Nhím biển sinh sản vô tội vạ, đe dọa bờ biển nước Mỹ
Theo AP, hàng chục triệu con nhím biển màu tím phàm ăn đã phá hết những cánh rừng tảo bẹ ở bờ biển California, chúng đang tiến lên phía bắc, xuất hiện ở bang Oregon và khiến hệ sinh thái biển ven bờ rơi vào trạng thái nguy kịch, với nhiều loài vật khác có khả năng chết đói.
Một nghiên cứu gần đây đã ước tính số nhím biển tím ở trên một rạn san hô ở bang Oregon lên tới 350 triệu con, tức là tăng hơn 10.000% kể từ năm 2014. Ở phía bắc bang California, 90% diện tích rừng tảo bẹ khổng lồ đã bị nhím biển ăn hết, và có lẽ sẽ không bao giờ hồi phục được.
Thảm họa cho hệ sinh thái ven biển
Nhiều dải đất dưới đáy biển không có gì khác ngoài hàng trăm quả cầu gai và tình trạng này đã lan tới bờ biển Oregon, nơi rừng tảo bẹ dày tới mức không thể di chuyển bằng thuyền ở một số khu vực.
Sự hủy diệt dưới nước này đang giết chết các ngành đánh bắt cá quan trọng trong đó có việc khai thác bào ngư đỏ và nhím biển đỏ, nhím biển tím cũng đã tạo ra sự tàn phá lớn tới mức các nhà khoa học ở California đang hợp tác với một doanh nghiệp tư nhân để đánh bắt loài vật này, đưa chúng vào một trang trại nuôi nhốt nhằm kiểm soát và bán cho thị trường hải sản toàn cầu.
Ông Scott Groth, nhà khoa học động vật có vỏ thuộc Cơ quan cá và động vật hoang dã của bang Oregon, chia sẻ: "Bạn không thể chỉ xuất hiện và giết từng con một. Có quá nhiều. Tôi không biết là chúng ta có thể làm gì nữa".
Sự bùng nổ của nhím biển tím là triệu chứng mới nhất cho thấy hệ sinh thái ven bờ ở phía bắc Thái Bình Dương đang có vấn đề.
Tảo bẹ đã phải vật lộn do nước biển năm nay ở Thái Bình Dương ấm hơn bình thường. Vào năm 2013, một căn bệnh bí ẩn đã quét sạch hàng chục triệu con sao biển, trong đó có một loài được gọi là sao biển hướng dương, là loài săn mồi duy nhất có khả năng ăn thịt nhím biển tím.
Cũng trong khoảng thời gian đó, nhím biển tím có 2 năm sinh sản vô tội vạ - khi không có động vật nào ăn thịt chúng - và giờ đây chúng hiện ra ở khắp mọi nơi.
"Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh tất cả những con nhím nhỏ này sẽ lớn lên, mỗi con tìm kiếm thức ăn, tuyệt vọng tìm thức ăn. Thật sự thì chúng đang chết đói ở ngoài đó", ông Steven Rumrill, chuyên gia về động vật có vỏ tại Cơ quan động vật hoang dã bang Oregon, cho biết.
"Tôi đã thấy những biến động với quy mô lớn trong quần thể sao biển và nhím biển, nhưng chưa từng thấy biến động nào lớn tới mức này", ông Rumrill nói.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn liệu cuộc khủng hoảng khí hậu có phải là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ những con nhím biển hay không, nhưng họ nghi ngờ rằng nó có vai trò nhất định trong chuỗi các sự kiện dẫn tới điều này.
Trong khi đó tảo bẹ, vốn đã bị bao vây bởi một vùng nước ấm lên, "đang không còn kiên cường chống chọi như chúng từng làm", theo bà Norah Eddy, giám đốc chương trình đại dương của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên California.
"Chúng ta sẽ thấy biến đổi khí hậu trở thành một động lực lớn cho sự thay đổi diễn ra trong những cánh rừng tảo bẹ", bà Eddy cho biết. Tổ chức của bà đang nỗ lực sử dụng drone để lập bản đồ và theo dõi phần ít ỏi còn lại của những cánh rừng tảo bẹ California.
Ngoài khía cạnh tự nhiên, những thiệt hại về kinh tế cũng xảy ra với người dân California. Bào ngư đỏ và nhím biển đỏ, một loài nhím lớn hơn và nhiều thịt hơn, từng là sản phẩm ngư nghiệp chính với nghề đánh bắt cá ở cả hai tiểu bang. Nhưng nay, 96% bào ngư đỏ đã biến mất ở bờ biển phía bắc California, trong khi số lượng nhím biển tím tăng lên gấp 6 lần, theo mội nghiên cứu công bố bời Đại học California Davis.
