Nhờ đâu Nhật Bản hai lần chưa cần động tay đã đánh tan quân Mông Cổ?
Khám phá "độc" loài ngựa biểu tượng hệ động vật Mông Cổ / Điều gì làm nên sự khủng khiếp của kỵ binh Mông Cổ?
Nước Nhật đã tránh khỏi họa xâm lăng nhờ 2 "trận gió thần" (Tranh cổ)
Sau những cuộc chinh phạt Đại Kim (năm 1230), Triều Tiên (1231), và chiếm được một nửa giang sơn Trung Quốc, năm 1271, Hốt Tất Liệt, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, xưng đế, thống nhất các vùng lãnh thổ đã chiếm được và đổi quốc hiệu là Đại Nguyên (với nghĩa là khởi đầu, nguyên thủy).
Lúc này, người Mông Cổ đã làm chủ được một phần lãnh thổ rộng lớn, trải dài suốt một nửa Đông Bắc Á tới tận phía đông lãnh thổ châu Âu, nhưng họ không hề thỏa mãn với những gì đang có mà vẫn tiếp tục tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình. Chỉ nằm cách Đại Nguyên 160 km về phía Đông, Nhật Bản đương nhiên là một con mồi béo bở mà các đời Đại Hãn đã thèm muốn trinh phạt từ rất lâu.
Tham vọng xâm chiếm Nhật Bản đã được Hốt Tất Liệt nung nấu từ trước thời điểm lên ngôi. Nhưng do cuộc xâm lược Nam Tống đang trong giai đoạn ác liệt, nên nhà Nguyên lúc đó đã không có đủ lực lượng để mở một cuộc đổ bộ quy mô lớn vào quốc gia nằm giữa biển này.
Hốt Tất Liệt từng nung nấu ý định xâm lược Nhật Bản từ trước thời điểm lên ngôi
Vì vậy, trong suốt những năm từ 1267 đến 1274, Hốt Tất Liệt chỉ có thể cử sứ giả tới Nhật Bản, nhằm yêu cầu Thiên Hoàng phải chịu xưng thần nếu không muốn đối mặt với một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, những sứ điệp này đã không thể đến với Thiên Hoàng mà bị giữ lại bởi các Mạc Chúa của dòng họ Nakamura, những người đứng đằng sau nắm quyền hành thật sự.
Cả Mạc Phủ và Triều đình Kyoto đều làm ngơ trước những yêu sách từ Mông Cổ, từ chối việc cống nạp, đồng thời chuẩn bị phòng thủ đất nước. Không nhận được hồi đáp từ Thiên hoàng, Hốt Tất Liệt nổi giận. thề sẽ trừng phạt Nhật Bản, nơi được ông ví như một “tiểu quốc” ương ngạnh.
Sau khi hạ được thành Tương Dương của Nam Tống vào năm 1273, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, nhà Nguyên gấp rút chế tạo nhiều chiến thuyền, xây dựng hạm đội và tuyển mộ hàng ngàn thủy binh trên khắp Trung Quốc và Triều Tiên để chuẩn bị vượt biển.
Cuộc chinh phạt lần thứ nhất (1274)
Mùa thu năm 1274, quân đội Mông Cổ tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Nhật Bản. Lịch sử thường gọi đó là “Trận hải chiến Bun’ei” (hay trận hải chiến vịnh Hakata). Quân Mông Cổ huy động khoảng 500 đến 900 chiến thuyền với hơn 40.000 thủy quân, hầu hết là người Trung Quốc và Triều Tiên, tiến đến sát bờ vịnh Hakata.
Ban đầu, với ưu thế về vũ khí, quân đội Mông Cổ đã đánh bại các lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản, buộc quân Nhật phải rút lui và cố thủ sâu trong đất liền. Nhưng vì lo sợ người Nhật sẽ tổ chức phản công khi nhận được viện binh, quân Nguyên không dám truy kích mà trở lại thuyền chiến, án binh bất động chờ đợi tình hình.
Quân Nguyên bị Nhật Bản chặn đánh ở Hakata
Tuy nhiên, vào đêm hôm đó, một cơn bão lớn đổ bộ vào Nhật Bản đã đánh tan hạm đội của người Mông Cổ neo đậu tại bờ vịnh Hakata. Sáng hôm sau, cả hạm đội tinh nhuệ của quân Nguyên chỉ còn lại vài chiến thuyền, số còn lại đã bị cơn bão nhấn chìm xuống lòng biển, mang theo mạng sống của hàng ngàn chiến binh.
Cuộc chinh phạt lần thứ hai (1281)
Sau khi may mắn đẩy lui được quân Mông Cổ trong trận hải chiến năm 1274, người Nhật vẫn chưa thể thoát khỏi họa xâm lăng. Thất bại nặng nề đã chạm vào lòng tự ái của Hốt Tất Liệt, và càng khiến tham vọng chinh phạt Nhật Bản của nhà Nguyên trở nên lớn hơn.
