Xô trên thế giới, làm vẩn đục bầu không khí quốc tế.

 

Lyalin hoạt động dưới bình phong cán bộ Cơ quan đại diện Thương mại Liên Xô tại London, bị bắt giữ vì vi phạm luật giao thông. Thông thường, những cán bộ sứ quán vi phạm luật giao thông chỉ bị ghi tên và được thả ngay, nhưng trong trường hợp Lyalin có sự sắp đặt của Cơ quan Phản gián Anh.

Vốn biết rõ nhiều chi tiết trong đời tư Lyalin, biết một số sai phạm của Lyalin, kể cả việc anh này có quan hệ với một nữ nhân viên trong cơ quan mình, phản gián Anh hù doạ Lyalin và dụ dỗ anh ta cộng tác. Lyalin không chịu, sau đó nói là để suy nghĩ, chủ yếu là để “câu” thời gian.

Sáng hôm sau, cán bộ lãnh sự Liên Xô đến gặp và đón Lyalin về để anh này báo cáo tình hình với lãnh đạo ngành dọc của mình. Thật không may, tổ trưởng điệp báo – người mà Lyalin rất kính trọng lúc đó đi vắng. Thay thế ông tiếp Lyalin là người tổ phó.

Vốn có thành kiến với Lyalin từ trước, ông này bắt đầu la ó Lyalin, đại ý rằng anh này đã có nhiều khuyết điểm như thế, nay lại xảy ra chuyện như thế… thì chỉ có cách xách va li về nước. Quá hoảng hốt, Lyalin quyết định chạy sang phía đối phương.

Như vậy, khi một người rơi vào trường hợp không may bị “dính”- như ngôn từ của giới tình báo thường nói, nếu không tế nhị, không thông cảm mà đẩy người ta ra quá xa, có thế mất luôn cán bộ và gây tổn hại cho công việc chung.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm