Những câu chuyện kỳ bí về vùng đất treo đầu lâu trâu khắp nơi ở Hà Giang
Anh Trịnh Hữu Tưởng, cán bộ ngân hàng huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, bảo: “Trên đỉnh Lủng Cẩu cao 2.000 mét của dãy Tây Côn Lĩnh nhiều đầu lâu trâu lắm, treo khắp nơi, ghê chết đi được. Trong rừng cũng treo lủng liểng đầu lâu trâu”. Nghe những câu chuyện rùng rợn vùng đất toàn sọ trâu của người La Chí mà Trịnh Hữu Tưởng kể, tôi thực sự bị cuốn hút. Thế là lên đường…
Đường vào xã Bản Phùng rải nhựa phẳng phiu. Những ngày này, khách xuôi kéo lên nườm nượp chụp ảnh ruộng bậc thang.
Đứng ở trung tâm xã Bản Phùng, nhìn lên đỉnh Lủng Cẩu tưởng như đó là mảnh đất của trời. Người La Chí có truyền thuyết kể rằng, đỉnh Lủng Cẩu là nơi vua Gia Long ở. Đây là ông vua của người La Chí, giống như “vua mèo” Vương Chí Sình của người Mông chứ không phải vua Gia Long thời Nguyễn.
Với sự dẫn đường của các thầy cô cắm bản Lủng Cẩu, tôi dò dẫm tìm vào khu rừng cấm rộng mênh mông của dân tộc La Chí, một dân tộc chỉ có độ trên dưới 10 ngàn người, cư ngụ chủ yếu huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang.
Đối với người La Chí, không phải ngày cúng rừng thì không ai dám vào khu rừng thiêng huyền bí này, nhưng chúng tôi là người ngoại đạo nên không sợ ma quỷ thánh thần gì.
Khu rừng rộng mênh mông, trên lưng Tây Côn Lĩnh rất nhiều đa. Những cây đa to cả chục người ôm mới xuể, tán lá lòa xòa rộng mênh mông, che kín cả một vạt núi. Có những cây mà hõm, hốc của nó đủ lớn để đỗ một cái ô tô.
Thân những cây đa này chằng chịt loài dây leo. Có những dây leo to bằng bắp chân, dài đến nỗi chúng tôi bám đi theo mãi mới thấy ngọn nó quấn quýt trên tán cây đa khổng lồ. Đồng bào La Chí ở xã Bản Phùng rất sợ những cây đa này. Họ tin rằng, thần linh luôn ngự ở trên các cây đa để bảo hộ cho cuộc sống đồng bào, do đó, phải tôn trọng nơi ở của thần linh.
Vào trong rừng sâu, đến một khoảng trống rộng rãi, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng kinh ngạc: La liệt đầu lâu trâu trắng lốp treo lủng lẳng trên những cọc vầu hoặc cọc gỗ cắm rải rác trong những bụi cỏ, sau những gốc cây. Đây chính là nghĩa địa của người La Chí.
Có cái đầu lâu trâu vẫn còn hai chiếc sừng, có cái đã rụng sừng, có cái còn nguyên bộ hàm, có cái được cắm thẳng lên cọc, có cái rơi vãi xuống đất. Có những chiếc sọ trâu ẩn hiện trong những bụi cây, đi va vào mới biết. Dưới chân những chiếc cọc treo đầu lâu trâu là những ngôi mộ được đắp bằng những hòn đá hộc hoặc những nấm đất bị mưa nắng bao năm mài mòn thấp lè lè.
Thầy giáo Lâm, người có thâm niên 5 năm cắm bản Lủng Cẩu bảo: “Chỉ khi nào có người chết người La Chí mới vào nghĩa địa này đào huyệt, làm lễ tang ma, sau đó, chỉ đến ngày Tết tháng bảy âm lịch, họ mới lại vào nghĩa địa để cúng và chia của cho người chết”.
Gửi trâu cho người chết
Ma chay của người La Chí vô cùng phức tạp, lạ lùng và tốn kém. Thầy cúng Vương Ngọc Phúc kể rằng, khi có người chết, gia đình vào rừng xẻ gỗ, làm quan tài rồi chôn ngay. Trước khi chôn, gia đình người chết chỉ mổ một con gà để thầy cúng làm lễ tiễn ma và lấy chân gà để xem bói.
Sau khi chôn người chết, suốt 13 ngày, những người trong gia đình không làm việc gì, không đi đâu, ăn cơm không dùng đũa, thìa, mà chỉ ăn bốc, chỉ ăn rau xanh, không ăn thịt, không cho ai mượn cái gì… Và điều lạ nữa là thay nhau ngày đêm ngồi bên mộ mời cơm người chết và… đuổi ruồi muỗi cho người chết.