Năm ngoái, California đã phải ngừng đánh bắt bào ngư đỏ, ngành vốn đóng góp khoảng 44 triệu USD vào nền kinh tế ven biển mỗi năm. Oregon cũng phải đình chỉ giấy phép với 300 thợ lặn bào ngư đỏ trong thời gian 3 năm. Mùa thu hoạch nhím biển đỏ ở California và Oregon cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Đó là một tổn thất kinh tế khổng lồ với các cộng đồng nhỏ bé của chúng tôi ở ven biển. Ở California, có khoảng 30.000 đến 40.000 người tham gia đánh bắt cá (bào ngư) mỗi năm trong nhiều thập kỷ và đây là lần đầu tiên họ phải dừng đánh bắt", bà Cynthia Catton, nghiên cứu sinh của Phòng thí nghiệm Biển Bodega của trường UC Davis, cho biết.
Không tiêu diệt được thì hãy đưa nhím biển lên bàn ăn
Mặc dù nhím biển tím đã ăn nhiều thức ăn tới mức chúng không còn thức ăn và đang bị thiếu đói, không giống như những sinh vật khác phụ thuộc vào tảo bẹ, loài này có thể bật chế độ ngủ đông, ngừng sinh sản và sống trong nhiều năm mà không cần thức ăn.
Điều đó có nghĩa là cách duy nhất để khôi phục tảo bẹ là tiêu diệt những con nhím biển tím. Các nhà khoa học ước tính rằng, chỉ riêng ở Oregon, sẽ mất từ 15 đến 20 năm để loại bỏ tất cả 45 triệu kg nhím biển tím trên một rặng san hô.
Khi bật chế độ ngủ đông, phần thịt ăn được của nhím biển tím sẽ teo lại, khiến cho chúng không còn giá trị thương mại.
Để đối mặt với vấn đề này, các nhà bảo tồn, người đánh bắt nhím thương mại, các nhà khoa học và công ty tư nhân đang kết hợp để triển khai một kế hoạch khác thường: trả cho các thợ lặn đang không có việc làm để họ thu thập những con nhím biển sống, nhưng chuyển chúng về các trang trại chăn nuôi. Nhím biển sẽ được vỗ béo rồi bán ra khắp thế giới.
Urchinomics là một doanh nghiệp như vậy, họ đang thực hiện các dự án chăn nuôi nhím biển ở Nhật Bản, Canada và California. Công ty nhìn thấy một tương lai tươi sáng nơi nhu cầu dành cho nhím biển tự nhiên sẽ được thay thế bằng hương vị của những con nhím biển được vỗ béo trong trang trại, và những cánh rừng tảo bẹ sẽ có thời gian hồi phục.
"Chúng ta đã biến một vấn đề sinh thái thành một cơ hội sinh thái và một cơ hội kinh tế. Lần đầu tiên chúng tôi có động lực kinh tế để đưa những con vật phá hoại này ra khỏi mặt nước", ông Brian Takeda, CEO của Urchinomics, chia sẻ.
Mặc dù vậy ông Rumrill, chuyên gia về động vật có vỏ ở Oregon, ủng hộ nỗ lực thu bắt nhím biển tím, nhưng lại ít lạc quan hơn khi nói về việc cứu sống tảo bẹ.
"Đó là một kỹ thuật đầy hứa hẹn, nhưng chúng ta không nên tự lừa mình và cho rằng chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề sinh thái quy mô lớn bằng cách ăn hết những loài là mối đe dọa", chuyên gia này nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khám phá loài động vật có khả năng đi lộn ngược 180 độ trên cây, hạ gục con mồi bằng chiêu tuyệt đỉnh
Gấu nước là gì mà gần như không thể tiêu diệt kể cả đốt cháy, đóng băng ở nhiệt độ âm 200 độ
Sắn có chứa chất độc nhưng người dân châu Phi vẫn trồng với số lượng rất lớn, không sợ ngộ độc vì ăn sắn hàng ngày sao?
CLIP: 'Đơn thương độc mã', linh cẩu 'tung chiêu độc' hạ gục linh dương trong vòng '1 nốt nhạc'
CLIP: Cả gan trộm đồ ăn của sư tử, linh cẩu nhận cái kết thê thảm
Loài rắn bá đạo nhất hành tinh từng tồn tại: Dài tận 13 mét, đe dọa tất cả loài vật xung quanh