Họ là những "anh hùng, nữ tướng" chung một mái nhà, đã góp sức vẻ vang cho công cuộc dựng, giữ nước trong sử Việt.
Trưng Trắc – Thi Sách
Đây là cặp đôi anh hùng có thể nói là sớm nhất của
dân tộc Việt Nam. Năm 40, nữ vương Trưng Trắc và chồng là Thi Sách đã anh dũng lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống lại quân Hán xâm lược.
Khi Thái thú Tô Định giết chồng (Thi Sách), Trưng Trắc đã kiên quyết trả thù nhà, đòi nợ nước, một lòng tử chiến vì nghĩa khí. Tuy nhiên do lực lượng còn nhiều hạn chế mà nữ sĩ đất Mê Linh đã bị thất thủ và đắm mình xuống sông tự vẫn để giữ tròn khí tiết vào năm 43.
Tình cảm mà Trưng Trắc dành cho Thi Sách nói riêng và đối với dân tộc, nhân dân nói chung chính là tình cảm của một gia đình, một mái ấm được bồi đắp bởi lịch sử và tình yêu sâu sắc.
Dương Vân Nga và mối tình hai triều đại Đinh – Lê
Dương Vân Nga là một người phụ nữ tuyệt sắc, đa tài của vùng đất Ninh Bình. Bà là người có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê ở nước ta. Bà đã từng làm hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, sau đó làm thê tử của Lê Hoàn (Lê Đại Hành).
Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, với tên gọi đất nước là Đại Cồ Việt. Đặc biệt, ông nổi tiếng hơn cả vì là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, đưa đất nước đi vào ổn định và hòa bình, thống nhất giang sơn. Ông là hoàng đế đầu tiên của nước ta sau 1.000 năm Bắc thuộc.
|
Tượng thờ Dương Vân Nga, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. |
Lê Hoàn, là vị vua đầu tiên của nhà
Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam mà ông còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó, Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, thủ đô hiện tại của Việt Nam.
Nguyên Phi Ỷ Lan – vua Lý Thánh Tông
Cặp phu thê tài năng và đức độ của dân tộc Việt Nam, những con người với tình cảm gia đình và lòng yêu nước sâu sắc.
Ỷ Lan từ khi được vào cung, với xuất thân từ một thôn nữ, nàng không hề trau chuốt nhan sắc mà chăm lo cho gia đình và chú tâm học hành. Đặc biệt, bà rất chu đáo khi lo công việc ở hậu triều giúp vua và đặc biệt là lúc vua đi vi hành, đánh trận. Tiêu biểu, bà đã hai lần làm nhiếp chính vào năm 1069 và năm 1072 khi vua thân chinh đi đánh giặc và khi vua đột ngột qua đời.
|
Tượng thờ của Nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông. |
Lý Thánh Tông (1023 – 1072) là vị vua thứ ba của nhà Lý, cai trị từ năm 1054 đến 1072. Ông tên thật là Lý Nhật Tôn, sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam.
Cũng như cha và ông, Lý Thánh Tông là người tài kiêm văn võ. Song, ông còn nổi tiếng là một minh quân có nhiều đức độ trong lịch sử Việt Nam. Ông tận tụy với công việc, thương dân như con, được biết đến vì đã đối xử tốt với tù nhân.
Ông là người đặt quốc hiệu Đại Việt, xây dựng Văn Miếu, đánh bại quân Tống (1060) và bình Chiêm (1069), lấy được ba châu của Chiêm Thành.
Công chúa Ngọc Hân – vua Quang Trung
Lê Ngọc Hân (1770 – 1799) còn gọi là Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ).
Lê Ngọc Hân là con gái thứ 9 vua Lê Hiển Tông, nổi tiếng vì đẹp sắc, đẹp nết, tính tình hiền hậu. Bà được nhân dân lưu truyền là Bà chúa Tiên khi ở kinh đô Phú Xuân.
|
Ngọc Hân - Quang Trung thực sự là đôi trai tài gái sắc. |
Vua Quang Trung là vị anh hùng áo vải của dân tộc ta, một con người văn võ kiệt xuất và là một vị minh quân rất gần gũi với nhân dân. Ông nổi tiếng là người đã tiến hành cuộc khởi nghĩa Tây Sơn kết thúc sự phân chia của hai chúa Trịnh – Nguyễn.
Đặc biệt, với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút và đại thắng quân Thanh năm 1789, Quang Trung được xem như một trong những vị tướng tài ba nhất của dân tộc ta.
Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu
Hai tướng sĩ dưới cờ của đội quân Tây Sơn. Những người đóng vai trò quan trọng trong những thành công, chiến thắng của Quang Trung khi đương đầu với khó khăn, giặc dã.
Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, là vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là một Đô đốc của vương triều Tây Sơn. Tại phủ Quy Nhơn, bà nổi tiếng là một người thiếu nữ với sắc đẹp trời phú và thông hiểu văn võ rất cao. Bà chính là người đã cứu Trần Quang Diệu khi ông gặp nạn, chữa trị và sau này trở thành vợ của ông để về tụ hội với đội quân áo vải, cờ đào.
|
Tượng thờ Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu ở Bình Định. |
Trần Quang Diệu (1746–1802) là một trong Tây Sơn thất hổ của nhà Tây Sơn. Ông là người Hoài Ân (Bình Định), được học võ từ nhỏ và tỏ ra là người đam mê chính sự. Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã có những đóng góp rất lớn cho các chiến thắng của nhà Tây Sơn. Tuy nhiên về sau, khi vua Quang Trung mất, cả hai đều bị vua Gia Long xử tội chết.
Nguyễn Thị Minh Khai – Lê Hồng Phong
Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) là nhà cách mạng ưu tú của Việt Nam, một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930 – 1940. Bà chính là đại diện tiêu biểu nhất cho các anh hùng nữ sĩ Việt Nam thời hiện đại.
Nguyễn Thị Minh Khai là một tri thức tiến bộ và có lòng yêu nước cao độ. Bà đã từng du học tại Liên Xô và có cơ hội làm việc cùng Bác Hồ. Chồng bà là người anh hùng mang tên Lê Hồng Phong.
|
Chân dung của cặp vợ chồng Cách mạng nổi tiếng Việt Nam Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. |
Lê Hồng Phong (1902 – 1942) là Tổng bí thư thứ 2 của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1935 đến 1936.
Ông tên thật là Lê Huy Doãn, quê ở Nghệ An. Ông sớm bộc lộ là một tri thức cách mạng và có tinh thần yêu nước sâu đậm. Lê Hồng Phong được cho đi du học ở Liên Xô (Trường Đại học Phương Đông), tại đây ông gặp Nguyễn Thị Minh Khai và hai người đã lập gia đình cùng nhau. Một cô con gái là kết quả của mối tình đẹp giữa hai nhà cách mạng vĩ đại của nước ta thời hiện đại này.
Theo Pháp luật & Xã hội