Đến ngày thứ 13 kể từ ngày mai táng, gia đình cùng cả bản kéo ra mộ tham gia lễ làm ma. Vật hiến tế cho người chết là con trâu. Thông thường, vật hiến tế gồm 3 con trâu, nhà giàu có thể nhiều hơn. Người La Chí quan niệm chết là sang một thế giới khác, nên vẫn cần trâu để cày trên những thửa ruộng bậc thang, vì thế, họ gửi trâu cho người chết lấy… vốn làm ăn.
Người con trai cả dẫn trâu đi vòng quanh mộ 3 lần, quỳ lạy ở chân mộ, mời tổ tiên về dự lễ, rồi đóng 4 chiếc cọc quanh mộ. Trâu được buộc vào một chiếc cọc cao, thường là cây vầu. Ông thầy cúng tay cầm sừng trâu, củ gừng và hỏi linh hồn người quá cố nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Trò chuyện xong với người chết, thầy cúng bắt đầu cúng hiến trâu cho người chết. Lễ cúng vừa tiến hành xong, người ta mổ trâu tại nghĩa địa, xẻ thịt, róc xương, rồi lại xếp xương thịt thành hình con trâu, lấy tấm da trâu phủ lên. Thầy cúng lại cúng hiến dâng từng bộ phận của con trâu cho người chết. Khi các nghi lễ này làm xong, người ta đem luộc đầu trâu, bóc sạch thịt, cắt sừng và đem sọ trâu cắm ở chiếc cọc bên mộ.
Hàng năm, cứ đến dịp Tết tháng bảy (người La Chí coi Tết tháng bảy to hơn Tết nguyên đán), họ lại đi tảo mộ. Nhà nào khá giả thì làm lễ hiến trâu cho người chết, nhà nào nghèo khó, không có trâu thì thôi.
Ngày Tết tháng bảy, vào bản của người La Chí, thấy trâu cứ đổ uỳnh uỵch, vì hầu như nhà nào cũng mổ trâu cúng tổ tiên, người chết. Nhà nào cũng treo đầy thịt trâu khô, da trâu khô trên gác bếp, chứa đầy thịt trâu muối trong các hũ lớn để ăn dần. Món thịt trâu khô, da trâu nướng, thịt trâu muối đều là đặc sản tuyệt vời của người La Chí ở đất Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang.
Đi dọc nghĩa địa sọ trâu, tôi thấy, thông thường, mỗi ngôi mộ treo lủng lẳng 2-3 sọ trâu, có ngôi mộ treo đến cả chục cái. Theo thầy cúng Vương Ngọc Phúc, ngôi mộ nào treo nhiều sọ trâu, chứng tỏ con cháu của người nằm xuống giàu có, thịnh vượng. Nghi lễ hiến trâu cho người chết của người La Chí quả vô cùng tốn kém.
Dân tộc La Chí có khoảng 8.000 người, cư trú ở các xã Bản Phùng, Bản Máy (Hoàng Su Phì), Bản Díu, Nàn Xỉn, Nấm Dẩn, Nà Chì (Xín Mần) của Hà Giang. Dân tộc La Chí còn có tên gọi khác là Cù Tê, La Quả… Người La Chí làm ruộng bậc thang trồng lúa nước.
Các gia đình thường nuôi trâu, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, cá, nhưng không nuôi bò, vì họ sợ ông tổ Hoàng Dìn Thùng… bắt mất. Theo truyền thuyết của người La Chí, ông Hoàng Dìn Thùng rất thích ăn thịt bò.
Hàng năm, người La Chí có nhiều ngày lễ định kỳ tính theo âm lịch: Lễ xin thóc giống cho cả bản, lễ mở kho gọi hồn thóc giống, lễ mừng cày cấy xong, Tết tháng bảy, hội lễ cơm mới, lễ đưa hồn lúa về nhà… Trong đó, Tết tháng bảy là tết lớn nhất và vui nhất.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy khẳng định, người La Chí định cư ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần của Hà Giang rất lâu rồi. Ngay cả người Cờ Lao và người Nùng, di cư đến vùng Hoàng Su Phì cách nay 170 năm đã thấy người La Chí định cư ở vùng đất này.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Anbadie, trong cuốn “Các chủng tộc ở vùng cao Bắc kỳ từ Phong Thổ đến Lạng Sơn”, viết năm 1924, khẳng định: “Người La Chí là cư dân bản địa, thổ dân ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần đã từ mấy ngàn năm nay…”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao đàn ông thời xưa thích cưới con gái 13, 14 tuổi, nguyên nhân là gì?
Đường hầm bí ẩn có từ 13.000 năm trước được phát hiện ở Brazil, bị nghi là kết quả của người ngoài hành tinh?
Cựu chiến binh không quân từng gây chấn động khi tiết lộ về người ngoài hành tinh, sinh vật này đã sống trên Trái Đất?
Vì sao người ta nói rắn không dám đến chỗ người nuôi ngỗng? Rắn sợ gì?
Tại sao gà không thể bay dù có cánh?
Đây là sai lầm lớn nhất đời Lưu Bị: Cất công 3 lần đi mời Gia Cát Lượng nhưng lại bỏ lỡ nhân tài vô song này