Bảy năm sau cuộc chinh phạt đầu tiên, năm 1281, người Mông Cổ trở lại với một hạm đội thủy quân khổng lồ bao gồm 4.400 chiến thuyền và khoảng 70.000 đến 140.000 thủy quân. Quân Mông Cổ chia hai đường tiến đánh Nhật Bản: một đường từ Triều Tiên, một đường từ phía nam Trung Quốc. Tháng 8/1281, hai đạo thủy binh này hội quân ở vịnh Hakata.
Không thể tìm thấy bến đỗ thích hợp vì hệ thống tường lũy kiên cố của đối phương, hạm đội Mông Cổ phải lênh đênh trên mặt biển trong một thời gian dài. Hàng trăm ngàn binh sĩ buộc phải ở trong khoang chiến thuyền hàng tháng trời, tiêu tốn cạn kiệt lương thực trong khi đại quân vẫn phải loay hoay tìm chỗ đổ bộ.
Cuối cùng, vào ngày 15.8 năm đó, quân Mông Cổ quyết định mở chiến dịch tấn công vào một điểm xung yếu trên phòng tuyến của quân Nhật, nơi chỉ có rất ít quân phòng ngự. Thế nhưng, một cơn bão lớn lại đổ bộ vào đúng lúc đó, nhấn chìm toàn bộ hạm đội Mông Cổ một lần nữa xuống đáy biển Nhật Bản.
Người Nhật đánh tan cuộc xâm lược lần 2 của quân Nguyên (tranh cổ)
Những ghi chép trong sử sách Nhật Bản đương thời cho biết có hơn 4.000 chiến thuyền đã bị đánh đắm và khoảng 80% thủy quân Mông Cổ hoặc bị chết đuối, hoặc bị thương vong dưới lưỡi kiếm của các samurai trên bờ. Trận hải chiến này đã được ghi nhận là một trong những thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hải quân thế giới. Sau thảm bại, người Mông Cổ cũng từ bỏ luôn ý đồ xâm lược Nhật Bản và không bao giờ trở lại đảo quốc này thêm một lần nào nữa.
Raijin và Ngọn gió thần
Người Nhật hồi đó ca tụng 2 trận bão này bằng cái tên Kamikaze (tiếng Nhật nghĩa là Thần Phong, ngọn gió thần) và tin rằng chúng được tạo ra bởi Raijin và Fujin, 2 vị thần của sấm sét và bão tố trong thần thoại Nhật Bản, nhằm bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng của người Mông Cổ.
2 vị thần Fujin (phải) và Raijin (trái) trong thần thoại Nhật Bản (tranh cổ)
Trên thực tế, có một điều trùng hợp là cả hai lần quân Nguyên tiến đánh Nhật Bản đều diễn ra vào thời điểm sau tháng 6. Ở vùng Đông Thái Bình Dương, mùa bão bắt đầu sau tháng 6 các năm và đạt tới đỉnh điểm với những cơn đại cuồng phong vào khoảng tháng 8, tháng 9.
Người Mông Cổ vốn quen sống trên sa mạc, thảo nguyên nên không biết được những quy luật đó. Trong cả hai lần tiến quân, họ đều chọn thời điểm mà khả năng gặp bão biển là lớn nhất trong năm, nên đã tự chuốc lấy thất bại chỉ vì thiếu kiến thức về khí tượng trên biển.
Kamikaze trong lịch sử hiện đại
Trong Thế chiến Thứ II, Kamikaze được nhiều người biết đến là biệt danh của những phi đội cảm tử của phát xít Nhật. Những người lính trong các phi đội này thường liều mình lái phi cơ đâm thẳng vào tàu chiến của đối phương. Họ được người dân trong nước ví von là những ngọn “Thần phong” một lần nữa quét sạch quân thù, nhấn chìm kẻ địch xuống đáy biển.
Dù gây thiệt hại không nhỏ với một số hạm đội của Mỹ, nhưng đổi lại, không quân Nhật Bản cũng phải trả một cái giá khá đắt với hơn 2000 phi công tử nạn khi tuổi xuân còn phơi phới. Kamikaze là một trong những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của phát xít Nhật khi sắp bại trận.
Những người lính thuộc phi đội "Thần Phong" của Nhật trong Thế chiến II (Ảnh: GETTY)
Ngày nay, từ Kamikaze đã được đưa vào sử dụng trong Anh ngữ thường nhật để chỉ những người hành động liều lĩnh, coi nhẹ sự an nguy của bản thân.
Nhưng thuật ngữ này vẫn được người Nhật sử dụng với một thái độ trân trọng, vì hai cơn cuồng phong ập đến đúng thời điểm quân Mông Cổ xâm lược chẳng khác nào những món quà của Thượng đế. Nếu không có những ngọn “Thần phong” này, số phận tương lai của Nhật Bản chắc chắn sẽ rẽ sang một hướng rất khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo