Khám phá

Những câu chuyện cảm động từ thù thành bạn

Dù ở hai phía đối địch nhưng những kẻ thù không đội trời chung này lại có phút giây hòa bình hiếm hoi sát cánh bên nhau như những người bạn.

1. Binh lính Pháp và Đức “giao lưu” ca nhạc trong đêm Giáng sinh. Trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, lần đầu tiên binh sĩ hai nước tạm bỏ súng xuống và giao lưu ca nhạc với nhau.

Trong màu xanh áo lính, một binh sĩ trẻ người Pháp trèo ra khỏi vị trí của mình mà không mang vũ khí trước sự chứng kiến của quân đội Đức. Người này bắt đầu cất cao tiếng hát ngân vang bài "O Holy Night".

Cả Pháp và Đức đều không nổ súng và lắng nghe tiếng hát của binh sĩ này. Ngay sau khi anh ta hát xong, một binh sĩ Đức đã trèo ra khỏi chiến hào và hát bài "From Heaven Above To Earth I Come”.

Đó là khoảnh khắc cảm động khiến cả hai bên dừng chiến trong 1 ngày. Ngay sau đó, quân đội Pháp và Đức lại trở về với thực tế - những kẻ thù không đội trời chung của nhau.

2. Binh sĩ Đức và Mỹ cùng ngồi ăn tối đêm Giáng sinh. Sự kiện đặc biệt này diễn ra vào khoảng thời gian xảy ra trận chiến Bulge. Đây là một trong những câu chuyện lãng mạn, điên rồ nhất về tình bạn giữa hai phía đối nghịch tưởng chừng không thể đội trời chung.

Một nhóm binh lính Đức và Mỹ đã biến chuyện không tưởng ấy thành sự thật. Người phụ nữ Đức có tên Elisabeth Vincken đã góp phần lớn công sức vào chuyện này.

Vào đêm Giáng sinh, Vincken và người con 12 tuổi đã mời 3 binh sĩ Mỹ bị lạc trong rừng Ardennes đến ăn tối. Điều kiện mà hai mẹ con họ đưa ra là những người lính không được mang theo vũ khí. Một lúc sau, 4 binh sĩ Đức tìm kiếm nơi nghỉ chân qua đêm đã gõ cửa ngôi nhà của Vincken. Cô cũng yêu cầu binh sĩ Đức để vũ khí bên ngoài và không được đánh nhau với những lính Mỹ đang ở trong nhà mình.

Thật ngạc nhiên là quân đội Mỹ và Đức đã không sát phạt nhau mà còn cùng nhau ngồi chung bàn ăn tiệc Giáng sinh. Thậm chí, một binh sĩ Đức còn trị thương cho binh lính Mỹ. Câu chuyện cảm động này chưa dừng lại ở đó. Vào sáng hôm sau, binh sĩ Đức nói lời tạm biệt với lính Mỹ và cho họ một chiếc la bàn và chỉ đường cho họ quay trở lại tuyến hành quân của quân Mỹ.

3. Binh lính Liên Xô và Đức cùng tác chiến giết những con sói. Trong khi binh sĩ Liên Xô - Đức đang xảy ra cuộc chiến cam go ở mặt trận phía Đông trong Chiến tranh thế giới I thì bên thứ ba tham chiến bỗng dưng xuất hiện. Đó chính là những con sói lớn vô cùng hung dữ.

Chiến tranh kéo dài liên tục đã khiến môi trường sống của loài sói bị tàn phá nghiêm trọng và làm suy giảm lượng thức ăn của chúng. Vì quá đói, những con sói đã tấn công con người và gia súc. Những binh sĩ làm nhiệm vụ tuần tra hay đóng quân tại các chiến hào cũng trở thành con mồi của chúng.

Ban đầu, quân đội Liên Xô và Đức đã cố gắng để chống lại những đợt tấn công của bầy sói bằng sức lực của mình. Họ đã bắn, bỏ độc, ném lựu đạn vào lũ sói để giết loài vật ăn thịt này. Tuy nhiên, họ mới giết được một bầy thì bầy khác đã lập tức kéo đến.

Do không thể đơn độc giết hết lũ sói, binh sĩ Liên Xô và Đức đã đồng ý ngừng chiến và cùng nhau đối phó với những con vật hung dữ này. Đó là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ nhưng cuối cùng họ đã giành chiến thắng trước bầy sói hoang.

4. Lực lượng liên minh miền Nam và Lực lượng liên minh miền Bắc nước Mỹ đã trở thành bạn bè ở dọc theo bờ sông. Trong trận chiến Fredericksburg năm 1862, quân đội hai bên đã kết bạn với nhau trong một khoảng thời gian ngắn.

Họ trao đổi hàng hóa với nhau như thuốc lá và cà phê. Các binh sĩ đã để hàng hóa lên trên những chiếc thuyền đồ chơi và cho nó di chuyển sang phía bên kia. Sau đó, phía bên kia sẽ nhận hàng.

Không chỉ trao đổi hàng hóa, một số binh sĩ còn trao đổi các tờ báo và trò chuyện với nhau. Để không còn nhàm chán, binh sĩ thuộc Liên minh miền Nam chơi các trò chơi như bóng chày và tổ chức trận đấu quyền Anh dọc theo bờ sông với các tuyển thủ là quân lính phe này và đội cổ vũ là binh sĩ thuộc Lực lượng liên minh miền Bắc.

Tình trạng hòa bình hiếm hoi này chỉ kéo dài đến ngày 11/12/1862. Sau đó, hai bên đã giao chiến ác liệt và nó trở thành một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến.

Theo Tâm Anh/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo